Hàng giả, hàng nhái (1): Câu chuyện "Nghìn lẻ một đêm" gây ác mộng
Cập nhật lúc: 25/11/2018, 19:07
Cập nhật lúc: 25/11/2018, 19:07
“Nhiều mặt hàng bị làm giả, làm nhái tới 90%. Bao nhiêu công sức sản xuất ra sản phẩm rồi tuyên truyền, đưa sản phẩm tới tay người dùng của sản phẩm thật đều bị hàng giả tận dụng hết", - đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ tại tọa đàm "Tiềm năng phát triển các sản phẩm từ gấc trước vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hoá" diễn ra mới đây.
Trường hợp cụ thể được nhắc đến chính là sản phẩm Vinaga của Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPOFood). Ông Nguyễn Công Suất – Giám đốc doanh nghiệp này cho hay, sản phẩm Vinaga của doanh nghiệp đã bị làm nhái từ nhãn mác cho tới màu sắc bao bì sản phẩm, tên sản phẩm cũng giống tới 90% khi mà sản phẩm thật có tên Vinaga thì sản phẩm nhái mang tên Vitaga. Các sản phẩm này đã xuất hiện tại chợ thuốc Hapulico và nhiều nhà thuốc trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, sản phẩm nhái có giá thành chỉ bằng 1 nửa so với giá sản phẩm gốc, và khi người mua hỏi đến thì nhiều đơn vị bán thuốc lại đưa ra mặt hàng nhái thay vì hàng thật, tại 1 số cơ sở, loại thuốc này còn khan hiếm, cửa hàng không còn thuốc để bán và hộp thuốc cuối cùng còn lại lại chính là hộp thuốc làm nhái.
Điều này có nghĩa, rất nhiều người tiêu dùng đang phải dùng sản phẩm bị làm giả, làm nhái mà chất lượng lại chưa hề được kiểm định.
Nhận xét về vấn đề này, ông Bảy cho hay, tình trạng này đang diễn ra rất đáng lo ngại, đối với những thương hiệu đã được bảo hộ thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, đăng ký thương hiệu độc quyền,… khi có dấu hiệu này xảy đến, cơ quan chức năng sẽ có cơ sở để xử lý, bảo vệ doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đối với những đơn vị chưa đăng ký nhãn hiệu thì rất khó để giải quyết và bảo vệ được cho doanh nghiệp nếu có tình trạng hàng giả hàng nhái diễn ra.
Một vài ví dụ cho hay khi doanh nghiệp lựa chọn tên thương hiệu hoặc tên sản phẩm là những danh từ chung, những từ không đặc biệt thì rất dễ cho hoạt động làm giả làm nhái và khó cho việc bảo vệ cho quyền lợi của chính doanh nghiệp, đó là câu chuyện của Sâm nhung bổ thận TW3 có sản phẩm nhái là Sâm nhung bổ thận TW2. Vì tên sản phẩm không thể đăng ký bản quyền do là danh từ chung, nên khi xuất hiện hàng nhái, doanh nghiệp dù báo cáo lên cơ quan chức năng nhưng lại rất khó để xử lý sản phẩm nhái vì tên sản phẩm gốc không được bảo hộ.
Điều này đang gây ra 2 hậu quả rất nguy hại. Trước hết là tác động trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, khi lượng tiêu thụ sản phẩm làm giả gia tăng, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bị sụt giảm.
Thứ 2 là hậu quả về an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. Theo ông Suất thì đây được gọi là “nhiễm độc tiềm tàng”, tức là các hệ quả gây ra chưa xuất hiện ngay, nhưng nó tích lũy ngày qua ngày, và sau 1 thời gian có thể đó chính là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư.
Số liệu thống kê từ Cục Quản lý thị trường (QLTT), 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng QLTT cả nước đã tổng kiểm tra gần 80.000 vụ, phát hiện xử lý gần 52.000 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách hơn 282 tỷ đồng. Những vụ việc làm giả, làm nhái các sản phẩm trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm ngày càng dày đặc càng khiến người tiêu dùng hoang mang hơn.
Tại Hội thảo về thực trạng hàng giả, hàng nhái tại VIệt Nam tổ chức hồi cuối tháng 10, Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT - ông Trần Hữu Linh cũng thừa nhận vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng không hề mới, đã diễn ra trong quá trình dài nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.
Chưa kể, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, khó nhận diện cũng gây trở ngại cho công tác kiểm tra, xử lý. Chế tài hiện nay còn thấp chưa đủ sức răn đe.
