26/11/2024 | 00:20 GMT+7, Hà Nội

Vì sao UBND quận Thanh Xuân không xử lý sai phạm kéo dài tại 108 Nguyễn Trãi?

Cập nhật lúc: 11/09/2020, 14:56

Nằm trong danh sách 43 trường hợp vi phạm TTXD còn tồn đọng từ năm 2015 - 2016 trên địa bàn Hà Nội của Sở Xây dựng, nhưng đến nay các sai phạm về TTXD dự án khu hỗn hợp 108 Nguyễn Trãi vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

5 năm “mặc kệ” chỉ đạo của Thành phố, lãnh đạo quận Thanh Xuân phải rút kinh nghiệm

Nhắc đến sai phạm về TTXD tại quận Thanh Xuân, phải kể đến việc không xử lý sai phạm đã kéo dài 5 năm tại công trình xây dựng trái phép số nhà 28 Tô Vĩnh Diện. Tại kết luận về “nội dung tố cáo của công dân số 26 Tô Vĩnh Diện”, UBND TP Hà Nội nêu rõ dù thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND quận Thanh Xuân xử lý dứt điểm công trình xây dựng trái phép (cổng sắt rộng 1,5m cao 2,95m) tại ngõ nhà 28 phố Tô Vĩnh Diện nhưng sau 5 năm sai phạm vẫn chưa bị xử lý dẫn đến tố cáo, khiếu kiện kéo dài.

Sự việc kéo dài từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn không được giải quyết đã khiến dư luận địa phương vô cùng bức xúc. Chính vì vậy, người dân địa phương đã gửi đơn tố cáo nhiều lãnh đạo quận, bao gồm cả Chủ tịch và  Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân.

Trải qua quãng thời gian dài và rất nhiều các tài liệu, văn bản liên quan đến sai phạm, thế nhưng sai phạm tại số 28 phố Tô Vĩnh Diện vẫn còn đó. Tháng 5/2020, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ra kết luận về việc lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân không thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố. Đồng thời cũng nêu rõ việc UBND quận Thanh Xuân chưa xử lý dứt điểm trật tự xây dựng tạo số nhà 28 phố Tô Vĩnh Diện là nguyên nhân dẫn đến công dân tố cáo.

Địa chỉ số 28 phố Tô Vĩnh Diện là sai phạm tồn tại nhiều năm không bị xử lý

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân tổ chức rút kinh nghiệm. Khẩn trương xử lý dứt điểm công trình xây dựng trái phép tại ngõ 28 phố Tô Vĩnh Diện (phường Khương Trung) theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Hay Trung tâm Thanh thiếu niên Trung Ương, đang sử dụng đất tại số 3 phố Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc, với diện tích đất là 7.125 m². Giấy phép sử dụng đất số 5044 UB/XDCB do UBND Thành phố cấp ngày 14/11/1990 cho Trung tâm 9.100 m² đất để xây dựng Trung tâm văn hóa giáo dục tổng hợp. Thế nhưng, trải qua thời gian, trung tâm đã “xẻ nhỏ” khu đất cho hàng loạt đơn vị, hộ gia đình thuê làm địa điểm kinh doanh không đúng quy định và sử dụng đất không đúng mục đích được thuê, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất, chưa được ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cùng địa bàn quận Thanh Xuân, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Hà Nội - Xí nghiệp Chế biến thuỷ đặc sản xuất khẩu hiện đang quản lý và sử dụng khu đất có diện tích 34.384 m2 tại số 107 phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội theo Hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm với mục đích sử dụng là sản xuất, chế biến. Thế nhưng, dù đã hết hạn thuê đất từ năm 2015, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục cho nhiều đơn vị, cá nhân thuê đất để làm nhà xưởng và kinh doanh. Một số đơn vị có hành vi cải tạo, sửa chữa lại nhà xưởng, nơi kinh doanh.

