20/01/2025 | 00:57 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Làm thế nào để đá lát vỉa hè “tuổi thọ 70 năm” thực sự có tác dụng?

Cập nhật lúc: 09/11/2020, 08:25

Chủ trương lát đá vỉa hè của Hà Nội là đúng đắn và mang lại giá trị tốt đẹp cho bộ mặt Thủ đô. Nhưng nếu quy trình triển khai không đồng bộ, chính xác sẽ dễ mang đến nhiều bất cập.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Cuối năm 2016, TP Hà Nội ban hành quy định mới về chỉnh trang, cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên, có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Đây được coi là một chủ trương đúng đắn, nhằm tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp, phục vụ đời sống nhân dân Thủ đô, góp phần ngăn chặn tình trạng lấm chiếm vỉa hè và tai nạn giao thông. 

Tuy nhiên, thời gian qua việc triển khai chỉnh trang vỉa hè bộc lộ khá nhiều bất cập, đá lát vỉa hè chưa bảo đảm độ bền, nhiều tuyến phố mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng nặng. Điều này đã khiến dư luận hoài nghi về tính thực tế, sự lãng phí của việc lát đá vỉa hè.

Người dân trực tiếp giám sát và cho rằng việc thi công lát đá vỉa hè còn cẩu thả và tính hiệu quả chưa thật sự tốt như khi còn nằm trên giấy. Vậy trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị, tổ chức hay cá nhân nào khi để xảy ra hiện tượng vỉa hè vừa lát đá mới đã nứt gãy?

Nói về các dự án đá lát vỉa hè "tuổi thọ 70 năm" nhưng đã sớm hỏng, ông Đào Anh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) - cho biết, đơn vị này không đứng ngoài cuộc nhưng trách nhiệm chính thuộc về các quận, phòng Quản lý xây dựng, thuộc Sở Xây dựng và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội (đơn vị tư vấn lập Thiết kế mẫu).

“Sở chỉ có trách nhiệm quản lý nhà Nhà nước, còn mọi việc từ vật liệu, thi công, bảo quản đều được các quận thực hiện. Quá trình các quận thực hiện dự án chúng tôi có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện tồn tại”, ông Đào Anh Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, quá trình kiểm tra Sở Xây dựng đã có 10 văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội những vấn đề liên quan đến các dự án lát đá vỉa hè được các quận thực hiện. Ông Tuấn cho rằng, sau khi có kết luận thanh tra, các quận nên rà soát lại các dự án lát đá vỉa hè, không làm lung tung nữa, dự án nào không cần làm thì dừng lại.

Thanh tra TP Hà Nội cho rằng, quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của TP như: không tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50-70 năm.

Liên quan đến xử lý trách nhiệm để xảy ra tình trạng này, ông Nguyễn Quang Huy, Phó chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự án lát vỉa hè bằng đá tự nhiên hiện do UBND các quận làm chủ đầu tư. 

Sở chỉ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các quận để đảm bảo chất lượng công trình đúng kỹ thuật và an toàn vệ sinh môi trường. Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ hàng loạt tồn tại, sai phạm khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cải tạo các tuyến phố có lát hè, bó vỉa bằng đá tự nhiên. 

Cụ thể, việc khảo sát hiện trạng vỉa hè trước khi cải tạo của đơn vị tư vấn còn chưa chi tiết, chưa khảo sát đến từng ga hàm ếch thu nước, các bồn cây; thiết kế cải tạo hè và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bản vẽ còn chưa đầy đủ như: 19 dự án tại 4 quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.

Theo ông Huy, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định về thiết kế mẫu. Trong đó quy định, nếu lát các loại đá có kích thước 30x30cm hoặc 40x40cm, kích thước viên vỉa và kích thước viên hạ hè đều tính toán phù hợp ở khu vực người dân đi ô tô, xe máy vào nhà, cơ quan. 

Việc sử dụng viên bó vỉa, viên lát hè bằng đá tự nhiên (kích cỡ dày trên 4cm) sẽ đảm bảo độ bền 50 - 70 năm. 

