18/01/2025 | 20:19 GMT+7, Hà Nội

Sau khu Đông, Tây Nam Sài Gòn sẽ là “ngôi sao mới” của thị trường BĐS

Cập nhật lúc: 30/08/2017, 11:21

Đó là nhận định của ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa xoay quanh câu chuyện dịch chuyển của thị trường địa ốc TP. HCM từ nay đến cuối năm.

Tại hội thảo "Cơ hội đầu tư và an cư BĐS quận 8" được tổ chức mới đây, ông Trần Khánh Quang cho biết trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, toàn thị trường đã bị "hút" về khu đông thành phố, do tác động của cơn sốt đất nền. Giá đất tại đây trong thời gian qua có nhiều nơi đã tăng trên 100%, thậm chí tăng gấp 1,5 – 2 lần và không ngừng thiết lập mặt bằng mới. “Có những khu đất xa xôi, nằm giữa cánh đồng hoang vắng mà cũng có giá tới 20 triệu đồng/m2”, ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, cơn sốt đất tại khu Đông bắt nguồn từ những cú hích lớn về hạ tầng giao thông. Đó là việc xây dựng các tuyến metro, những cây cầu mới, cảng mới và đặc biệt là sự xuất hiện của các chủ đầu tư danh tiếng. Điều này đã kích thích xu hướng thổi giá và khiến giá nhà đất liên tục leo thang.

Tuy nhiên, trải qua hơn 1 năm tăng trưởng liên tục, thị trường BĐS khu Đông dường như đã lên tới đỉnh cao, do vậy lợi nhuận đầu tư sẽ không còn duy trì ở mức cao như kì vọng. “Một cách tất yếu, nhà đầu tư sẽ quay sang khu Tây, khu Nam để tìm kiếm cơ hội”, ông Quang nhận định.

Cũng theo ông Quang, khu Tây Nam thành phố đang và chắc chắn sẽ là “ngôi sao mới” của thị trường bởi đây là nơi hội tụ đủ các yếu tố cần thiết như vị trí đẹp, quỹ đất lớn, nhiều mảng xanh, nhiều kênh rạch và giá đất hợp lý.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa.

Bên cạnh đó, khu Tây Nam còn yếu tố quan trọng khác là kết nối giao thông thuận tiện như đường Nguyễn Văn Linh, đại lộ Đông Tây, cầu kết nối về quận 5, quận 1…“Ở đây chúng ta cũng phải thay đổi nhận thức về khoảng cách. Khoảng cách xa gần không phải tính bằng km mà tính bằng thời gian di chuyển vào trung tâm và tới nơi làm việc. Thời gian di chuyển càng ít tức là khoảng cách càng gần”, ông Quang nói.

Ông Quang cho biết thêm, khá nhiều nhà đầu tư lớn đang sẵn sàng rót vốn tại đây, nếu xây dựng các dự án căn hộ với giá hợp lý thì sẽ rất hút người tiêu dùng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng đánh giá rất cao vị trí và tiềm năng phát triển của thị trường BĐS Tây Nam Sài Gòn, đặc biệt là quận 8.

“Quận 8 là nơi có nhiều sông nước nhất TP.HCM. Trước đây đó là một hạn chế nhưng giờ đó lại là lợi thế bởi hạ tầng khu vực đã có sự phát triển vượt bậc. Chúng ta đã có cầu chữ Y, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Nguyễn Tri Phương, hiện đang thi công cầu Bình Tiên và mai kia sẽ có thêm cầu Phú Định. Thêm vào đó, hệ thống kênh rạch sẽ được cải tạo, đất đai dọc 2 bên kênh sẽ trở thành những khu đô thị xanh, sầm uất. Quận 8 sẽ đi đầu thành phố…”, ông Đực cho hay.

Theo định hướng chiến lược phát triển đô thị, TP.HCM sẽ phát triển theo cả 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Tuy nhiên, so với những hướng còn lại, Khu Tây và Nam Sài Gòn được xem là có vị trí đắc địa với hàng loạt dự án hạ tầng, công trình trọng điểm được khởi động và hoàn thành trong thời gian tới.

Cụ thể, từ nay đến năm 2018, khu Nam sẽ được đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường trọng điểm kết nối khu Nam với trung tâm thành phố: mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát lên 30m kết nối với trục đường chính Nguyễn Văn Linh; dự án cầu Thủ Thiêm 4 dài 2km, với vốn đầu tư 5.200 tỷ, nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019; dự án tuyến metro số 4; Hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được đầu tư gần 2.600 tỷ đồng. Đình đám nhất phải kể đến quy hoạch trục đường Phú Thuận, nối từ khu vực Mũi Đèn Đỏ thẳng vào khu đô thị hiện đại bậc nhất Phú Mỹ Hưng.

khu Tây Nam còn yếu tố quan trọng khác là kết nối giao thông thuận tiện

Khu Tây Nam cóyếu tố quan trọng là kết nối giao thông thuận tiện.

Theo giới kinh doanh, với sự phát triển ngoạn mục, không ngạc nhiên khi khu vực Tây Nam và đặc biệt là quận 8 đang trở thành điểm đến của thị trường BĐS. Là địa bàn đặc thù, được thiên nhiên ban tặng cho 23 kênh rạch lớn, nhỏ, đem tới môi trường sống xanh gần sông cho dân cư, mà các quận khác khó có được.

Bên cạnh đó, xét ở góc độ địa lý, liền kề với các quận trung tâm của hành phố, từ quận 8, chỉ cần qua những cây cầu là có thể di chuyển đến quận 5, quận 1, quận 6… Quận 8 còn được biết đến như một trung tâm đầu mối tập trung hàng hóa, nông sản từ miền Đông, miền Tây với các kho tàng, bến bãi, chợ đầu mối lớn…

Thực tế cho thấy, đã có hàng trăm dự án căn hộ tề tựu về khu vực này, có thể kể đến những thương hiệu địa ốc hàng đầu tại TP.HCM như Novaland, Phúc Khang, Đức Long New Land, Pega Suite, Avila...

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo, không phải ngẫu nhiên thị trường BĐS phía Nam luôn có những cơn nóng - lạnh thất thường. Nhiều ý kiến cho rằng, mọi cơn sốt đều có nguyên nhân xuất phát từ giá, nhằm tạo nhiều giao dịch.

Thời gian qua, khu Đông cũng từng xảy ra hiện tượng sốt đất do “ăn theo” việc phát triển của hệ thống hạ tầng nên sau đó nhanh chóng hạ nhiệt. Do đó, không tránh khỏi việc các chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp cũng dựa vào yếu tố hạ tầng tại khu Tây Nam để “dụ” khách hàng và đẩy giá bán lên cao, tạo những “cơn sốt” mới.

Chính vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia là khách hàng khi quyết định “xuống tiền” cho một dự án tại bất cứ vị trí nào cũng phải cân nhắc thật kỹ mọi yếu tố liên quan đến thương hiệu chủ đầu tư, tính pháp lý của dự án, quy hoạch, hạ tầng cũng như tham khảo thông tin từ những đơn vị, cá nhân có uy tín. Có nhiều chủ đầu tư ban đầu chỉ nhằm qua “cửa” duyệt dự án và tạo lòng tin với khách hàng nên lấy yếu tố hạ tầng, tiện ích để cam kết nhưng sau đó, khi đã đạt được mục đích, họ đã không hoàn thành tốt nghĩa vụ và trách nhiệm đã cam kết với khách hàng dẫn đến tranh chấp.