Một số sai phạm khác có thể kể đến như việc thi công xây dựng công trình số 85 phố Hạ Đình, Thanh Xuân Trung không có giấy phép, không có pháp lý về đất, trong quá trình xây dựng gây bức xúc dư luận và tranh chấp khiếu kiện nhiều năm; công trình số 298 đường Khương Đình từng bị người dân phản ánh thi công có dấu hiệu vượt phép được cấp, được chủ đầu tư thi công gấp rút hoàn thiện và đi vào sử dụng nhưng không bị lực lượng TTXD và chính quyền sở tại can thiệp, xử lý...

Sau kết luận của ông Nguyễn Văn Lưu - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân về công trình sai phạm tại số 85 Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung là một loạt cán bộ thanh tra xây dựng, cán bộ địa chính, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung đều bị kỷ luật. Theo đó, kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Phạm Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung. Kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Nguyễn Văn Đông, công chức địa chính - xây dựng và môi trường phường. Kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung. UBND quận Thanh Xuân giao Đội trưởng Đội TTXD quận báo cáo Chánh Thanh tra Sở xây dựng xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với một Phó đội trưởng cùng 3 cán bộ của đội.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Hà Nội đã xẻ đất công cho hàng loạt các kiot, hàng quán mọc lên trên mảnh đất hết hạn thuê đất từ năm 2015

Ngoài việc phải rút kinh nghiệm do chưa xử lý dứt điểm công trình xây dựng trái phép, không thực hiện chỉ đạo của thành phố liên quan đến địa chỉ số 28 phố Tô Vĩnh Diện, nhiều ý kiến cho rằng UBND thành phố cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm của ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trong lĩnh vực mình phụ trách, để nhiều cán bộ thuộc cấp của mình bị kỷ luật trong vụ việc số 85 Hạ Đình.

Năm 2017, Đoàn Thanh tra liên ngành của Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về thực hiện thanh tra, kết luận đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội có sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng đất. Theo đó, một số dự án sai phạm tại Thanh Xuân bị điểm tên như: Dự án chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình; dự án khu nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng trên đường Nguyễn Tuân; Dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng...

Bên cạnh những vụ việc nếu trên, hiện nay trên địa bàn quận Thanh Xuân vẫn tồn tại sai phạm có giá trị lên đến hàng tỷ đồng, như Dự án Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán tại 108 đường Nguyễn Trãi là một ví dụ điển hình.

Theo đó, năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc xây dựng Dự án Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán tại dự án King Palace 108 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do liên danh Công ty cồ phần Dụng cụ số 1 và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư.

Dự án cao tầng “quên” kê khai

Theo Thanh tra Chính phủ, dự án King Palace có diện tích sử dụng đất 18.531m2; tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; tiến độ thực hiện từ quý IV/2011 đến quý I/2015; tiền sử dụng đất phải nộp của dự án 340 tỷ đồng.

Theo đó, dự án King Palace thuộc Tổ hợp công trình Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở cao tầng và Công trình nhà ở thấp tầng được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư số 01121000362 ngày 27/11/2009.

Nguồn gốc đất trước khi chuyển mục đích do Công ty cổ phần Dụng cụ số 1 thuê của Nhà nước làm trụ sở và nhà xưởng sản xuất. Năm 2006, UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho phép Công ty cổ phần Dụng cụ số 1 liên danh với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội lập dự án đầu tư.

Ngày 25/10/2010, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 5256/QĐ-UBND thu hồi 18.53l m2 đất tại 108 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân giao Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội (đại diện liên danh) để thực hiện dự án.

Dự án Chung cư King Palace từng bị nêu tên do "quên" kê khai

Tiếp đó, ngày 23/10/2015, UBND TP có Văn bản số 7525/UBND-TNMT chấp thuận chủ trương cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty cổ phần Bất động sản Hoa Anh Đào.

Đối với việc xác định, tính tiền sử dụng đất của dự án, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc liên ngành Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Cục thuế trình UBND TP Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất của dự án tại Quyểt định số 3445/QĐ-UBND ngày 25/7/2011 đã đưa một số khoản chi phí vào tổng chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không đúng quy đinh tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính, với số tiền là 100 tỷ đồng.

