19/01/2025 | 18:25 GMT+7, Hà Nội

Hé lộ hàng loạt vấn đề tại điểm trông giữ xe trái phép tại phường Long Biên

Cập nhật lúc: 22/09/2020, 13:00

Sau nhiều năm bị bỏ hoang, Dự án khu vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe tại phường Long Biên được quây tôn kín mít và thành điểm trông giữ xe ảnh hưởng nặng nề tới việc giảng dạy, học tập của trường THCS Long Biên bên cạnh.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Chỉ đạo càng quyết liệt - Vi phạm càng gia tăng

Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và siết chặt các chính sách quản lý sử dụng đất đai bởi thực tế những năm qua cho thấy số vụ việc sử dụng đất sai mục đích ngày càng tăng, thậm chí có nhiều trường hợp ngang nhiên xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp mà không bị phát hiện, xử lý.

Dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở - Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Thiên Hà Thủy. Hiện tại dự án vẫn nằm im lìm chưa triển khai nhưng đa được hô biến thành điểm trông giữ xe.

Để triển khai việc xử lý các sai phạm về sử dụng đất và trật tự xây dựng (TTXD) được kịp thời, hiệu quả UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều công văn yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. 

Cụ thể: Ngày 04/01/2016, UBND thành phố Hà Nội có ban hành Công văn số 06/UBND-XDGT về việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng đô thị, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trên đia bàn thành phố Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai.

Ngày 5/4/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản 1448/UBND-ĐT chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ xử lý, xử lý chưa dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ngày 17/7/2018, ban hành văn bản số 3245/UBND-ĐT yêu cầu các UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng…

Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành…

Nhưng có lẽ những chỉ đạo quyết liệt từ UBND TP Hà Nội nhằm xử lý các bãi xe không phép, trật tự xây dựng... vẫn chưa có tác dụng tại phường Long Biên ( thuộc quận Long Biên, TP Hà Nội). 

Dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở do Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Thiên Hà Thủy (Công ty Thiên Hà Thủy) làm chủ đầu tư im lìm nhiều năm được "hô biến" thành điểm trông giữ xe tạm bợ, nhếch nhác kéo theo nhiều hệ luỵ.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quản lý TTXD

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đô thị năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020, ông Nguyễn Việt Dũng – Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các Đội QLTTXDĐT. Theo ông Dũng, thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với các Đội này chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất biện pháp theo quy trình của pháp luật. Do đó, dẫn đến việc xử lý vi phạm còn chậm, hiệu quả chưa cao.

Ông Nguyễn Việt Dũng – Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đô thị năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng nhưng một số Đội, lãnh đạo chưa thực sự đề cao trách nhiệm, chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành ngăn chặn các vi phạm mà giao phó cho Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị giải quyết. Một số bộ phận còn nể nang, ngại va chạm dẫn đến việc xử lý chưa được dứt điểm, kịp thời.

Trường hợp vẫn để xảy ra sai phạm, theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật phòng cháy chữa cháy 2001: “Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh do thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức, quản lý, xử phạt, kiểm tra thực hiện hoạt động phòng cháy chữa cháy mà để xảy ra cháy thì tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 360 BLHS”.

Pháp luật đất đai quy định chế tài xử phạt hành vi sử dụng đất sai mục đích chủ yếu là xử phạt hành chính và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất. Tuy nhiên nếu không thực hiện có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn là cưỡng chế, thu hồi đất.

Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở đã quy định rất rõ phần xây dựng sai phạm trước tháng 10/2013 nếu phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại nhưng chủ đầu tư phải đóng 40% lợi nhuận từ việc xây dựng sai phép mang lại, còn nếu không buộc phải tháo dỡ. Đối với công trình xây dựng sau tháng 10/2013, nếu vi phạm về xây dựng bắt buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ phần xây dựng sai phạm.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng VP Luật Kết nối, về quy định không nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy luật pháp đã quy định rất rõ. Đối tượng phải nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy gồm: Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa vào sử dụng phải được CĐT, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo hồ sơ thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt ( Khoản 1 Điều 8 Thông tư 66/2014/TT-BCA).

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng VP Luật Kết nối bày tỏ quan điểm: Các dự án có sai phạm về xây dựng không đảm bảo tiến độ, sai giấy phép được cấp, không nghiệm thu phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy trường hợp dự án đó thuộc đối tượng phải nghiệm thu phòng cháy chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng, nếu không thực hiện nghiệm thu mà đưa vào sử dụng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 6 Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy”.

Khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Cũng tại Nghị định này quy định về Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp vi phạm hành vi hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đến 50.000.000 đồng thuộc Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo điểm b khoản 3 Điều 67.

Trường hợp vẫn để xảy ra sai phạm, theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật phòng cháy chữa cháy 2001: “Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh do thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức, quản lý, xử phạt, kiểm tra thực hiện hoạt động phòng cháy chữa cháy mà để xảy ra cháy thì tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 360 BLHS”.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án chủ đầu tư đã không tuân thủ các quy định khi xây dựng sai với các quyết định đã được thẩm duyệt.

Chia sẻ quan điểm về dự án có dấu hiệu sai phạm nêu trên, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết: “Các dự án có sai phạm về xây dựng không đảm bảo tiến độ, sai giấy phép được cấp, không nghiệm thu phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Luật Xây dựng 2014 quy định về 10 trường hợp được miễn xin cấp Giấy phép xây dựng tại khoản 2 Điều 89, theo đó ngoài trường hợp này, các dự án phải thực hiện xin cấp Giấy phép xây dựng theo quy định và thực hiện theo kế hoạch, dự án đã được phê duyệt. Trường hợp, dự án có sai phạm về xây dựng sai giấy phép được cấp, sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP”.

Sai phạm ai cũng thấy nhưng vì sao chưa bị xử lý?

Tình trạng sai phạm xây dựng, vi phạm luật đất đai trên địa bàn phường Long Biên (quận Long Biên, TP Hà Nội) kéo dài nhiều năm khiến người dân vô cùng bức xúc.

 Cụ thể: Dưới danh nghĩa là Dự án đầu tư xây dựng khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe tại phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) nhưng nhiều năm trôi qua, khu đất “vàng” này tại quận Long Biên vẫn bị bỏ hoang và được quây tôn kín mít. Việc để khu đất rộng lớn hoang hóa tại Thủ đô Hà Nội nhiều năm không sử dụng, khiến nhiều người không khỏi xót xa lãng phí.

Tháng 09/2020, có mặt tại dự án phóng viên (PV) ghi nhận thực tế, khu đất này mà Công ty Thiên Hà Thủy làm chủ đầu tư có địa chỉ tại số 19 phố Tư Đình (phường Long Biên) thực hiện dự án Khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở.

Dù những bãi xe này nằm sát khu dân cư nhưng công tác phòng cháy chữa cháy lại bị lãng quên một cách khó hiểu.

Người dân tại địa phương cho biết, từ khi có dự án nơi đây chỉ thay đổi duy nhất là khu đất này được quây tôn và mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe lớn nhỏ ra vào gây tiếng ồn ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập của tập thể giáo viên, học sinh trường THCS Long Biên. Đáng chú ý, dù những bãi xe này nằm sát khu dân cư nhưng công tác phòng cháy chữa cháy lại bị lãng quên một cách khó hiểu.

Theo ghi nhận của PV, tại bãi xe này rất khó để tìm thấy một vật dụng nào có thể phục vụ cho công tác chữa cháy tại chỗ. Nếu không may xảy ra hiện tượng cháy nổ, thì hậu quả sẽ khôn lường. Không những thế, việc rửa xe gây ô nhiễm nặng nề, các loại hóa chất và dầu mỡ sẽ thải xuống hồ nước nằm giữa lô đất, gây ô nhiễm.

Từ trước tới nay, hồ nước tại khu vực này không chỉ tạo điểm nhấn về cảnh quan mà còn có tác dụng điều hòa, tạo bầu không khí thoáng mát cho học sinh, giáo viên Trường THCS Long Biên và người dân sống trên địa bàn. Không hiểu vì lý do gì mà phía uỷ ban quận và phường Long Biên lại đồng ý phê duyệt dự án bãi trông xe gần sát trường học.

Trong khi dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở do Công ty Thiên Hà Thủy vẫn nằm im lìm chưa triển khai, thì hằng ngày vẫn có hàng trăm xe ra vào tiềm ẩn nguy hiểm về an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn. Người dân địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên UBND phường Long Biên, tuy nhiên vẫn chưa có phản hồi chính thức nào từ chính quyền địa phương.

PV đã liên hệ làm việc với UBND phường Long Biên về những phản ánh của người dân về bãi gửi xe này, tuy nhiên lãnh đạo phường không trả lời.

Hàng trăm chiếc xe lớn nhỏ ra vào gây tiếng ồn ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập của học sinh trường THCS Long Biên.