Đặc biệt, cốt vỉa hè hiện không bị cập kênh như trước, hạn chế tối đa việc vỡ do thêm quy trình phủ lớp bê tông dày 8cm. 

Nếu dự án đầu tư phần vỉa hè do UBND các quận thực hiện, bám sát quy trình thiết kế và thi công như trên, rất khó xảy ra tình trạng vỡ, nứt và hư hỏng như phản ánh.

Hiện, Sở Xây dựng Hà Nội đang thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội kiểm tra về tình trạng đá lát vỉa hè tại các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân và Hoàng Mai để có đánh giá tổng thể, đôn đốc các quận tuân thủ theo đúng kỹ thuật. 

Nếu có vấn đề bất cập sẽ báo cáo UBND TP chỉ đạo. Riêng tại địa bàn quận nào có tình trạng đá vỉa hè bị vỡ, nứt, hư hỏng, Sở Xây dựng sẽ đề xuất phải thay toàn bộ tại khu vực xảy ra sự cố.

Từ cuối Quý I/2019, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 1303/QĐ-UBND về việc ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội”. Theo đó, nhiều tuyến đường tại các quận như Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hà Đông... đã được lát vỉa hè bằng đá tự nhiên.

Chủ trương thiết kế hè đường của Hà Nội chỉ thực hiện trên các tuyến phố có vỉa hè đã xuống cấp, khi làm sử dụng vật liệu tự nhiên có độ bền 50 - 70 năm và có giám sát chất lượng công trình. Tuy nhiên, các quận huyện khi triển khai thực hiện chưa đúng, hiểu sai nguyên tắc chỉ đạo trên dẫn đến nhiều bất cập như hồ sơ thiết kế sơ sài, thiếu đánh giá hiện trạng, quản lý chất lượng thi công chưa chặt chẽ... 

Ngay sau khi kế hoạch được ban hành, không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn vì sử dụng đá tự nhiên để lát vỉa hè tuy đẹp nhưng liệu có phù hợp với hạ tầng của Thủ đô, bởi mỗi viên đá có trọng lượng rất nặng, thi công đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao hơn các loại gạch thông thường. 

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm chưa đồng bộ, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thi công. Chưa kể, thành phố đang thiếu nghiêm trọng chỗ đỗ xe ô tô, nhiều hè phố trở thành bãi đỗ xe tự phát, liệu đá tự nhiên có chịu nổi? Thực tế, quá trình sử dụng vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên đang bộc lộ khá nhiều bất cập.

Theo khảo sát của phóng viên (PV) vào đầu tháng 11/2020, tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Giải Phóng (quận Hoàng Mai), Lê Hồng Phong (quận Ba Đình), hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Trãi ( quận Thanh Xuân), Trần Duy Hưng, Trung Kính (quận Cầu Giấy),… vỉa hè lát đá tiếp tục xuất hiện tình trạng xuống cấp. 

Điển hình như ở đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), dù vỉa hè mới được đầu tư lát đồng bộ đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm từ khoảng quý III/2017 nhưng sau 3 năm đã xuất hiện nhiều vị trí đá lát bị bung, vỡ, sụt lún.

Một thực trạng khác tại quận Hai Bà Trưng, PV ghi nhận tại địa chỉ 437 phố Bạch Mai, đơn vị thi công làm việc, trộn vữa theo “cảm quan”, không thông qua bất cứ thiết bị đong đếm để vữa đạt chuẩn chất lượng thi công lát đá vỉa hè. Khu vực thi công không có biển báo hiệu công trường, không có rào chắn để cảnh báo người đi bộ, phương tiện tham gia giao thông.

Tại khu vực phố Huế phần vỉa hè mới được thi công lát đá đi vào sử dụng nhưng nhiều đoạn thiếu gạch nên "bớt lại" một cách khó hiểu. Theo phản ánh của người dân, đã nửa tháng không thấy đơn vị thi công tới hoàn tất. 

