Hà Nội: Bộ Xây dựng đề xuất sửa Luật nhà ở, gỡ vướng cải tạo chung cư cũ
Cập nhật lúc: 23/10/2020, 14:50
Cập nhật lúc: 23/10/2020, 14:50
Lời tòa soạn: Tích góp từng đồng, vay mượn khắp nơi để mua chung cư, nhiều người đã nghĩ mình sẽ có không gian sống tuyệt vời, nhưng hàng loạt vấn đề phát sinh đã khiến cư dân chung cư "vỡ mộng" bởi chiêu trò của chủ đầu tư. Chỉ bởi một phần những nhà đầu tư "ăn xổi" năng lực có hạn nhưng "thủ đoạn" vô biên, quảng cáo "biến không thành có" hay "có một nói mười" đã biến giấc mơ an cư của người dân thành nỗi ác mộng kinh hoàng.
Với mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng người dân đang có ý định hoặc đã mua chung cư, chúng tôi sẽ đăng tải định kỳ những bài viết chất lượng và chính xác nhất về tình hình các dự án đang mở bán hay đã đi vào hoạt động cũng như chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực nhất.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã họp với các bộ Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Tư pháp, các sở Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Tài chính của TP Hà Nội, đại điện Hiệp hội Bất động sản VN, các doanh nghiệp đã và đang tham gia cải tạo chung cư cũ tại thủ đô như: Vingroup, Sungroup, T&T, Vinaconex, Công ty CP XD Việt Hưng... để bàn về các giải pháp cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội.
Liên quan đến Đề án cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng cho biết sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật nhà ở 2014 để tạo thuận lợi cho cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ thời gian tới. Bộ cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 101 năm 2015 về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo hướng thông thoáng hơn, giúp doanh nghiệp (DN) có thể tham gia vào quá trình xã hội hóa xây dựng lại các khu chung cư cũ xuống cấp tại nhiều đô thị hiện nay.
Bộ Xây dựng cho rằng trong trường hợp cần thiết TP Hà Nội chọn 1-2 khu nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại để đề xuất Thủ tướng cho thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trong thời gian nhất định.
Bộ Xây dựng đề xuất sửa Luật nhà ở, gỡ vướng cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội
Cơ chế đặc thù cho cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội theo Bộ Xây dựng cần lưu ý một số vấn đề như quy định hệ số bồi thường, tái định cư cho các hộ tầng 1 và và từ tầng 2 trở lên áp dụng cho từng khu vực khác nhau. Đối với chủ sở hữu căn hộ tầng 1 thì nên có thêm cơ chế mua, thuê phần diện tích dành đề kinh doanh để chủ đầu tư có cơ sở thỏa thuận với người dân.
TP Hà Nội cần quy định cụ thể phương án bố trí tạm cư tại khu vực dự án hoặc khu vực lân cận, bảo đảm thuận tiện trong sinh hoạt cho người dân trong quá trình cải tạo chung cư cũ.
Khuyến khích chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ lập phương án giảm bớt chi phí xây dựng nhà chung cư như không xây dựng tầng hầm để xe trong tòa nhà mà xây chỗ để xe tại địa điểm khác.
Quy định thống nhất trình tự thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ theo 3 bước lập quy hoạch chi tiết khu vực dự án, phê duyệt phương án bồi thường tái định cư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, giao trách nhiệm cho chính quyền cấp quận trong thực hiện giải phóng mặt bằng dự án thay vì để chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân.
Trước thực trạng trên và yêu cầu tái thiết nhằm cải thiện đời sống người dân, từ năm 2007, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng, phân loại hiện trạng được 940 nhà chung cư cũ theo 4 mức độ. Trong đó, đã thực hiện kiểm định 343 nhà, xác định 200 nhà cấp C (cần sửa chữa lớn để bảo đảm sử dụng bình thường); 6 nhà cấp D (phải sửa chữa lớn, ưu tiên làm ngay, có nguy cơ sập đổ). Tuy nhiên, đến nay mới có 16 nhà hoàn thành cải tạo, xây dựng mới, đưa vào sử dụng (chiếm hơn 1%)...
Tại văn bản số 5621 của UBND TP Hà Nội có 19 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500. Trong đó, phải kể đến các "ông lớn" như: Sun Group, FLC, Geleximco, Tập đoàn T&T, Vingroup...
Sun Group làm 3 khu tập thể: Khu tập thể Kim Liên với 42 nhà cao từ 2-6 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Bắc với 61 nhà cao 5 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Nam với 8 nhà cao từ 3-5 tầng.
Tập đoàn FLC với khu tập thể Kim Giang, với số lượng 68 nhà cao 2-5 tầng; Tập đoàn T&T với hai khu thuộc Tập thể Bách Khoa với 29 nhà cao 2-5 tầng và Tập thể Đại học Thủy lợi với 12 nhà cao từ 2-5 tầng; Cty Cổ phần XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco): Khu tập thể Khương Thượng với diện tích 14,8ha, 30 nhà chung cư cao từ 2-5 tầng.
Các "ông lớn" đề xuất tham gia cải tạo chung cư cũ (Nguồn: Diễn đàn BĐS)
Vingroup làm 5 khu tập thể: Khu tập thể Ngọc Khánh có 58 nhà cao tầng từ 2-5 tầng; khu tập thể Giảng Võ có 22 nhà cao từ 3-5 tầng; khu tập thể Đường Sắt với 9 nhà cao từ 2-5 tầng; khu tập thể 60 Thổ Quan với 6 nhà cao từ 2-5 tầng; khu tập thể xí nghiệp xây lắp H24 với 10 nhà cao từ 2-5 tầng…
Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi tên cải tạo khu tập thể Tân Mai. Còn Vinaconex muốn cải tạo khu tập thể thuốc lá Thăng Long.
