18/01/2025 | 14:52 GMT+7, Hà Nội

Tài chính tiêu dùng: 10 năm nhìn lại

Cập nhật lúc: 18/08/2018, 02:11

Sau một thập kỷ, kể từ khi công ty tài chính tiêu dùng đầu tiên chính thức có mặt trên thị trường, lĩnh vực này đã phục vụ hơn 30 triệu khách hàng với quy mô hiện tại lên tới 51 tỷ USD (khoảng 1,17 triệu tỷ đồng).

10 năm phát triển

Năm 2008, thị trường tài chính Việt Nam chính thức đón nhận sự ra đời của công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng đầu tiên với nhiều mới mẻ và nghi ngại khả năng phát triển của loại hình này.

Tuy nhiên, sau đúng một thập kỷ, những gì mà tài chính tiêu dùng đạt được khiến những người lạc quan nhất cũng ít nhiều ngạc nhiên.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cho vay tiêu dùng liên tục tăng trưởng đột phá trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những năm gần đây khi lần lượt ghi nhận các con số ấn tượng 50,2% và 65% trong 2 năm 2016 và 2017.

Nhờ đà tăng trưởng ấn tượng đó, tính đến đầu năm 2018, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 17,4% tổng dư nợ tín dụng với quy mô ước đạt 1,17 - 1,18 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 51 tỷ USD.

Thị trường tài chính tiêu dùng hiện có quy mô khoảng 1,17 - 1,18 triệu tỷ đồng.

Thị trường tài chính tiêu dùng hiện có quy mô khoảng 1,17 - 1,18 triệu tỷ đồng.

Trong 10 năm qua, tài chính tiêu dùng đã phục vụ hơn 30 triệu khách hàng trên khắp cả nước. Đặc biệt, khoảng hơn một nửa trong số đó chưa từng có lịch sử tín dụng và chưa từng được tiếp cận các dịch vụ tín dụng chính thống trước khi có tài chính tiêu dùng.

Điều này cho thấy tài chính tiêu dùng không chỉ giúp khách hàng giải quyết nhu cầu vốn vay tiêu dùng mà quan trọng hơn, là giúp họ tiếp cận với nguồn vốn hợp pháp thay vì việc tìm đến các kênh cấp vốn phi chính thức như vay mượn người thân, hụi, họ, vay “chợ đen”,… vốn đi kè nhiều rủi ro không thể lường trước. 

 

Trong hội nghị của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tội phạm của Chính phủ mới diễn ra hôm 13/8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, “Tín dụng đen đi liền với tội phạm hình sự. Hầu hết các cơ sở cho vay tín dụng đen đều là cho vay mượn, thế chấp nhà cửa đất đai, tài sản. Nhiều vụ mở giấy cam kết ra thấy như đi cướp ngày”.

Như vậy, có thể thấy nguồn vốn từ tài chính tiêu dùng không chỉ giúp giải quyết bài toán chi tiêu cá nhân, hạn chế tín dụng đen mà sâu xa hơn nữa là giảm thiểu tình trạng tội phạm ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.

Ngoài ra, sự phát triển của tài chính tiêu dùng cũng giúp cải thiện kinh tế hộ gia đình, tăng khả năng tích lũy tài sản, tạo động lực cho ngành tài chính - sản xuất – dịch vụ, qua đó thúc đẩy nền kinh tế nói chung.  

“Rồng say giấc”?

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng chú ý nhưng sau 10 năm, tài chính tiêu dùng vẫn luôn bị đánh giá là chưa phát triển hết tiềm năng khi mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu thị trường, theo đánh giá của TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện vẫn còn “khoảng 60 triệu người dân sống ở các vùng nông thôn cần được tập trung hỗ trợ, đặc biệt là tài chính toàn diện” để giảm thiểu tình trạng phụ thuộc vào tín dụng “đen” thông qua các tiệm cầm đồ để giải quyết nhu cầu tài chính cấp bách.

Việt Nam hiện chỉ có 16 CTTC chính thức được cấp phép hoạt động.

Việt Nam hiện chỉ có 16 CTTC chính thức được cấp phép hoạt động.

Thậm chí, ngay cả ở khu vực thành thị thì thị trường tài chính tiêu dùng vẫn được xem như “rồng say giấc”, bởi mức độ phủ sóng của loại hình vay vốn này vẫn còn mờ nhạt.

Ngoài hình thức vay tiền mặt, danh mục các sản phẩm được các CTTC cung cấp vay mua trả góp hiện còn khá đơn điệu như xe máy, các mặt hàng điện máy, điện tử trong khi các loại hình dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, du lịch,.. chưa được chú trọng.

Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của thị trường tài chính tiêu dùng hiện được đánh giá là chưa cao khi mới chỉ có 16 CTTC được cấp phép hoạt động (tính đến hết tháng 8/2018). Điều đáng chú ý là trong khi số lượng các CTTC đã ít thì những công ty thực sự hoạt động và gây dựng được uy tín lại chỉ chiếm 50% nên dư địa phát triển của thị trường này là rất lớn.

Tuy nhiên, cũng chính vì vậy nên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các đối tác trong và ngoài nước hơn bao giờ hết. 

Có thể kể ra một loạt các thương vụ đầu tư lớn, mua bán – sáp nhập hay “lột xác” các CTTC trong thời gian gần đây như FE Credit huy động thành công 350 triệu USD từ các đối tác ngoại như Deutsche Bank, Credit Suisse, Lion Asia và khoảng 15 ngân hàng khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; SHB Finance chính thức gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng đầu tháng 8/2018 bằng việc khai trương trụ sở mới và ra mắt các sản phẩm vay tín chấp đầu tiên; Viet Credit – tiền thân là CTTC cổ phần Xi Măng-CFC cũng chính thức công bố thành lập với kế hoạch đầy tham vọng,…

Bên cạnh đó, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam cũng được coi là đang hội tủ đầy đủ tất cả các yếu tố để phát triển như quy mô dân số lớn (96 triệu người), tỷ lệ dân số vàng, thu nhập trung bình liên tục được nâng cao, tăng trưởng kinh tế khả quan, hội nhập thị trường quốc tế mạnh mẽ và hành lang pháp lý liên tục được hoàn thiện. 

Chính vì vậy, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Earn & Young Việt Nam nhận định, dù ẩn chứa nhiều thách thức và khó khăn nhưng thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong khu vực.