19/01/2025 | 22:02 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Yêu cầu xử lý nghiêm phương tiện đi trên vỉa hè

Cập nhật lúc: 06/01/2021, 15:06

Trước tình trang hàng loạt phương tiện trèo lên vỉa hè để tránh tắc đường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm phương tiện đi lên vỉa hè, tăng cường xử phạt nguội qua hệ thống camera GT.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Xử lý nghiêm phương tiện đi trên vỉa hè

Phát biểu tại lễ ra quân năm an toàn giao thông 2021 tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh mục tiêu của TP trong năm 2021 là giảm 5-10% tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí, giảm ùn tắc, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Chủ tịch UBND TP đề nghị các Sở, ngành và các quận, huyện huy động tối đa lực lượng để phân luồng, không để xảy ra ùn tắc ở các tuyến cửa ngõ, đường vành đai ra, vào nội đô và các trạm thu phí BOT trước, sau các kì nghỉ lễ, Tết sắp tới.

"Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về an toàn giao thông, bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho lực lượng thực thi nhiệm vụ", Chủ tịch TP giao nhân mạnh. Lãnh đạo TP cũng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm phương tiện đi trên vỉa hè
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm phương tiện đi trên vỉa hè

Trong chỉ đạo vừa đưa ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm ôtô, xe máy đi lên vỉa hè, đẩy mạnh xử phạt nguội qua hệ thống camera giao thông, ngăn chặn, không để đua xe trái phép.

Với các trường hợp vi phạm là cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên, Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu có thông báo đến cơ quan, đơn vị chủ quản của người vi phạm để phối hợp quản lý. Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm. Theo đó, Công an thành phố, Sở GTVT công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, phối hợp giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố, tai nạn giao thông.

Lấn chiếm vỉa hè trở thành vấn nạn trên khắp các tuyến phố thủ đô

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giảm sức ép về nhu cầu gửi xe của người dân nhưng các bãi đỗ xe nói chung trên địa bàn Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu. Nhiều khu vực được quy hoạch làm điểm, bãi gửi xe nhưng chậm triển khai hoặc sử dụng sai mục đích; nhiều khu vực bãi gửi xe khác thì tự ý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; các phương tiện giao thông giờ cao điểm "đua nhau" trèo lên vỉa hè, tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu.

Các phương tiện giao thông giờ cao điểm
Các phương tiện giao thông giờ cao điểm "đua nhau" trèo lên vỉa hè, tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu (Ảnh: Công luận)

 

Ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên trong giờ cao điểm thì việc người điều khiển xe máy “leo” lên vỉa hè không phải là chuyện hiếm. Trên thực tế, hành vi này xảy ra như "cơm bữa". Tuy nhiên, đây là hành vi trái luật.

Cụ thể, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

Theo Thông tư 04/2008/TT-BXD, hè (hay vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.

Như vậy, vỉa hè không phải là phần đường dành cho ô tô, xe máy. Chính vì thế, dù lí do tắc đường hay vì bất cứ lí do gì (trừ đi lên hè để vào nhà) thì việc ô tô, xe máy đi trên vỉa hè đều không đúng với quy định của pháp luật. Nếu vi phạm, người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt. Mức phạt đối với lỗi đi xe trên vỉa hè tăng mạnh từ năm 2020 theo quy định tại Nghị định 100/2019.

Theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ô tô điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng).

Điểm g khoản 3 Điều 6 Nghị định này cũng quy định xe máy điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng (trước đây chỉ phạt từ 300.000 – 400.000 đồng).

Như vậy, so với trước đây, mức phạt đối với ô tô, xe máy đi trên vỉa hè đều tăng, đặc biệt tăng mạnh đối với ô tô. Ngoài ra, ô tô điều khiển xe đi trên vỉa hè còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Đi xe trên vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, đỗ xe… trái quy định của pháp luật đang gây mất mỹ quan đô thị trầm trọng, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đối với người đi bộ.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ha-noi-yeu-cau-xu-ly-nghiem-phuong-tien-di-tren-via-he-20201231000000190.html