Thậm chí còn có chỗ để nguyên một cái hố cây sâu, gây nguy hiểm cho người đi bộ, vô hình chung gián tiếp thành nơi tập kết rác thải khiến người dân phải tự bỏ công sức ra san lấp lại bằng cát và đậy tạm thời bằng vài viên gạch vỡ lên để bảo đảm an toàn cho người đi bộ và vệ sinh môi trường khu vực. 

Cách đó không xa, tại ngã tư Lê Văn Hưu – phố Huế, đơn vị thi công ung dung triển khai các đoạn vỉa hè mới mà chưa xử lý dứt điểm những đoạn đã hoàn thiện nhưng thiếu gạch. 

Từ việc thi công cẩu thả của đơn vị trên, người dân đã có kiến nghị đến các cấp chính quyền. Song có xử lý hay không thì không có hồi đáp và vỉa hè vẫn tồn tại những "viên gạch bị thiếu", tình trạng rác thải xây dựng...

Tại quận Hoàng Mai, ở 2 địa chỉ 1289 Giải Phóng và 1295 Giải Phóng có tình trạng nhiều ô tô lên xuống vỉa hè để sửa chữa, xếp, dỡ hàng hóa, ảnh hướng tới đá vỉa hè bị hỏng.

Khu vực quận Hoàn Kiếm cũng trong tình trạng tương tự, người dân quan ngại chia sẻ: "Vừa qua, một số vỉa hè sau khi lát đá thì bị vỡ, bị lún sụt đã gây mất niềm tin của người dân với chủ trương đang được triển khai. 

Những lời quảng cáo, độ bền lên tới 70 năm, nhưng vừa thực hiện xong đã hỏng. Theo tôi có thể các cơ quan chức năng cũng tính toán phương án khắc phục, nhưng không ai dám chắc lát đá vỉa hè sẽ đảm bảo chất lượng 100%".

Rất nhiều ý kiến đánh giá việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên là sự tốn kém, lãng phí không cần thiết vì vỉa hè cũ vẫn đang sử dụng tốt. Trong khi, nguồn tiền xã hội hóa và ngân sách này có thể làm nhiều việc hữu ích hơn: Chống dịch, giảm ô nhiễm môi trường, đầu tư trường học, bệnh viện…

Anh T.A.T – phường Mộ Lao, quận Hà Đông chia sẻ: "Hà Nội hiện nay bụi bẩn, ô nhiễm, mỗi khi trời mưa lại là “điệp khúc” ngập lụt trên các tuyến đường. Đường phố nhiều chỗ vẫn còn ổ gà, dây điện, cáp viễn thông, trạm biến áp như tơ nhện. Theo tôi, Hà Nội nên tập trung tiền vào duy tu bảo dưỡng đường, cải thiện môi trường là cấp thiết, xứng đáng với thuế của dân.

Một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Giải Phóng (quận Hoàng Mai), Lê Hồng Phong (quận Ba Đình), hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Trãi ( quận Thanh Xuân), Trần Duy Hưng, Trung Kính (quận Cầu Giấy),… vỉa hè lát đá tiếp tục xuất hiện tình trạng xuống cấp. 

Có thể thấy, việc lát đá vỉa hè những năm gần đây đã được thực hiện nhiều lần. Nhưng việc quản lý sau lát đá lại chưa được quan tâm. Do vậy, bộ phận lát đá cứ lát xong thì hệ thống điện nước, cáp ngầm lại đào lên mà quên hoàn nguyên. Vậy là đá lát vài bữa bị khấp khểnh, cập kênh, vỡ, có nơi trũng như cái hố, mất mỹ quan đô thị, thế rồi lại thay đá mới. Như vậy rất tốn tiền của ngân sách thành phố.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, TS. Nguyễn Ngọc Long - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đóng góp ý kiến: "Làm sai để mà làm đi làm lại, cứ vài năm, vài tháng lại lát vỉa hè là tốn tiền của dân, vì vỉa hè cũng làm bằng tiền thuế của dân. Do đó, Hà Nội cần nghiên cứu lại xem vì sao vỉa hè vừa lát lại nhanh chóng xuống cấp, là do chất lượng gạch, đá tự nhiên hay do thi công sai?”.

