18/01/2025 | 12:54 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội tái lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Cập nhật lúc: 20/04/2020, 10:48

Trước bối cảnh dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rõ nét tới nhiều lĩnh vực sản - kinh doanh, làm tổn hại đến “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, thành phố Hà Nội xác định tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp...

Trước bối cảnh dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rõ nét tới nhiều lĩnh vực sản - kinh doanh, làm tổn hại đến “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, thành phố Hà Nội xác định tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng gấp 1,3 lần mức tăng của cả nước trong năm nay.

Doanh nghiệp chịu lỗ hàng nghìn tỷ đồng

Lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa có buổi đối thoại với gần 50 doanh nghiệp đại diện cho trên 285.000 doanh nghiệp trên địa bàn để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19.

Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp cho biết, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động. Nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng về cung ứng nguyên liêu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, nhất là các ngành du lịch, khách sạn, vận tải, bán lẻ…

Ngành hàng không đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19

Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, do chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, thiếu linh kiện phụ tùng, việc sản xuất ôtô, xe máy ngưng trệ khiến doanh nghiệp lỗ trên 10.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tất cả khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí phải dừng; 70% cơ sở khách sạn tạm đóng cửa, 30% còn lại hoạt động cầm chừng... Khoản lỗ riêng trong lĩnh vực du lịch của tập đoàn khoảng 3.000 tỉ đồng. Về giáo dục, 100% hệ thống trường lớp của tập đoàn đóng cửa. Tập đoàn đã đầu tư xây dựng chương trình học trực tuyến, không thu thêm bất kỳ chi phí nào, trong khi vẫn phải trả lương cho cán bộ, giáo viên.

Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong 2 tuần cách ly xã hội, lượng khai thác của các hãng chỉ 2%-5% năng lực. Với đường bay quốc tế, Vietnam Airlines chủ yếu tham gia chở hàng y tế và đưa công dân Việt Nam và các nước hồi hương. Khoảng 3.000 tiếp viên, 1.000 phi công bị ảnh hưởng. “Đến nay, chúng tôi không đặt vấn đề lỗ lãi nữa, bởi lợi nhuận gần như không có, giải pháp đặt ra phải phục hồi thế nào trong thời gian tới mới là quan trọng. Với quy mô như Vietnam Airlines (khoảng 100 máy bay), nếu làm ăn tốt sau dịch, tối thiểu phải 5 năm mới bù được khoản lỗ đã phát sinh”, ông Thành nói.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề trong các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như du lịch, khách sạn, sân golf, xuất nhập khẩu. Thiệt hại sơ bộ của tập đoàn gần 1.000 tỉ đồng và khoảng 3.700 tấn gạo chưa xuất khẩu được.

Theo bà Thái Thị Hương, nhà sáng lập và chủ tịch Hội đồng chiến lược của Tập đoàn TH, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong triển khai một dự án trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Tại đó cũng có một bệnh viện đa khoa công nghệ cao với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 3.000 tỉ đồng, hiện doanh nghiệp xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 4.500 tỉ đồng, dự kiến khởi công từ tháng 9 tới và hoàn thành vào tháng 10/2022. Dự án này đang gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Hiện TH đã giải phóng được 2/3 diện tích. Tuy nhiên, tại khu vực dự án, có một ngôi làng có người mắc Covid-19 nên mọi việc bị đình lại.

“Trong giai đoạn cách ly xã hội hiện nay, Hà Nội nên tranh thủ sửa chữa đường sá, hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị; doanh nghiệp sẽ tặng Hà Nội một số cây xanh vùng nhiệt đới để trồng giúp thủ đô tạo cảnh quan”, bà Hương đề xuất.

Lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đề xuất Hà Nội tiếp tục giảm một số loại thuế, khoanh nợ, giãn nợ, ân hạn nợ vay, đẩy nhanh xây dựng các công trình hạ tầng, dự án trọng điểm. Đặc biệt là đẩy nhanh việc cải cách hành chính vì đây là một trong các vướng mắc lớn của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay.

Tái lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, bên cạnh khó khăn thì “đại dịch” cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn nhận, cơ cấu lại ngành nghề trên tinh thần phù hợp với nền kinh tế. Đây cũng là dịp để Hà Nội cải cách hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số; từ đó phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Hà Nội đã triển khai 1.818 thủ tục dịch vụ công từ phường đến các sở - ngành. 82% các thủ tục đã được triển khai ở mức độ 3, 4. Thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính,…

Hà Nội đang đẩy nhanh cải cách hành chính để phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn. (ảnh: Cao Tiến)

Trước đề xuất của các doanh nghiệp về việc thành lập các quỹ xúc tiến đầu tư, khởi ngiệp sáng tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết sẽ nghiên cứu sớm triển khai. “Thành phố vừa qua đã đưa vào hoạt động ứng dụng Hà Nội SmartCity. Ngoài phục vụ công tác phòng chống dịch, các doanh nghiệp có thể phản ánh các kiến nghị qua tiện ích của phần mềm này và thành phố sẽ tiếp nhận giải quyết ngay. Các hiệp hội cũng có thể tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp hàng ngày, Thành phố sẽ tiếp nhận xử lý ngay”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thông tin.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội xác định tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, thủ tục hành chính để các chính sách, dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Thành phố được kích hoạt, thông suốt. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có cam kết cụ thể về thời hạn.

Hà Nội cũng cam kết đẩy mạnh các hoạt động sản xuất - kinh doanh, thích ứng với điều kiện cách ly xã hội. Cụ thể là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy đầu tư công theo nguyên tắc "góp gió thành bão" từ các công trình của thôn, tổ dân phố đến các xã, phường, thị trấn và quận, huyện, cũng như các dự án đầu tư tư nhân, các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Phối hợp với các bộ, ngành để đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh đối với các ngành, lĩnh vực có lợi thế trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là công nghệ thông tin, sản xuất vật tư, thiết bị y tế... để vừa tạo cầu vừa tạo cung cho doanh nghiệp.

Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trong năm nay, tăng trưởng kinh tế gấp 1,3 lần mức tăng của cả nước. Ngoài sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thủ đô, Bí thư Thành ủy mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chung tay với Thành phố để thực hiện mục tiêu này. Trước mắt, phấn đấu có những công trình đầu tư tư nhân được khởi công hoặc hoàn thành vào dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và Đại hội XIII của Đảng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố thường xuyên tiếp nhận các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp; thống nhất khởi động lại tổ công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm tổ trưởng để xem xét, giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Giao các sở, ngành phối hợp, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất - kinh doanh để vừa phòng chống dịch tốt, vừa bảo đảm an toàn cho hoạt động của doanh nghiệp.