19/01/2025 | 22:18 GMT+7, Hà Nội

Lát đá vỉa hè "giấu" tên nhà thầu và hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý thi công

Cập nhật lúc: 17/12/2020, 08:00

Tại Hà Nội, việc CĐT không thực hiện lắp đặt biển báo công trình tại các công trường lát đá vỉa hè đã khiến người dân và các cơ quan chức năng gặp khó trong việc kiểm tra, giám sát cũng như phản ánh chất lượng thi công.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Cuối năm 2016, TP Hà Nội ban hành quy định mới về chỉnh trang, cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên, có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Theo quy định của TP, vật liệu đá tự nhiên sử dụng để lát phải đảm bảo các thông số phù hợp với quy định tại tiêu chuẩn đá ốp lát tự nhiên TCVN 4732:2007, không sử dụng nhóm đá vôi, khảo sát và xác định nguồn gốc đá rõ ràng. Trên các tuyến đường, tuyến phố khi vỉa hè có chiều rộng không đều, chiều rộng hẹp cần lựa chọn kích thước viên đá cho phù hợp. 

Cuối năm 2016, TP Hà Nội ban hành quy định mới về chỉnh trang, cải tạo hè phố

Nhiều tuyến phố trên địa bàn được lát hè bằng gạch tezarro hoặc gạch bê tông vân đá, gạch block. Đồng thời, chỉ thực hiện thực hiện lát đá vỉa hè với điều kiện đã hạ ngầm hệ thống dây nổi, đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi, các công trình kiến trúc hai bên đường đã được xây dựng ổn định; đồng bộ với việc cải tạo chỉnh trang mặt tiền các tuyến phố.

Tuy nhiên, tùy theo từng chủ đầu tư, nhà thầu sẽ lựa chọn các loại đá có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau. Cụ thể, trong hồ sơ mời thầu, các đơn vị phải quy định rõ cơ sở xét thầu về vật liệu đá lát. Đá lát hè sử dụng đá tự nhiên phải quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nhóm đá granit và nhóm đá hoa về độ bền uốn, độ hút nước, độ cứng vạch bề mặt, độ chịu mài mòn.

Tại sao không công khai tên nhà thầu?

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, TP Hà Nội đã giao cho UBND các quận làm chủ đầu tư dự án đá lát vỉa hè, tổ chức thực hiện dự án, tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị nhà thầu từ bước khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công và xây dựng công trình. Vì thế, nếu chất lượng thi công kém và tình trạng đá lát vỉa hè xuống cấp sau khi hoàn thành, trách nhiệm chính thuộc về UBND các quận.

TP Hà Nội giao cho UBND các quận trách nhiệm chính, làm chủ đầu tư các dự án đá lát vỉa hè

Về quá trình thi công, Luật Xây dựng yêu cầu, đối với công trường xây dựng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng. Những yêu cầu đối với công trường xây dựng được quy định cụ thể tại Điều 109 Luật Xây dựng 2014: Chủ đầu tư phải có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng, trừ trường hợp nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng. Nội dung biển báo gồm: Tên, quy mô công trình; Ngày khởi công, ngày hoàn thành; Tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tổ chức thiết kế xây dựng và tổ chức hoặc cá nhân giám sát thi công xây dựng; Bản vẽ phối cảnh công trình.

Ông Ngô Thế Anh - Trưởng phòng Kỹ thuật dự án 2, Ban quản lý Đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng từng cho biết, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng hiện có trên 100 tuyến phố theo địa giới hành chính; sử dụng đá có độ bền 70 năm, nguồn đá được sử dụng chủ yếu cũng có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên có kết cấu bền vững, có tuổi thọ sử dụng 50 - 70 năm theo chủ trương và chỉ đạo của TP.

Quy định rõ ràng là vậy nhưng theo ghi nhận thực tế của PV, trên một số tuyến phố như Trần Khánh Dư, Kim Ngưu, Lê Ngọc Hân... thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng đang trong quá trình lát lại đá vỉa hè, các công trường tại đây công nhân đang tiến hành thi công nhưng đáng chú ý là không thấy có bất cứ thông tin nào liên quan đến đơn vị thi công, giám sát cũng như dự án, tiến độ thực hiện để người dân nắm được.

Một số tuyến phố như Trần Khánh Dư, Kim Ngưu, Lê Ngọc Hân... thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng "giấu| tên nhà thầu?

Tại địa chỉ 437 phố Bạch Mai, đơn vị thi công làm việc, trộn vữa theo “cảm quan”, không thông qua bất cứ thiết bị đong đếm để vữa đạt chuẩn chất lượng thi công lát đá vỉa hè. Khu vực thi công cũng không có biển báo hiệu công trường, không có rào chắn để cảnh báo người đi bộ, phương tiện tham gia giao thông.

Do không có đơn vị giám sát nên nhiều nơi  công nhân thi công theo "cảm quan"?

Tại khu vực phố Huế phần vỉa hè mới được thi công lát đá đi vào sử dụng nhưng nhiều đoạn thiếu gạch nên "bớt lại" một cách khó hiểu. Theo phản ánh của người dân, đã nửa tháng không thấy đơn vị thi công tới hoàn tất.

