Hàng nội "nhái mác" ngoại, doanh nghiệp ngoại đội lốt "made in vietnam"
Cập nhật lúc: 16/07/2019, 09:00
Cập nhật lúc: 16/07/2019, 09:00
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang là một trong những vấn đề nhức nhối xã hội. Hệ lụy mà nó mang đến không hề nhỏ như ảnh hưởng đến chính sức khỏe, tài chính người tiêu dùng, làm giảm uy tín các nhà sản xuất chân chính.
Loạn hàng nội giá rẻ
Hầu hết các hãng uy tín, có thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ra ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chân chính.
Bên cạnh đó, hàng giả, hàng nhái còn khiến cho người tiêu dùng dễ hiểu lầm về chất lượng hàng thật dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm khiến doanh nghệp làm ăn chân chính lâm vào tình trạng sụt giảm doanh thu.
Từ thời trang, mỹ phẩm,... mọi thứ đều được "nhái" rất tinh vi |
Theo khảo sát phóng viên, hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ cao cấp đến bình dân. Đặc biệt, trên chợ mạng không khó để có thể tìm kiếm một trang bán hàng online bán hàng hóa của những thương hiệu nội tiếng trên thế giới như Gucci, Louis Vutton, Chanel, Hermes... Từ đồng hồ, túi xách, giày dép cho đến quần áo của hãng thời trang đắt tiền được bán trên đây chỉ có giá từ nửa triệu đồng trở lên trong khi hàng chính hãng có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
"Tôi đặt mua một chiếc túi màu ánh kim của hãng Dior trên web nhìn rất đẹp, thế nhưng trên thực tế thì chiếc túi bị sờn, màu khác trong ảnh. Tôi có gọi điện, nhắn tin phản ánh thì chủ cửa hàng đã phủ nhận và chặn luôn toàn bộ số điện cũng như tài khoản Facebook của tôi mà không có lấy một lời xin lỗi", một khách hàng cho biết. |
Ngoài ra, không ít gian thương lấy cắp hình ảnh từ các trang web bán hàng uy tín trong nước hoặc nước ngoài để đưa ra chào hàng. Nhìn thấy hình ảnh đẹp cùng những lời cam kết của trang bán hàng, nhiều người tiêu dùng tin tưởng đặt mua và sản phẩm nhận được là hàng gia công, chất liệu xấu. Khi khách hàng gọi điện thắc mắc thì các trang bán hàng này không trả lời hoặc xóa phản hồi trên của khách.
Không chỉ trên chợ mạng, tại một số khu chợ sinh viên, đầu mối, "hàng hiệu" giá rẻ vẫn được bày bán tràn lan với đủ loại mẫu mã, sản phẩm. Tại các khu chợ như chợ Nhà Xanh, chợ Đồng Xuân, Phùng Khoang... nhiều hàng quần áo thời trang được bán với mức giá rẻ khó tin chỉ từ 50.000 - 200.000 đồng/sản phẩm và hầu hết đều gắn mác đại hạ giá.
Không chỉ quần áo, nhiều sản phẩm mỹ phẩm cũng bị làm giả. Thậm chí một số sản phẩm được bày bán còn không có nhãn mác.
Nhiều chuyên gia cho biết, phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường không khó vì chúng được bày bán công khai tại những nơi công cộng, thậm chí một số loại chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng biết là hàng giả.
Tuy nhiên, trước ma trận hàng giả như hiện nay, người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng, nên chọn những mặt hàng có ghi nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng... tại những cửa hàng, siêu thị có uy tín.
Ngoài ra, cần tự trang bị cho mình kiến thức, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng để có cách tiêu dùng thông minh, tránh trở thành nạn nhân của hàng giả hàng nhái; không nên ham sản phẩm giá rẻ, khuyến mại sốc vì rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng "tiền mất tật mang".