Những sai phạm diễn ra hàng ngày, ngay cạnh khu dân cư và trường học giữa "thanh thiên, bạch nhật" nhưng UBND phường Long Biên không xử lí đã khiến dư luận địa phương đặt nhiều nghi vấn. Liệu nguồn thu từ những điểm trông giữ xe này có được báo cáo và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế là những điều mà dư luận đang vô cùng băn khoăn.

Ngày 6/11/2012, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 8839/UBND-KH&ĐT về việc chấp thuận chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe tại phường Long Biên đối với Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Thiên Hà Thủy (Công ty Thiên Hà Thủy).

Sau đó dự án lại được đề xuất điều chỉnh bổ sung chức năng nhà ở, tại Văn bản số 1623/QHKT-P3 ngày 3/6/2013 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã kiến nghị và đề xuất UBND thành phố Hà Nội: “Cho phép bổ sung chức năng nhà ở vào tên dự án thành “Dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở” (trường hợp giữ nguyên tên dự án và chức năng sử dụng là Khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe thì Chủ đầu tư phải triển khai điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng ô đất nhà ở ký hiệu C2-4/LX1 (khoảng 470m2) sang chức năng đất cây xanh vườn hoa hoặc chức năng bãi đỗ xe, làm cơ sở triển khai nghiên cứu quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị không thuộc diện cấp Giấy phép quy hoạch)”.

Đến ngày 18/2/2014, UBND thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Thiên Hà Thủy đối với Dự án khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở, tiến độ thực hiện dự án được nới từ quý I/2014/ đến quý I/2016. Tại văn bản số 3935/UBND ngày 1/7/2016 của UBND thành phố Hà Nội lại một lần nữa “nới” chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ quý 4 năm 2016 đến quý 4 năm 2018.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng UBND thành phố đã quá “ưu ái” cho doanh nghiệp, bởi liên tục nhượng bộ “nới” điều chỉnh gia hạn tiến độ dự án, trong khi đó nhiều năm qua, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. 

Người dân nhiều lần kiến nghị lên UBND phường Long Biên, tuy nhiên không được hồi đáp, không có động thái xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, đối với dự án này ban đầu được phê duyệt làm bãi đỗ xe, nhưng chỉ bằng công văn thỏa thuận của UBND thành phố Hà Nội, dự án đã có thêm chức năng nhà ở. Trong khi đó, cái mà gọi là nhà ở này thực chất chỉ là “hai nhà vườn song lập cao 3 tầng" với diện tích sàn công trình khoảng 273m2.

Nếu sự ưu ái đặc biệt cho dự án chỉ biết mặc áo tôn, làm ảnh hưởng đến giáo dục, đời sống, môi trường thì các cấp chính quyền, các đơn vị quản lý cần xem xét lại tổng thể quy hoạch. Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi không gian sống của cư dân, bỏ qua sự phát triển của các ngành như y tế, giáo dục.... Rất mong UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc kiểm tra và làm rõ sai phạm tại "Dự án đầu tư xây dựng khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe" để tránh phá vỡ quy hoạch chung của Thủ đô cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chính đáng của người dân địa phương.

Để đảm bảo đời sống an sinh xã hội được phát triển toàn diện, thúc đẩy kinh tế địa phương, kiến tạo không gian đô thị xanh-sạch-đẹp rất cần UBND quận Long Biên nhanh chóng kiểm tra, chỉ đạo làm rõ những vi phạm tránh để tình trạng “nhờn luật”, gây thất thu ngân sách nhà nước tại phường Long Biên. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể đã buông lỏng quản lý khi để xảy ra sai phạm.

Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Thiên Hà Thủy được thành lập ngày 18/1/2005 có trụ sở chính tại số 36 ngõ 203, đường Trường Chinh, phường Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do hai thành viên Đặng Nhật Thành nắm 66,7% giá trị vốn góp và Nguyễn Anh Tuấn nắm 33,3% giá trị vốn góp; vốn điều lệ 900 triệu đồng.

Đến ngày 25/2/2014, Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Thiên Hà Thủy tiếp tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên trở lên và chuyển trụ sở về số 19 phố Tư Đình, phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội). Tại bản thay đổi đăng ký doanh nghiệp này có thêm tên thành viên Nguyễn Thị Lành, nơi đăng ký HKTT số 18B Quán Thánh, phường Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội) với tỷ lệ góp vốn 57,500% tương đương 6,9 tỷ đồng. Các thành viên còn lại gồm Nguyễn Văn Thế nắm 37,500%, Tạ Ngọc Xuân nắm 5% giá trị vốn góp Công ty.