Nhiều nơi thi công "nham nhở"

Thậm chí còn có chỗ để nguyên một cái hố cây sâu, gây nguy hiểm cho người đi bộ, vô hình chung gián tiếp thành nơi tập kết rác thải khiến người dân phải tự bỏ công sức ra san lấp lại bằng cát và đậy tạm thời bằng vài viên gạch vỡ lên để bảo đảm an toàn cho người đi bộ và vệ sinh môi trường khu vực.

Cách đó không xa, tại ngã tư Lê Văn Hưu – phố Huế, đơn vị thi công ung dung triển khai các đoạn vỉa hè mới mà chưa xử lý dứt điểm những đoạn đã hoàn thiện nhưng thiếu gạch.

Từ việc thi công cẩu thả của đơn vị trên, người dân đã có kiến nghị đến các cấp chính quyền. Song có xử lý hay không thì không có hồi đáp và vỉa hè vẫn tồn tại những "viên gạch bị thiếu", tình trạng rác thải xây dựng...

Việc UBND quận Hai Bà Trưng không thực hiện để biển báo về các đơn vị, thông tin có liên quan tại công trường thi công khiến người dân gặp khó khăn trong việc phản ánh, cũng như giám sát về thời gian thi công đề ra so với tiến độ; nếu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng việc đi lại của người dân, gây dư luận xấu trong xã hội.

Một số tuyến phố có cắm cảnh báo công trường thi công nhưng cũng tuyệt nhiên không thấy các thông tin liên quan đến chủ đầu tư, nhà thầu, tiến độ dự án...

Liệu, có hay không việc “cố tình” không công khai tên nhà thầu để khiến người dân gặp khó trong việc phản ánh? Liệu chất lượng thi công có đúng theo quy định của UBND TP đã đề ra?

Trước đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận, huyện thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh việc tuân thủ một số yêu cầu đối với công trường xây dựng của các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Điều 109 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014 và theo quy định tại Quyết định số 36/2018/QĐ-UBND ngày 29/10/2018 của UBND thành phố.

Hệ lụy nhìn từ việc buông lỏng quản lý quá trình thi công lát đá vỉa hè

Buông lỏng quản lý quá trình thi công sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy

Có thể thấy, việc lát đá vỉa hè những năm gần đây đã được thực hiện nhiều lần. Nhưng việc quản lý trong và sau khi lát đá lại chưa được quan tâm. Do vậy, bộ phận lát đá cứ lát xong thì hệ thống điện nước, cáp ngầm lại đào lên mà quên hoàn nguyên. Vậy là đá lát vài bữa bị khấp khểnh, cập kênh, vỡ, có nơi trũng như cái hố, mất mỹ quan đô thị, thế rồi lại thay đá mới. Như vậy rất tốn tiền của ngân sách thành phố.

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm chưa đồng bộ, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thi công. Chưa kể, thành phố đang thiếu nghiêm trọng chỗ đỗ xe ô tô, nhiều hè phố trở thành bãi đỗ xe tự phát, liệu đá tự nhiên có chịu nổi? Thực tế, quá trình sử dụng vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên đang bộc lộ khá nhiều bất cập.

Vỉa hè mới lát đã xuống cấp: hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý quá trình thi công?

Thậm chí còn có chỗ để nguyên một cái hố cây sâu, gây nguy hiểm cho người đi bộ, vô hình chung gián tiếp thành nơi tập kết rác thải khiến người dân phải tự bỏ công sức ra san lấp lại bằng cát và đậy tạm thời bằng vài viên gạch vỡ lên để bảo đảm an toàn cho người đi bộ và vệ sinh môi trường khu vực. 

Kết luận của Thanh tra về các sai phạm liên quan đến việc lát đá vỉa hè

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, TS. Nguyễn Ngọc Long - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đóng góp ý kiến: "Làm sai để mà làm đi làm lại, cứ vài năm, vài tháng lại lát vỉa hè là tốn tiền của dân, vì vỉa hè cũng làm bằng tiền thuế của dân. Do đó, Hà Nội cần nghiên cứu lại xem vì sao vỉa hè vừa lát lại nhanh chóng xuống cấp, là do chất lượng gạch, đá tự nhiên hay do thi công sai?”.

Qua 21 dự án kiểm tra đánh giá sơ bộ về chất lượng lớp lót, độ dày bê tông đảm bảo. Về cơ bản phần hè thiết kế cho người đi bộ và phần hạ hè (cường độ cao, chiều dày cao hơn). Đá đủ tiêu chuẩn cường nén uốn, mài mòn, thấm nước, lực ép bê tông, chiều dày đá đảm bảo. Tuy nhiên, quá trình thi công rất dàn trải không làm xuyên suốt toàn tuyến do vướng một lý do nào đó phải dừng lại.