Trước tình hình hàng giả hàng nhái tràn lan, cơ quan chức năng cũng cảnh báo rằng một phần nguyên nhân đến từ tâm lý chuộng đồ rẻ của người tiêu dùng.
Dù quan tâm tới sức khỏe nhưng đôi khi thấy sản phẩm có giá thành thấp hơn và đọc qua nhãn mác thấy công dụng các sản phẩm tương tự nhau thì người mua lại quyết định chọn sản phẩm ít tiền hơn vì mang lại cảm giác “ngon, bổ, rẻ”. Điều này đã khiến cho hàng giả, hàng nhái vẫn còn đất sống.
Về vấn đề này, ông Đỗ Nguyên Khôi – GĐ kinh doanh Richard Moore Associates cho hay, người tiêu dùng cần trang bị cho mình những hiểu biết chuyên sâu hơn trước thủ đoạn lừa dối ngày càng tinh vi của những kẻ làm hàng giả, đặc biệt là cần có “mẹo” khi mua sắm bất cứ sản phẩm gì.
Theo ông Khôi thì thay vì đặt niềm tin vào đơn vị bán thuốc, người tiêu dùng nên đặt câu hỏi có loại nào khác không, loại thuốc nào tốt hơn không hay sản phẩm nào tốt hơn không để người bán đưa ra thêm nhiều lựa chọn, từ đó thì tỷ lệ mua nhầm sản phẩm nhái/giả sẽ thấp đi.
Ở góc độ doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm với sản phẩm của mình và với người tiêu dùng bằng việc bám sát thị trường, thường xuyên kiểm tra để khi gặp hàng giả/hàng nhái sẽ có báo cáo ngay tới Cục Sở hữu trí tuệ. Trên cơ đó, đơn vị này sẽ giám định để xác nhận tình trạng vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu, tên thương hiệu để có những phương án xử lý tiếp theo.
Với vai trò là đơn vị bảo vệ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết: "Kết quả giám định là chứng cứ ban đầu cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền thực thi, ví dụ như bên Quản lý thị trường, lúc đó doanh nghiệp sẽ đến với cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý".
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi Cục phó Chi cục QLTT Hà Nội khẳng định, chúng ta có hệ thống cơ quan nhà nước, ví dụ thẩm quyền xử lý có cơ quan công an, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan có chữ thanh tra. Để xử lý vấn đề hàng giả, hàng nhái cần phải đi theo quy trình và không có gì khó.
Theo đó, quy trình này có một điều kiện bắt buộc là chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm hại phải có đơn khiếu nại thì cơ quan chức năng mới có thể kiểm tra, xử lý.
"Chủ sở hữu phải có yêu cầu, nếu không yêu cầu thì không làm được. Để kiện các sản phẩm làm giả thì bắt buộc phải có hàng thật để đối chiếu, tức là doanh nghiệp cần khai báo lên Cục Sở hữu trí tuệ, để có xác nhận rằng đơn vị này đã xâm phạm quyền nhãn hiệu của doanh nghiệp, từ kết luận đó thì Cơ quan quản lý là Cục QLTT mới có căn cứ để kiểm tra đơn vị làm giả làm nhái và từ đó có phương án xử lý”, ông Lộc chia sẻ.
Theo lời của đại diện Vinaga thì việc xuất hiện các sản phẩm làm giả đã khiến doanh thu của doanh nghiệp này sụt giảm khoảng 20%. Nếu tình trạng xâm phạm quyền nhãn hiệu vẫn tiếp tục diễn ra thì con số này dự báo sẽ còn tăng thêm, hơn thế, khi người mua sử dụng sản phẩm giả/nhái, không có được hiệu quả như sản phẩm thật ban đầu, thay vì hoài nghi về nguồn gốc sản phẩm thì họ lại hoài nghi chất lượng của sản phẩm gốc, mất niềm tin với doanh nghiệp.
Lợi bất cập hại khi người tiêu dùng mất tiền mua thuốc nhưng lại “rước” bệnh vào người bởi sản phẩm kém chất lượng, còn doanh nghiệp thì lại dần yếu thế cả về kinh tế và uy tín trên thị trường.
Công cuộc chống hàng giả, hàng nhái sẽ còn dài và nhiều khó khăn khi thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường cũng như sản phẩm thì ngày một giảm đi. Hy vọng, với sự chủ động của doanh nghiệp cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, vấn nạn hàng giả hàng nhái sẽ không còn là câu chuyện nghìn lẻ một đêm gây... ác mộng cho người tiêu dùng.
02:01, 24/11/2018
07:01, 21/11/2018
07:01, 03/11/2018
09:00, 21/09/2018
12:15, 11/06/2018