Trước đó, nhiều đoạn vỉa hè được lát đá tự nhiên trị giá hàng trăm tỷ đồng ở Hà Nội đã bị sụt lún, bong tróc ngay khi vừa hoàn thành, gây bức xúc trong dư luận. Tuyến phố đầu tiên lát đá tự nhiên là Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), sau đó nhiều tuyến phố như Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Giải Phóng… cũng được thực hiện nhưng chỉ được một thời gian ngắn đều đồng loạt xuất hiện các dấu hiệu xuống cấp.

Ghi nhận thực tế đơn vị thi công làm việc, trộn vữa theo “cảm quan” chứ không thông qua bất cứ thiết bị đong đếm để vữa đạt chuẩn chất lượng thi công lát đá vỉa hè. Khu vực thi công không có biển báo hiệu công trường, không có rào chắn để cảnh báo người đi bộ, phương tiện khác.

Ngay sau khi nắm được thông tin, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng thành lập Đoàn công tác kiểm tra chặt chẽ công tác thi công, lát đá vỉa hè trên các tuyến phố. "Yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm các quy định về độ dày của đá lát, chỉ được thi công lát đá khi đã hoàn thành hạ cáp ngầm và trồng xong cây xanh, tránh tình trạng đào lên lát lại gây bức xúc dân sinh, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị". Thành phố yêu cầu tạm dừng các dự án chuẩn bị triển khai và làm rõ trách nhiệm tại những dự án có sai sót.

Lãnh đạo Hà Nội cho hay, chủ trương thiết kế hè đường của Hà Nội chỉ thực hiện trên các tuyến phố có vỉa hè đã xuống cấp, khi làm sử dụng vật liệu tự nhiên có độ bền 50 - 70 năm và có giám sát chất lượng công trình. 

Tuy nhiên, các quận huyện khi triển khai thực hiện chưa đúng, hiểu sai nguyên tắc chỉ đạo trên dẫn đến nhiều bất cập như hồ sơ thiết kế sơ sài, thiếu đánh giá hiện trạng, quản lý chất lượng thi công chưa chặt chẽ... Thậm chí có quận đầu tư tràn lan, thiếu kiểm tra, chọn lọc dẫn đến công trình bị hư hỏng, xuống cấp.

“Thủ phạm” khiến vỉa hè vừa được chỉnh trang sạch đẹp xong nhưng chẳng mấy chốc có chỗ đã bị sứt mẻ, mất mỹ quan đô thị. “Thủ phạm” vô hình là khi tắc đường, người đi xe máy bất chấp vỉa hè được bó cao, vẫn chen lấn, trèo lên đường dành cho người đi bộ, có đoạn lái xe ô tô cũng cố trèo lên vỉa hè. 

Thậm chí, vỉa hè vừa lát xong, hệ thống điện nước, cáp ngầm lại đào bới, nhưng hoàn trả mặt đường không theo yêu cầu. Tiếp đến, nhiều tuyến phố vỉa hè biến thành bãi gửi xe ô tô, xe máy…, hằng ngày chịu tải khối lượng nặng thì cũng khó bảo đảm được độ bền của đá vỉa hè.

Phát biểu tại phiên chất vấn của HĐND Hà Nội, Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, thành phố đã đưa ra quy định rất chặt chẽ với việc lát lại vỉa hè nhưng "công tác này thời gian qua để lại một dư luận rất xấu. Nguyên nhân đá vỡ trước hết là việc chọn đá không đúng, không đúng cả kích cỡ và độ dày".

Ngày 13/02/2018, Thanh tra TP Hà Nội chính thức thông báo kết luận thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố. Theo đánh giá của Thanh tra TP, quá trình đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo hè các tuyến đường phố cơ bản thực hiện theo thiết kế mẫu hè phố đô thị. Đá lát hè hầu như có nguồn gốc do các doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa cung cấp.