Sai phạm có thể kể tới trong “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”; về hướng dẫn chung đối với quy trình thi công, nghiệm thu các kết cấu hè lát đá và việc bảo trì sau khi lát đá; trong việc thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố liên quan đến lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên; sai phạm khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cải tạo các tuyến phố có lát hè, bỏ vỉa bằng đá tự nhiên; trong việc xác định giá đá lát hè; trong việc đấu thầu, thi công các dự án…

Đối với việc khảo sát hiện trạng hè trước khi cải tạo của đơn vị tư vấn còn chưa chi tiết, chưa khảo sát đến từng ga hàm ếch thu nước, các bồn cây ; thiết kế cải tạo hè và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bản vẽ còn chưa đầy đủ, thể hiện chưa chi tiết, ga hàm ếch, bó bồn cây lấy theo thiết kế điển hình...

Trách nhiệm của những tồn tại trên trước hết thuộc các đơn vị tư vấn thiết kế lập dự án, đơn vị thẩm tra thiết kế - dự toán, đơn vị thẩm định thiết kế- dự án của cơ quan quản lý nhà nước (trách nhiệm thuộc Phòng Quản lý đô thị quận, đối với các dự án do phòng thẩm định; trách nhiệm thuộc Phòng Quản lý xây dựng thuộc Sở Xây dựng, đối với các dự án do Sở Xây dựng thẩm định) mà trực tiếp là Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng của các quận.

Bài toán giữ gìn “tấm áo mới”: Siết chặt thi công, tăng cường giám sát, kiểm tra nghiệm thu

Trên cơ sở các Quyết định mới được ban hành, Sở Xây dựng đã ban hành văn bản đôn đốc Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện đúng hướng dẫn, tổ chức rà soát, lựa chọn chủng loại vật tư, vật liệu lát hè phù hợp cho từng tuyến phố. Về chất lượng và tiến độ thi công lát hè, các địa phương nghiên cứu, thực hiện các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Sở Xây dựng, trong đó lưu ý thực hiện nghiệm thu 3 bước thi công (bước thi công mặt nền hè, bước đổ bê tông lót, bước thi công lát đá).

Trong đó, thành phố đặc biệt yêu cầu: Trên cơ sở kế hoạch sửa chữa cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố (được nêu tại phụ lục đã nói trên), trước khi triển khai, UBND các quận, huyện, thị xã cần căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội và hiện trạng của từng tuyến phố để lựa chọn thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang.

Các trường hợp còn lại chỉ tiến hành chỉnh trang tránh lãng phí. Quận huyện phải chịu trách nhiệm về việc phê duyệt kế hoạch cải tạo chỉnh trang các tuyến phố theo danh mục đã được thành phố ban hành; chỉ cấp giấy phép tạm thời sử dụng hè phố làm nơi để xe đối với những hè phố đã có kết cấu đảm bảo khả năng chịu tải trọng. Đồng thời, phải quy rõ trách nhiệm cho các tập thể, cá nhân để không xảy ra tình trạng đá vừa lát xong đã hỏng.

UBND các quận là đơn vị chịu trách nhiệm chính về quá trình thi công cũng như chất lượng đá lát vỉa hè sau khi hoàn thành nghiệm thu

Trả lời báo chí liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để bảo đảm độ bền vĩnh cửu của đá vỉa hè thì các cơ quan chức năng cần phải chú trọng đến khâu tư vấn, thiết kế, lựa chọn vật liệu đá phù hợp với từng khu vực.

Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong và sau khi thi công cũng rất cần thiết, nhằm bảo đảm thi công đúng theo quy trình, kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình. Sau đó, cần có hội đồng nghiệm thu để rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ các công trình đang thi công. Bởi theo ông Chính, chỉ cần một người dân thiếu ý thức, đỗ xe hoặc đi vào chỗ công trình vừa thi công, mặc dù có biển báo công trình đang thi công, cần giữ gìn, thì việc bảo vệ tính bền vững, giữ tuổi tác cho đá lát vỉa hè là điều rất khó.

Tham khảo các nước trên thế giới, có nhiều nước giữ được độ bền cho vỉa hè hàng trăm năm tuổi như tại Pháp, Nhật, Hàn Quốc…bởi họ quy định vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, cây xanh được trồng xung quanh, có biển báo hiệu, thanh chắn bằng thép. Chỉ cần ô tô đỗ sai vào vỉa hè, camera ghi lại, cảnh sát giao thông sẽ xử lý ngay. Còn nếu muốn sử dụng thêm chức năng khác cho vỉa hè thì thiết kế phải khác.

Trọng tâm của vấn đề còn nằm ở việc chọn nhà thầu thi công, giám sát thi công, nghiệm thu công trình. Các cơ quan chức năng cần thanh kiểm tra nhanh chóng các tuyến phố nằm trong dự án cải tạo chỉnh trang vỉa hè của TP Hà Nội đã và đang xuống cấp, vừa đi vào sử dụng đã hư hỏng, nứt gẫy. Mặt khác, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu như công trình không đạt chuẩn, không đảm bảo kỹ thuật. Vỉa hè chỉ thật sự được chỉnh trang sạch - đẹp - bền khi và chỉ khi chính quyền và nhân dân cùng bắt tay vào "thi công".