Đối với việc chuyển nhượng vốn của Công ty Dụng cụ số 1 và việc điều chỉnh dự án đầu tư, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc Công ty cổ phần Dụng cụ số 1 chuyển nhượng phần vốn góp và nhận hỗ trợ với giá trị 127 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí hỗ trợ di dời, hỗ trợ ngừng việc, thanh toán chế độ cho CBCNV, doanh thu chịu thuế là 92,5 tỷ đồng nhưng không kê khai.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng không tiến hành kiểm tra, đôn đốc thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Đoàn thanh tra tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là hơn 20,363 tỷ đồng.

Đặc biệt, theo Kết luận của đoàn thanh tra, Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào nhận chuyển nhượng một phần dự án từ Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Ngày 10/6/2017 UBND TP có quyết định điều chỉnh dự án đầu tư, trong đó công ty được gia hạn tiến độ thực hiện dư án, nhưng UBND TP Hà Nội và cơ quan chức năng chưa xác định và thu tiền chậm tiến độ theo quy định của Chính phủ.

Liên quan đến vụ việc này, phóng viên đã liên hệ với cơ quan quản lý địa phương là UBND phường Thượng Đình. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.

Dự án thấp tầng “hóa” cao tầng

Cùng thuộc dự án Tổ hợp công trình Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở cao tầng và Công trình nhà ở thấp tầng do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, ngay sau tòa King Palace là khu nhà ở thấp tầng, đã được Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở tại văn bản số 833/SXD-TĐ ngày 22/5/2008 và cấp giấy phép xây dựng số 68/GPXD ngày 18/12/2013 với quy mô: tổng số công trình là 33 căn, xây cao 3 tầng/căn.

Cuối tháng 8/2020, khảo sát tại dự án này, có thể thấy rõ một số công trình được xây dựng lên đến 5 tầng và đang trong giai đoạn hoàn thiện, mặc dù trước đó, việc sai phạm trật tự xây dựng tại đây đã được Sở Xây dựng chỉ ra.

Cụ thể, ngày 4/4/2019, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành văn bản số 2755/SXD-TTr V/v thực hiện chỉ đạo tại văn bản số 2753/VP-ĐT ngày 2/4/2019 của UBND thành phố đối với dự án 108 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo nhiều nội dung sai phạm tại dự án 108 Nguyễn Trãi. Cụ thể:

Tổng số căn xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp 22 căn trong đó 17 căn do chủ đầu tư xây dựng sau tăng mật độ xây dựng, trong đó có 1 căn làm tầng bán hầm, 5 căn do các hộ dân sau này khi nhận bàn giao nhà từ Chủ đầu tư đã xây dựng sai nội dung giấy phép tăng số tầng, trong đó có 3 hộ dân tự phá dỡ phần xây dựng sai phạm.

22 trường hợp vi phạm nêu trên có các sai phạm như: Thay đổi hình dáng kiến trúc mặt đứng công trình và xây dựng đến sát ranh giới phía sau lô đất (không đảm bảo khoảng cách giữa 02 dãy nhà là 4m theo bản vẽ được chấp thuận); Xây dựng vượt ra ngoài chỉ giới xây dựng phía mặt nhà để tạo buồng phòng. Ngoài ra 6/22 căn tăng tầng cao công trình: 4/30 căn sai tăng 1 tầng, 2/30 căn sai tăng 2 tầng.

Các công trình sai phạm tại 108 Nguyễn Trãi đang đi vào giai đoạn hoàn thiện

Theo quy hoạch được phê duyệt, ô đất số 4 với diện tích 1.979 m2 được xây dựng thành khu nhà vườn với chiều cao công trình là 3,5 tầng, mặt tiền rộng 6 m. Tuy nhiên, trên thực tế lại xuất hiện các căn biệt thự được xây đến 4,5 tầng, 5 tầng… Bên cạnh đó, vẫn còn những công trình khác xây dựng lên tới tầng 3, vẫn đang để thép chờ và có thể xây vượt lên bất cứ lúc nào.

Vấn đề vệ sinh môi trường tại khu vực này cũng rất đáng lưu tâm, khi rất nhiều rác thải nhựa và vật liệu xây dựng được thu gom và đổ đống thay vì được vận chuyển tới các bãi rác công cộng.