Đa số đều ở những vị trí đắc địa, thuận lợi, "đất vàng" như chung cư cũ khu tập thể Kim Liên, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam; khu tập thể Kim Giang, khu tập thể Đại học Bách Khoa, Đại học Thủy lợi; khu tập thể Khương Đình, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thổ Quan; khu tập thể Đường Sắt, Tân Mai, thuốc lá Thăng Long…
Các chung cư cũ đa phần đều nằm ở vị trí "đất vàng"
Trước đó, tại Hội nghị công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản do Bộ Xây dựng và TP Hà Nội phối hợp tổ chức. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giao cho Hà Nội nghiên cứu để có những mô hình cải tạo chung cư, Bộ Xây dựng cùng với Hà Nội thực hiện.
Năm 2017, Công ty Cổ phần Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng – Vihajico đề xuất xây dựng dự án có điều chỉnh không gian mặt nước hồ Thành Công để cải tạo khu tập thể cũ Thành Công. Tuy nhiên, phương án này vấp phải sự phản đối của nhiều người dân và chuyên gia.
Cuối năm 2019, dư luận xôn xao khi phương án cải tạo khu tập thể cũ Thành Công lại được nhà đầu tư đề xuất Hà Nội cho phép điều chỉnh không gian mặt nước hồ Thành Công. Dự án Cải tạo khu tập thể Thành Công được giao cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao (Decotech) làm chủ đầu tư. Song, đơn vị này không đáp ứng được thời hạn nộp hồ sơ ý tưởng quy hoạch nên UBND TP Hà Nội thông báo chấm dứt nhiệm vụ nghiên cứu lập quy hoạch đối với Decotech.
Đầu năm 2020, Công ty CP Tập đoàn Ecopark tiếp tục đề xuất sử dụng khu vực chợ Thành Công để khởi công xây dựng cải tạo dự án nhưng do không đạt được tính khả thi, sự thống nhất giữa chủ đầu tư và cư dân nên đề xuất này bị dừng lại.
Để gỡ khó, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định 7020/QĐ-UBND ngày 9/12/2019 thành lập Tổ chuyên gia để nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của UBND thành phố; hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Theo kết luận và chỉ đạo từ Văn phòng UBND TP Hà Nội về việc quy hoạch, cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố và tại khu chung cư cũ Giảng Võ, Sở quy hoạch Kiến trúc và Sở xây dựng Hà Nội cho biết năm 2016, 19 nhà đầu tư đã được thành phố giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho 28 khu tập thể cũ bằng hình thức tự bỏ kinh phí (việc lựa chọn chủ đầu tư vẫn thực hiện theo trình tự quy định của pháp luật hiện hành).
Tuy nhiên đến nay, việc lập quy hoạch chi tiết diễn ra chậm so với yêu cầu của thành phố, vì vậy, thành phố đã giao cho Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội và Viện quy hoạch rà soát, tổng hợp lại những nội dung ý tưởng của các nhà đầu tư đã triển khai hoàn thành trong giai đoạn trước đây.
Về tỷ lệ bồi thường, UBND TP Hà Nội cũng cho rằng chủ sở hữu căn hộ tầng 2 có hệ số bồi thường tối đa là 1,5 lần, đối với các chủ hộ tầng 1 sẽ được phép ưu tiên mua thêm phần diện tích sàn kinh doanh thương mại với diện tích bằng căn hộ cũ theo giá đầu tư cộng 10% lợi nhuận của chủ đầu tư. Còn đối với trường hợp các chủ sở hữu (có nhà chung cư cũ tại 4 quận nội thành cũ) có nhu cầu tái định cư tại dự án khác ngoài vành đai 3 thì hệ số bồi thường sẽ là 2 lần.
Trước thực trạng tồn đọng nhiều vướng mắc, Hà Nội đã kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được chủ động quyết định điều chỉnh tầng cao công trình trong khu vực nội đô, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị, để cải tạo xây mới nhà chung cư cũ, chỉ cần trên 70% chủ sở hữu đồng ý; những chủ sở hữu còn lại sẽ có chế tài nếu không đồng ý phá dỡ.
Ngoài ra, tạm dừng những ý tưởng đang triển khai nhưng chậm trễ, trong đó có khu Giảng Võ, khoảng 23 ha. Riêng đối với khu Giảng Võ, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan để rà soát tính cấp bách, sự cần thiết và quy định của pháp luật hiện hành để báo cáo lại thành phố.
Hiện nay, đã có 16 dự án xây dựng xong đưa vào khai thác sử dụng, 12 dự án đang triển khai tại Hà Nội.
Trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội ban hành kế hoạch cải tạo lại nhà chung cư cũ; bố trí kinh phí kiểm định chất lượng nhà chung cư; tổ chức lập quy hoạch 1/500 các khu chung cư cũ cần sửa chữa, lập phương án bồi thường tái định cư; với các khu chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm cần tổ chức di dời dân, cưỡng chế phá dỡ để triển khai dự án xây mới lại.
Tập thể lãnh đạo UBND TP đánh giá, công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP trong nhiều năm qua đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP tích cực chỉ đạo. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít; dự án đã quyết định đầu tư chậm triển khai, tư vấn lập quy hoạch còn quá chậm, không đạt yêu cầu đã đặt ra.
13:30, 22/10/2020
11:15, 15/10/2020
13:30, 06/10/2020