Thanh tra TP đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình lát đá vỉa hè bền 70 năm trên địa bàn một số quận. Trong đó, Thanh tra TP đã đề cập tới những tồn tại của việc lát đá vỉa hè thuộc về Phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội).

Cụ thể, thiết kế mẫu hè đường còn tồn tại các loạt đá dùng trong bê tông lót nền hè không thống nhất; mạch vữa liên kết giữa các viên đá lát không ghi kích thước.

Từ hướng dẫn không cụ thể nêu trên dẫn đến thực tế có 25/38 dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố dùng đá 1x2, có 13/38 dự án dùng đá 2x4 đổ bê tông lót nền hè. Tại một số dự án, đá lát hè được lát sít nhau và do đá lát có chiều dày ≥ 3 cm, có thể dẫn tới hồ xi măng khó đổ đầy mạch, làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng chất lượng hè lát đá.

Nhiều đoạn vỉa hè được lát đá tự nhiên trị giá hàng trăm tỷ đồng ở Hà Nội đã bị sụt lún, nứt gãy ngay khi vừa hoàn thành đi vào sử dụng đã và đang gây bức xúc trong dư luận.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ hàng loạt tồn tại, sai phạm khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cải tạo các tuyến phố có lát hè, bó vỉa bằng đá tự nhiên. Cụ thể, việc khảo sát hiện trạng hè trước khi cải tạo của đơn vị tư vấn còn chưa chi tiết, chưa khảo sát đến từng ga hàm ếch thu nước, các bồn cây; thiết kế cải tạo hè và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bản vẽ còn chưa đầy đủ…, như: 19 dự án tại 4 quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.

Việc thiết kế kết cấu hè chưa đúng, thiếu các chỉ tiêu về nhóm đá, chỉ tiêu của đá lát hè theo hướng dẫn sử dụng và phần bản vẽ mẫu ban hành kèm theo Quyết định của UBND TP: Cụ thể có 34 dự án tại 8 quận Hà Đông, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Ba Đình; tại dự án cải tạo, nâng cấp đường Bà Triệu, quận Hà Đông, thiết kế thiếu lớp giấy dầu.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Đại, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cũng liệt kê hàng loạt nguyên nhân khiến một số tuyến đường thuộc địa bàn lát đá tự nhiên bị “nứt, rạn, vỡ” như: Thi công tại thời điểm vữa lót chưa đạt cường độ đã bị tác động của phương tiện giao thông, người dân tự ý trát thêm xi măng để tạo bậc lên cửa nhà mình...

Thi công tại thời điểm vữa lót chưa đạt cường độ đã bị tác động của phương tiện giao thông, người dân tự ý trát thêm xi măng để tạo bậc lên cửa nhà...đây cũng được xem là một nguyên nhân?!

Bà Phạm Thị Kim Liên, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy cho biết, đường Trần Duy Hưng và các tuyến đường thuộc địa bàn đang được lát bằng gạch vân nhám giả đá. “Đá tự nhiên đương nhiên sẽ có chất lượng tốt hơn các loại gạch, tuy nhiên cũng có thể do trong quá trình thi công bê tông lót móng chưa chuẩn”, bà Liên nói.

KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: Thực ra, lát đá đôi khi không tốt bằng dùng gạch block bởi lát đá không có độ thấm, trong khi tiêu chuẩn thoát nước của Việt Nam có đến 20% nước thoát là thấm xuống bề mặt. Điều đó có nghĩa là khi dùng đá lát thì dĩ nhiên là không còn độ thấm, không giảm tải được việc úng lụt ở trên đường phố Hà Nội, thậm chí còn tăng thêm.

Mặt khác, các đơn vị thi công rất thích lát đá bởi đó là công việc đơn giản, không cần làm móng nên họ có thể thuê thợ thời vụ làm, chỉ cần đổ cát, thêm ít vữa, gõ gõ là xong. Trong khi đó nếu viên đá không đúng tiêu chuẩn, thợ không có tay nghề, không căn chỉnh để xảy ra khe hở giữa viên đá và lớp cốt nền thì lập tức sẽ vỡ, không có độ bền.

