19/01/2025 | 15:24 GMT+7, Hà Nội

Góc tối của thị trường bất động sản TP.HCM

Cập nhật lúc: 18/11/2017, 07:12

Tỷ lệ tranh chấp ở chung cư ngày càng cao, sự lệch pha về cung cầu, giá đất liên tục tăng, dự án được chào bán khi chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, vẫn còn quá nhiều dự án “chết” chưa hồi sinh… là những góc khuất của thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay.

Sáng 21/10 vừa qua, hàng trăm cư dân khu căn hộ Saigonres Plaza do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Nam Đô - thuộc Cty CP Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư (Nguyễn Xí, Bình Thạnh) đã treo băng rôn, biểu ngữ phản đối, tố cáo sai phạm của chủ đầu tư và yêu cầu xử lý, đảm bảo quyền lợi cho cư dân.

Thị trường bất động sản vẫn còn những “mảng tối” làm xấu thị trường.

Góc khuất thị trường

Theo cư dân sinh sống tại đây, dự án bàn giao cho cư dân vào ở tháng 1/2017, nhưng tới tháng 3 thì nhiều hạng mục của căn hộ bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng: thang máy rơi tự do không dưới 3 lần, trần nhà bị thấm nước, tường bị bong tróc không rõ nguyên nhân,… nhưng đều không được giải quyết thỏa đáng. Đặc biệt, hiện cư dân tại dự án này tiếp tục phản ánh việc bảo vệ Saigonres côn đồ đánh cư dân, yêu cầu chủ đầu tư không được xâm phạm sở hữu chung, trả lại nhà trẻ cho cư dân…

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện TP.HCM có 105 chung cư đang có tình trạng bất đồng giữa cư dân và chủ đầu tư về chất lượng công trình, phí bảo trì chung cư 2% bị chủ đầu tư chiếm dụng…

Ngoài ra, hiện có nhiều dự án mở bán cho khách hàng nhưng rồi thời gian dài đi qua, khách hàng mới nhận ra chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống… Đơn cử như dự án Thiên Phúc Hoàng Gia tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Dự án được chủ đầu tư là Công ty CP bất động sản Thiên Phúc mở bán từ đầu năm 2017, khi bán đất nền dự án này, chủ đầu tư cam kết giao đất cho khách hàng xây nhà trong 6 tháng khi khách hàng mua. Nhưng tới nay, khách hàng vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện cam kết trong hợp đồng, khi tới dự án kiểm tra thì vẫn chỉ là bãi đầm lầy. Đặc biệt, cơ quan chức năng của huyện cho biết dự án chưa có quy hoạch 1/500, chưa đóng tiền sử dụng đất, chưa được phép mở bán dự án…

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay TP còn khoảng 500 dự án chậm triển khai, trong đó đa phần các dự án này đều xây dựng được một phần nhưng sau cơn khủng hoảng thị trường bất động sản năm 2007 và 2010 đã phải dừng thi công vì chủ đầu tư đã không còn kinh phí để thực hiện tiếp dự án.

Trong đó, có những dự án đã bán nhà cho người dân nhưng rồi chủ đầu tư không thể bàn giao nhà. Đơn cử như dự án nhà ở 584 Tân Phú, Dự án PetroVietnam Landmark (quận 2, TP.HCM)… vì không còn tiền nên chủ đầu tư đành bỏ mặc dự án và khách hàng đã mua căn hộ của mình.

Bên cạnh đó, thị trường tiếp tục có sự lệch pha cung cầu. Trong 9 tháng năm 2017, đã có 61 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 28.639 căn (trong đó, có 25.320 căn hộ chung cư, 3.319 căn nhà thấp tầng).

Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.451 căn, chiếm tỷ lệ 26%, phân khúc trung cấp có 13.976 căn, chiếm tỷ lệ 48,8%, trong đó phân khúc bình dân có 7.212 căn, chiếm tỷ lệ 25,2%. Tuy nhiên, thị trường TP.HCM đang cần nhà bình dân. Lượng hàng cao cấp và trung cấp đa phần cung cấp cho giới đầu tư…

Những mối lo của thị trường

Ông Bùi Văn Hiếu, Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện Sở đang rà soát lại tình hình phát triển thị trường, đặc biệt là cơn sốt "giá ảo" đất nền phân lô trong những tháng đầu năm 2017 tại một số quận ven và huyện ngoại thành. Tuy nhiên, hiện nay, do khan hiếm nguồn cung nên đang có dấu hiệu sốt giá đất nền quay trở lại ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.

Bên cạnh đó, việc các công ty môi giới phát triển quá nhanh cũng làm cho thị trường bất động sản đứng trước những mối lo lớn.

Đặc biệt, ông Hiếu cho rằng, đã xuất hiện những dấu hiệu lừa đảo do một số công ty môi giới bất động sản tạo ra như đổi tên dự án.

Công ty môi giới sau khi nhận phân phối dự án của các chủ đầu tư, liền thay tên, đổi họ thành dự án của chính mình. Tại quận 9, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn xuất hiện việc công ty môi giới tự thay đổi quy hoạch 1/500, vẽ thêm tiện ích để dụ khách hàng.

Các công ty môi giới còn nâng giá bán, có khi lên 40-50% so với giá thực tế chủ đầu tư đưa ra để hưởng chênh lệch. Tất cả dẫn tới cảnh khiếu kiện giữa khách hàng và chủ đầu tư…

Ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần bất động sản Cát Tường Group cho rằng, nhiều dự án được chủ đầu tư giới thiệu là cao cấp, giá bán khá cao nhưng khi giao nhà cho khách hàng thì không như những gì quảng cáo./.