19/01/2025 | 07:20 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Thành lập Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ

Cập nhật lúc: 26/04/2021, 06:00

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 947-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP.

Theo quyết định, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội phân công cơ quan thường trực, xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.

Theo đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh Hà Nội làm Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Các Phó Trưởng ban Chỉ đạo gồm: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải...

Hà Nội: Thành lập Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ
Hà Nội thành lập Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ

Trước đó, liên quan đến việc cải tạo chung cư cũ "giậm chân tại chỗ", lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã ký ban hành Quyết định số 3302 về việc giải thể Ban Chỉ đạo Thành phố về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ trên địa bàn TP.

 

Văn bản nêu rõ, việc giải thể Ban chỉ đạo nhằm kiện toàn, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo TP.

Lý giải về việc giải thể Ban chỉ đạo này, UBND TP Hà Nội cho biết, cuối năm 2019, UBND TP đã có Quyết định 7020/QĐ-UBND (ngày 9/12/2019) thành lập Tổ chuyên gia hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ. Theo đó, tổ chuyên gia này sẽ có chức năng tương đồng với Ban chỉ đạo TP về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội.

Cách đây 10 năm, Chính phủ đã có Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP Thống nhất chủ trương triển khai việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp nhằm tạo ra các khu nhà ở mới có chất lượng tốt hơn, góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống của nhân dân, cải tạo bộ mặt kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Theo đó, việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ phải được thực hiện theo nguyên tắc xã hội hoá, khai thác lợi ích từ dự án để tự cân đối về tài chính và đáp ứng đủ quỹ nhà ở để phục vụ nhu cầu tái định cư tại chỗ, hạn chế việc đầu tư từ ngân sách, đảm bảo hài hoà lợi ích của người sử dụng nhà ở, lợi ích của nhà đầu tư. 

Tuy nhiên đến nay, Hà Nội chỉ mới có 14 tòa nhà được xây dựng và đi vào sử dụng, nhiều khu chung cư cũ như Thành Công, Kim Liên, Trung tư đang xuống cấp trầm trọng nhưng chưa thể di dời. Theo đánh giá của các chuyên gia, đặc thù của Hà Nội là hầu hết các nhà chung cư nằm trong các quận nội thành. Đây là khu vực nằm trong vùng hạn chế phát triển theo quy hoạch 108 của Thủ tướng và bị khống chế về mật độ và chiều cao.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ha-noi-thanh-lap-ban-chi-dao-cai-tao-chung-cu-cu-20201231000001750.html