Có thể dễ dàng thấy được việc buông lỏng quản lý trật tự xây dựng tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân đã dẫn đến dự án bị phá vỡ quy hoạch. Một dự án được cấp phép 33 căn nhà thấp tầng mà có đến 22 căn vi phạm trật tự xây dựng. Đây là một vụ việc đáng báo động đối với tình trạng sai phạm trật tự xây dựng tại quận Thanh Xuân.

Sai phạm liên tục diễn ra, vướng mắc hay bao che?

Vấn đề xây dựng và phát triển đô thị luôn là nhiệm vụ trọng tâm, được TP Hà Nội đặt lên hàng đầu. Đã có nhiều sai phạm được xử lý, cùng với nhiều cán bộ, viên chức bị kỷ luật. Tuy nhiên số lượng sai phạm trật tự xây dựng vẫn còn rất nhiều. Có những sai phạm diễn ra mà không bị xử lý, hoặc nếu có thì lại xử lý “nhẹ tay” hay “phạt cho tồn tại”, thậm chí nhiều công trình saii phạm vẫn mọc lên, tồn tại nhiều năm qua nhiều thời kỳ lãnh đạo.

Công trình vượt tầng được "phạt cho tồn tại" là một trong các phương thức xử lý quen thuộc tại nhiều địa phương

Các sai phạm tập trung chủ yếu là tình trạng xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư; quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không cấp được Giấy chứng nhận sở hữu cho người mua căn hộ do sai phạm về thiết kế, mật độ xây dựng dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán.

Hệ quả của những sai phạm về TTXD tại quận Thanh Xuân khiến địa bàn này tiềm ẩn nguy cơ hoả hoạn vô cùng lớn bởi hệ thống phòng cháy chữa cháy không được đảm bảo. Một ví dụ điển hình, là ngày 2/7/2018, một ngọn lửa bất ngờ bùng phát từ cửa hàng giày dép và nhanh chóng lan rộng ra khu tập thể 5 tầng tại nhà A11, khu tập thể quận Thanh Xuân Bắc trên đường Nguyễn Quý Đức. Vụ hỏa hoạn diễn ra khiến hàng trăm cư dân hoảng loạn sơ tán. Ít nhất 7 xe chữa cháy cũng hàng chục cán bộ chiến sĩ PCCC được huy động để dập lửa và giải cứu người mắc kẹt. Do cầu thang nhỏ hẹp khói bốc lên nồng nặc nên lực lượng cứu hộ đã buộc phải phá chuồng cọp do người dân dựng nên để cứu người. Rất may, vụ hỏa hoạn không có thương vong về người.

Chuồng cọp bủa vây các chung cư cũ quận Thanh Xuân tiềm ẩn mối nguy lớn về PCCC

Những hệ quả xảy ra do sai phạm TTXD là nhãn tiền, thế nhưng vẫn tiếp tục diễn ra mà không bị chính quyền địa phương xử lý. Nhiều người cho rằng phải chăng đang có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" - khi mà Thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo các cấp chính quyền và sở, ngành chức năng phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, nhưng UBND quận Thanh Xuân lại chẳng mấy "mặn mà" trong việc xử lý các sai phạm tồn đọng bấy lâu nay?

Để hài hòa lợi ích của tất cả mọi người là không thể. Một mặt các nhà nghiên cứu, các chuyên gia có thể thấy được những điểm bất hợp lý trong quá trình phát triển hạ tầng của thành phố, hậu quả từ chính các sai phạm trật tự xây dựng lâu dài. Mặt khác, người dân lại đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích của cộng đồng và xã hội, dù biết sai nhưng vẫn làm. Thế nhưng, khi mà chính quyền địa phương không có động thái mạnh tay thì người dân không có sự dè chừng, từ đó phát sinh tâm lý xem nhẹ pháp luật và tiếp tục phát sinh hành vi sai phạm.

Để công tác xử lý những sai phạm về trật tự xây dựng đem lại hiệu quả, UBND quận Thanh Xuân cần có sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền, biến chủ trương thành phố thành những hành động cụ thể, đồng thời giám sát chặt chẽ, kiên quyết không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", khắc phục các điểm còn hạn chế và giải quyết, xử lý dứt điểm từng sai phạm của từng dự án trên địa bàn.