Trong trường hợp mua nhầm hàng giả, hàng nhái hoặc phát hiện ra bất cứ một sản phẩm lỗi nào của nhà sản xuất, người tiêu dùng nên giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan, liên hệ người đã bán hàng cho mình yêu cầu đổi hàng hoặc hoàn trả tiền, đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý thị trường hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.
Đội lốt "ma-de-in-vietnam" để hưởng ưu đãi thuế quan
Đấy là nói về câu chuyện đội lốt hàng cao cấp để trục lợi, rộng hơn, trong thời gian qua, trước thông tin Việt Nam lần lượt kí kết các hiệp định thương mại, các hiệp định kinh tế chiến lược với quốc tế, nhiều doanh nghiệp đua nhau nhập hàng ngoại về đội lốt “made in Vietnam” để nhằm trục lợi.
Ghi nhận trong những năm trở lại đây, một loạt các vụ “đội lốt” hàng Việt bị phát hiện. Việc giả mạo xuất xứ phổ biến từ các mặt hàng nông sản cho đến các mặt hàng như lụa, đồ điện tử…
Tại buổi làm việc nhằm triển khai Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" diễn ra cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gọi hành vi gian lận xuất xứ, đội lốt hàng Việt nói trên như một hiện tượng “mới”.
Theo người đứng đầu ngành công thương, trước đây, sản phẩm gian lận xuất xứ để tranh thủ lợi dụng ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuy nhiên hiện nay, gian lận xuất xứ hàng Việt nhắm ngay vào thị trường nội địa, việc này gây tổn hại tới thị trường nội địa, lòng tự tôn dân tộc, tình cảm và xu thế của người tiêu dùng, ông Tuấn Anh cho biết.
“Câu chuyện nông sản đội lốt xuất xứ Đà Lạt chính là việc lợi dụng thương hiệu, tâm lý người tiêu dùng trục lợi. Vụ việc Asanzo vừa qua cũng là hiện tượng được phản ánh…”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nhiều nước trên thế giới cũng không có quy định thế nào là sản phẩm được cấp chứng nhận sản xuất tại quốc gia đó.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho biết, trong một vài năm trở lại đây, cơ quan này đã phát hiện nhiều hàng hoá lưu thông trên thị trường nội địa nhưng nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ.
“Nhiều lô hàng hoá nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam nhưng bao bì xuất xứ made in Vietnam, hướng dẫn sử dụng, các thông số đều là chữ Việt Nam”, ông Linh cho biết.
Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Linh nói: Tháng 11/2018 cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện một lô hàng ổ khoá từ biên giới về nhưng ghi là “Made in Vietnam”.
Cũng vào thời điểm cuối năm ngoái, theo ông Linh, đã phát hiện vụ việc khoai tây Trung Quốc được đem lên Đà Lạt, trộn bùn đất và gắn mác khoai tây Đà Lạt để tiêu thụ.
Ngoài ra theo lãnh đạo quản lý thị trường, còn nhiều mặt hàng khác có sự gian lận xuất xứ như dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em, thực phẩm chức năng… Điều đáng nói, rất nhiều trong số những mặt hàng này bị phát phiện chứa độc tố hoặc có hàm lượng vượt mức cho phép, gây ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại để gắn mác "made in Vietnam" xuất đi nước ngoài đang tác động trực tiếp đến uy tín của hàng hóa Việt nam khi xuất đi các thị trường quốc tế, nhất là các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ...
Mở rộng hợp tác với hải quan các nước để trao đổi thông tin và xác minh các gian lận xuất xứ
Với mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính tại Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” vừa được ban hành kèm theo Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề án đã đề ra 4 nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: Tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành thực hiện Đề án. Trong đó, giao Bộ Tài chính chủ trì mở rộng hợp tác với cơ quan hải quan các nước, các tổ chức khu vực, quốc tế để hợp tác trao đổi thông tin và xác minh các gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Nguồn: https://tbck.vn/hang-noi-nhai-mac-ngoai-doanh-nghiep-ngoai-doi-lot-made-in-vietnam-42201.html
23:00, 15/07/2019
16:00, 08/07/2019
10:00, 01/07/2019