Định hướng chỉnh trang bộ mặt đô thị Hà Nội là tốt nhưng công tác quản lý tại từng địa bàn còn nhiều điểm hạn chế. Nói đơn giản thì dù Hà Nội có lát đá vỉa hè đẹp bao nhiêu, nhưng vẫn có tình trạng ô tô để trên vỉa hè, xe máy phi lên vỉa hè, ý thức của người dân còn yếu kém thì cũng không thể giữ được vỉa hè đẹp.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định: Lát đá vỉa hè là một giải pháp về chỉnh trang đô thị, nhưng quan trọng hơn, chúng ta cần xác định rõ mục tiêu của nó là gì? Nếu các tuyến phố chỉ phục vụ cho việc đi bộ và kinh doanh thì giải pháp về chất lượng đá, độ dày, kết cấu nền sẽ rất khác với việc vẫn sử dụng giao thông hỗn hợp như hiện nay. Tùy theo khu vực mới nên lát đá hay không vì chỉ đi bộ thì đá rất lâu mới hỏng nhưng ôtô, xe máy đi lên thì sẽ chỉ vài năm là vỡ hết. Còn nếu có lát đá vỉa hè đồng bộ thì chỉ nên chọn những tuyến đường có hạ tầng hoàn chỉnh như tại khu vực quận Ba Đình, Hoàn Kiếm… để thực hiện, chứ không phải đường nào cũng làm được. Do đó, kế hoạch thực hiện cần cân nhắc kỹ và thống nhất được việc quản lý đô thị với các ban, ngành liên quan cùng quản lý.

Dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa thì kết quả cũng cho thấy, việc lát đá vỉa hè mà rộng hơn là kế hoạch chỉnh trang đô thị Hà Nội đang tồn tại nhiều bất cập. Đó là chưa tính đến các vấn đề kinh tế. Chỉ tưởng tượng một khối lượng khổng lồ đá tự nhiên sẽ sử dụng để lát vỉa hè cho toàn thành phố thì chi phí sẽ lớn thế nào? 

Hơn nữa, khối lượng các núi đá sẽ bị khai thác phục vụ cho việc đó sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và môi trường nơi khai thác ra sao? Và những con đường mới lát đá hôm nào nay đã hỏng đã cho thấy sự lãng phí ngân sách.

Ngày 29/06/2020, tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 6 và quý II năm 2020 của UBND TP Hà Nội, ông Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Đá lát vỉa hè trên địa bàn Hà Nội có nhiều chủng loại khác nhau nên cường độ nén uốn cũng khác nhau, dẫn đến có những quận, huyện sử dụng đá lát vỉa hè có cường độ nén uốn chỉ bằng 1/3 so với quy chuẩn và yêu cầu.

Về độ đồng chất của vật liệu đá, một số khu vực mỏ khai thác vẫn sử dụng phương pháp nổ mìn dẫn đến đá khai thác bị "om", chất lượng không đồng nhất nên dễ bị nứt gãy. Do đó, trong quá trình chuẩn bị vật liệu đá, các địa phương cần hết sức lưu ý đến nguồn gốc, cường độ nén uốn và độ dày của đá.

Trong trường hợp cường độ nén uốn thấp thì phải tăng chiều dày của đá để bảo đảm yêu cầu chịu lực và bảo đảm tính đồng chất của vật liệu.

Giám đốc Sở Xây dựng lưu ý, các địa phương triển khai thi công lát đá vỉa hè cần tuân thủ nghiêm quy trình ba bước.

TP Hà Nội cần tính toán kỹ nếu làm đại trà, phải đồng bộ hạ tầng điện, nước, cáp viễn thông thời gian nào cho hợp lý. Đồng thời, phải quy rõ trách nhiệm cho các tập thể, cá nhân để không xảy ra tình trạng đá vừa lát xong đã hỏng.

