19/01/2025 | 07:06 GMT+7, Hà Nội

Gấp rút thống kê đối tượng thụ hưởng

Cập nhật lúc: 06/05/2020, 13:47

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội đang tiếp tục rà soát thống kê 3 nhóm lao động thụ hưởng tại Nghị quyết 42/NQ-CP.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội đang tiếp tục rà soát thống kê 3 nhóm lao động thụ hưởng tại Nghị quyết 42/NQ-CP. Tuy nhiên, không ít địa phương gặp vướng mắc khi thống kê đối tượng người lao động (NLĐ) tự do.

Các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang lĩnh tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông. Ảnh: Thủy Trúc

Rà soát kỹ

Theo quy định tại Nghị quyết 42, có 3 đối tượng NLĐ được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: NLĐ phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 42, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê cho kết quả 1.477.000 đối tượng NLĐ; trong đó có 840.000 người không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Hiện nay, các quận, huyện tiếp tục được rà soát đúng quy trình, thủ tục.

Ngày 29/4, quận Cầu Giấy đã ban hành kế hoạch thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các phường triển khai nhận hồ sơ, tiến hành xét duyệt, tổng hợp trình UBND quận phê duyệt và thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng NLĐ, DN từ ngày 4/5.

Trưởng phòng LĐTB&XH Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng

Để triển khai kịp thời việc rà soát, thống kê các đối tượng NLĐ, Phòng LĐTB&XH Hà Đông đã tham mưu với UBND quận thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trưởng phòng LĐTB&XH Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan cho biết: Thống kê rà soát ban đầu, quận có khoảng 40.000 lao động tự do, bao gồm cả những đối tượng NLĐ khó khăn do dịch Covid-19 không có trong danh mục quy định tại Nghị quyết 42.

Trưởng phòng LĐTB&XH Đông Anh Nguyễn Đình Thanh thông tin, số liệu rà soát khảo sát ban đầu do các xã báo cáo lên là 15.000 lao động tự do và hơn 4.000 NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không lương... Phòng LĐTB&XH Đông Anh đã xây dựng hướng dẫn, kế hoạch trình UBND huyện ký phê duyệt, sau đó thực hiện theo đúng quy trình triển khai các bước với từng loại đối tượng.

Thiếu hướng dẫn về tiêu chuẩn đối với lao động tự do

Trong quá trình thực hiện rà soát, thống kê vừa qua, một vấn đề mà các địa phương gặp phải là khó xác định NLĐ tự do. “Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động, chúng tôi mong muốn Bộ LĐTB&XH, UBND TP Hà Nội, Sở LĐTB&XH có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn” – bà Loan đề nghị. Theo bà Loan, Quyết định 15 của Thủ tướng quy định rõ điều kiện hỗ trợ, hồ sơ, trình tự, thủ tục nhưng chưa có tiêu chuẩn chi tiết đối với lao động tự do. Cụ thể, trong nhóm công việc thứ 6 (tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe), lao động có quy mô kinh doanh khác nhau thì cần có hướng dẫn chi tiết, sát với thực tế từng trường hợp.

Cũng ở nhóm công việc thứ 6 lao động tự do, có những ý kiến băn khoăn như NLĐ làm việc ở phòng gym, nghề massage có phải là công việc chăm sóc sức khỏe không? Hay cơ sở nào để xác định đối tượng làm nghề lái xe mô tô 2 bánh chở khách? Ở cấp phường, xã trực tiếp thực hiện thống kê, rà soát NLĐ tự do cũng phát sinh nhiều ngành nghề mới. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Công chức Văn hóa – Xã hội phường Văn Chương (quận Đống Đa) thông tin: Sau khi có Nghị quyết 42, ngày 17/4 phường ra thông báo rà soát các đối tượng (có phiếu, biểu), kết quả là 2.731 đối tượng. Từ ngày 21 - 28/4, phường nhận được thêm hơn 200 đơn đề nghị được hưởng của các đối tượng không có trong quy định. Trong đó có những ngành nghề mới như làm tạp vụ theo giờ, rửa bát thuê cho gia đình, tư vấn tài chính... nên rất cần có hướng dẫn chi tiết. Hoặc ở Hà Nội có những hộ gia đình xuất thân từ nông nghiệp nhưng khi nhiều khu đô thị được xây dựng, họ không thể canh tác buộc phải đi bán hàng rong. Nhưng theo Quyết định 15, đối tượng thụ hưởng thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp nên họ không được hỗ trợ, dù rất khó khăn. Những trường hợp này nên được giải quyết thế nào?

Để việc thống kê, rà soát đúng đối tượng, các phòng LĐTB&XH mong muốn TP sớm có hướng dẫn để rà soát đúng và đủ đối tượng. Trong việc thực hiện này, sẽ phát huy vai trò của MTTQ quận, huyện và phường, xã giám sát ngay từ lúc lập danh sách ở phường, xã. Khi phường, xã xét duyệt xong, các đối tượng có tên trong danh sách cơ bản chính xác, sau đó niêm yết công khai để Nhân dân cho ý kiến và trình lên quận, huyện phê duyệt rồi chuyển TP ra quyết định.

Lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác hỗ trợ
Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 3 đối tượng người lao động (NLĐ) thụ hưởng theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, Sở LĐTB&XH sẽ có hướng dẫn để các địa phương chi trả ngay cho các đối tượng.
Trao đổi về việc thực hiện hỗ trợ 3 đối tượng NLĐ theo Nghị quyết 42, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: Trước đó, Sở LĐTB&XH đã có văn bản yêu cầu và hướng dẫn rà soát, báo cáo đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 thuộc diện được hỗ trợ. Hiện các quận, huyện tiếp tục rà soát những đối tượng NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Tuy nhiên, đây là công việc khó, bởi có nhiều NLĐ tự do sống trên địa bàn thuộc diện KT3, KT4. Trong Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ điều kiện phải có nơi cư trú hợp pháp. Để việc xác định đúng đối tượng thụ hưởng, TP sẽ hướng dẫn các quận, huyện chỉ đạo cấp xã, phường thành lập một hội đồng xét duyệt do Chủ tịch UBND cấp xã, phường làm Chủ tịch hội đồng.
Thành viên tham gia hội đồng xét duyệt là MTTQ và một số ngành đoàn thể xã, phường, trưởng thôn hoặc tổ trưởng dân phố. Hội đồng sẽ rà soát, thẩm định chi tiết, cụ thể theo những tiêu chí, điều kiện đặt ra. Sau đó, danh sách xét duyệt sẽ được niêm yết công khai ở tại UBND xã, phường; bản tin ở các tổ dân phố , khu dân cư, nhà văn hóa. Sau 2 ngày công khai sách đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Quyết định 15, nếu không ai có ý kiến, Chủ tịch UBND cấp xã, phường lập danh sách gửi UBND cấp quận, huyện phê duyệt, chi trả.
MTTQ các cấp sẽ phối hợp giám sát từ khâu rà soát đối tượng đến khâu cuối cùng là chi trả xem có đúng quy trình, đối tượng, chi trả kịp thời theo quy định tại Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ hay không. TP Hà Nội cũng giao cho Sở LĐTB&XH lập các đoàn đi kiểm tra thực hiện chính sách này ở tại 30 quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn bảo đảm thực hiện đúng chính sách theo quy định. Theo ông Dân, trong tuần này, TP Hà Nội sẽ ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ có hướng dẫn thực thực hiện; sau đó, các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn sẽ chi trả ngay.