19/01/2025 | 01:30 GMT+7, Hà Nội

Điểm tín dụng – "Tài sản" lớn nhất trong thị trường tài chính tiêu dùng

Cập nhật lúc: 10/12/2018, 11:01

Điểm tín dụng là cơ sở để công ty tài chính quyết định mức lãi suất vay phù hợp, điểm tín dụng càng cao thì bạn sẽ được vay vốn với lãi suất thấp và ngược lại.

Điểm tín dụng là gì?

Điểm tín dụng (FICO) là điểm số mà các tổ chức tài chính dùng để đánh giá sự uy tín của khách hàng khi tìm đến phương thức vay vốn tiêu dùng.

Điểm tín dụng được tính theo tổng số điểm của các thành phần cộng lại: 35% lịch sử thanh toán, 30% số nợ, 15% lịch sử, 10% tín dụng mới, 10% loại tín dụng được sử dụng.

Sau khi lịch sử tín dụng của bạn được xác lập thì Trên hệ thống CIC, Bạn sẽ được xếp vào 1 trong 5 nhóm sau:

  1. Dư nợ cho vay đủ tiêu chuẩn (Không quá hạn từ 1-10 ngày)
  2. Dư nợ cho vay cần chú ý (Nợ từ 10 -90 ngày)
  3. Dư nợ cho vay duới tiêu chuẩn (Trên 91 - 180 ngày)
  4. Dư nợ cho vay có nghi ngờ (181 - 360 ngày)
  5. Dư nợ cho vay có khả năng mất vốn (Nợ trên 360 ngày)

Điểm tín dụng ảnh hưởng thế nào đến vay tiêu dùng?

Việt nam có hệ thống thông tin tín dụng CIC và lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ được cập nhật từng ngày, từng giờ, từng phút và từ cơ sở dữ liệu này. Dựa vào số liệu của CIC, các công ty tài chính sẽ quyết định mức lãi suất vay phù hợp, điểm tín dụng càng cao thì bạn sẽ được vay vốn với lãi suất thấp và ngược lại.

Nếu như bạn có lịch sử nợ xấu thì điểm tín dụng sẽ bị tụt và khó cho quá trình vay vốn sau này. Nếu như trả nợ đầy đủ, đúng hạn thì khách hàng được chấm điểm tín dụng cao, việc vay tiêu dùng cũng dễ thở hơn với lãi suất thấp.

Điểm tín dụng là điều kiện thiết yếu trong vay tiêu dùng

Điểm tín dụng là điều kiện thiết yếu trong vay tiêu dùng

Chị Đoàn Vân Anh, một công nhân cho biết: “Cách đây 2 năm, chị từng vay vốn tại công ty tài chính để mua điện thoại. Thời điểm đó do công việc chưa ổn định, thu nhập thất thường nên đã chậm trả nợ vài lần, không ngờ đến tận bây giờ vẫn bị ảnh hưởng”.

Tìm đến công ty tài chính để vay một lần nữa, chị được chấp nhận cho vay nhưng với lãi suất cao gấp rưỡi với lãi suất chị từng vay trước đây. Mãi đến khi đó, chị mới biết lịch sử nợ xấu của mình đã bị lưu vào toàn hệ thống và điểm tín dụng của mình được rất ít.

Như vậy, dù vay vốn ở công ty tài chính là loại hình vay tín chấp, tuy nhiên điểm tín dụng lại là tài sản cao nhất mà khách hàng cần có nếu muốn tìm đến đây.

Nhiều khách hàng nghĩ rằng có thể dấu đi khoản nợ xấu trước đó nhưng họ đã nhầm, chỉ bằng vài thao tác kiểm tra đơn giản trên hệ thống CIC thì lịch sử vay vốn của họ sẽ được hiển thị.

Nếu như không có điểm tín dụng và khách hàng phải tìm đến tín dụng đen thì không những lãi suất cao gấp hàng chục lần từ ngân hàng hoặc công ty tài chính mà còn không thể lường trước được rủi ro bất ngờ trong tương lai.

Làm thế nào để cải thiện điểm tín dụng?

Trong trường hợp điểm tín dụng của bạn không cao, cũng đừng lo lắng quá bởi bạn hoàn toàn có thể cải thiện điểm tín dụng.

Hoàn thành nợ đang có. Bạn nên trả thêm 20% lãi suất hàng tháng cho các khoản vay hiện tại để có thể kết thúc sớm việc trả nợ và cải thiện tín dụng.

Trong lúc điểm tín dụng của bạn không tích cực thì đừng xin vay vốn mới hoặc mở thêm thẻ tín dụng vì nó sẽ làm giảm điểm tín dụng đáng kể.

Không dùng tài sản của mình để bảo lãnh cho người khác. Nếu như bạn dùng tài sản của mình để bảo lãnh hay thế chấp cho gói vay của người khác thì sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn. Cho dù đó là thẻ tín dụng cũng không nên dùng vì nó sẽ báo lịch sử đến CIC.

Dùng thẻ tín dụng đúng cách. Thẻ tín dụng là con dao hai lưỡi, có thể tiết kiệm tiền nhưng cũng có thể làm giảm điểm tín dụng. Bạn cũng nên hạn chế rút tiền mặt qua thẻ tín dụng vì nó như là một nguồn vốn lưu động mà nếu bạn lạm dụng thì lịch sử tín dụng của bạn càng tệ hại.

Khi bạn có lịch sử nợ xấu, không nên dùng thẻ để thanh toán vì đó là hình thức vay nóng tiền mặt. Nếu bắt buộc phải thanh toán thì cũng chỉ nên nhỏ giọt với số tiền rất nhỏ.