Cụ thể, khi bóc kết cấu cũ cần sắp xếp lại toàn bộ đường dây, đường ống, hệ thống hạ tầng phía dưới vỉa hè, đồng thời bảo đảm độ nén chặt của nền đất; việc đổ bê tông cần bảo đảm yêu cầu về độ dốc, để nghiệm thu xong mới thực hiện lát đá; khi lát đá xong thì phải bảo đảm các lối lên xuống, bó vỉa, tạo cảnh quan vỉa hè.

Điểm tích cực khi đồng bộ lát vỉa hè bằng đá tự nhiên là sự sạch đẹp, văn minh đô thị trong tương lai. Tuy nhiên, Hà Nội cần tính toán kỹ nếu làm đại trà, phải đồng bộ hạ tầng điện, nước, cáp viễn thông thời gian nào cho hợp lý. Đồng thời, phải quy rõ trách nhiệm cho các tập thể, cá nhân để không xảy ra tình trạng đá vừa lát xong đã hỏng.

Trả lời báo chí liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để bảo đảm độ bền vĩnh cửu của đá vỉa hè thì các cơ quan chức năng cần phải chú trọng đến khâu tư vấn, thiết kế, lựa chọn vật liệu đá phù hợp với từng khu vực.

Ông Chính cho rằng, cần xem xét nguồn gốc của loại đá từ mỏ nào, tính hóa lý, độ bền vững, độ thấm nước của đá, không trơn trượt... Việc tính toán phải chi tiết, cụ thể để bảo đảm chất lượng, kỹ thuật. Việc trồng cây cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh để tình trạng cây mọc, phát triển làm bong tróc, hỏng vỉa hè. Muốn làm được việc này, cần thành lập hội đồng thẩm định, đấu thầu, xem xét và nghiệm thu để tìm ra loại đá tốt.

Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong và sau khi thi công cũng rất cần thiết, nhằm bảo đảm thi công đúng theo quy trình, kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình. Sau đó, cần có hội đồng nghiệm thu để rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ các công trình đang thi công. Bởi theo ông Chính, chỉ cần một người dân thiếu ý thức, đỗ xe hoặc đi vào chỗ công trình vừa thi công, mặc dù có biển báo công trình đang thi công, cần giữ gìn, thì việc bảo vệ tính bền vững, giữ tuổi tác cho đá lát vỉa hè là điều rất khó.

Tham khảo các nước trên thế giới, có nhiều nước giữ được độ bền cho vỉa hè hàng trăm năm tuổi như tại Pháp, Nhật, Hàn Quốc…bởi họ quy định vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, cây xanh được trồng xung quanh, có biển báo hiệu, thanh chắn bằng thép. Chỉ cần ô tô đỗ sai vào vỉa hè, camera ghi lại, cảnh sát giao thông sẽ xử lý ngay. Còn nếu muốn sử dụng thêm chức năng khác cho vỉa hè thì thiết kế phải khác.

Nhìn chung, tại Hà Nội, giải pháp thiết yếu đầu tiên và quan trọng nhất là cần chấm dứt tình trạng phương tiện giao thông đi trên vỉa hè, giữ gìn vỉa hè. Đồng thời, xử lý triệt để tình trạng vi phạm trật tự, lấn chiếm vỉa hè trên từng địa bàn quận, trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ để vỉa hè được sử dụng đúng mục đích.

Trọng tâm của vấn đề còn nằm ở việc chọn nhà thầu thi công, giám sát thi công, nhiệm thu công trình. Các cơ quan chức năng cần thanh kiểm tra nhanh chóng các tuyến phố nằm trong dự án cải tạo chỉnh trang vỉa hè của TP Hà Nội đã và đang xuống cấp, vừa đi vào sử dụng đã hư hỏng, nứt gẫy. Mặt khác, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu như công trình không đạt chuẩn, không đảm bảo kỹ thuật. Vỉa hè chỉ thật sự được chỉnh trang sạch - đẹp - bền khi và chỉ khi chính quyền và nhân dân cùng bắt tay vào "thi công".