19/01/2025 | 10:24 GMT+7, Hà Nội

Chiến lược điều chỉnh giá kích hoạt các khách sạn và resort sau dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 05/05/2020, 19:00

Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch, do đó thị trường du lịch sẽ trở lại trong vài tháng tới. Tuy nhiên, các khách sạn và resort sẽ cần điều chỉnh lại chính sách giá cũng như các ưu đãi để đón đầu du khách.

Ông Mauro Gasparotti, Giám Đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương nhận định, Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch và bây giờ là lúc đất nước đi vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Nhu cầu du lịch trong nước sẽ là thị trường chính. Tuy nhiên, các khách sạn và resort cần điều chỉnh lại chính sách giá cũng như các ưu đãi để đón đầu và đáp ứng nhu cầu của nhóm khách này.

Việt Nam sẽ trải qua quá trình tương tự như Trung Quốc sau khi đại dịch được kiểm soát, theo đó thị trường Trung Quốc chỉ mất khoảng 6 tuần để công suất trở lại mức 30% sau khi công suất bị giảm mạnh vào giai đoạn trước đó và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm du khách trẻ. Trong số tất cả các phân khúc, khách sạn ngân sách thấp ghi nhận mức công suất tăng nhanh hơn so với những khách sạn có định vị cao hơn.

Ông Mauro Gasparotti khẳng định: "Chủ sở hữu và các nhà điều hành khách sạn sẽ đối mặt với giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới, đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới để quản lý và tạo ra nguồn doanh thu mới. Các dịch vụ lưu trú và nhà hàng cần phát triển các chiến lược tiếp thị, quảng bá sáng tạo và ý nghĩa hơn trong khi các tổ chức tài chính và chủ sở hữu bất động sản cần tích cực làm việc với chủ đầu tư để tìm ra giải pháp cùng có lợi nhằm góp phần xây dựng và hỗ trợ quá trình phục hồi".

Nhiều khách sạn tại Hà Nội phải đóng cửa do dịch Covid-19

Vị chuyên gia này cũng đánh giá thị trường du lịch trong nước sẽ quay trở lại trong giai đoạn đầu tiên của sự phục hồi. Sau quyết định về cách ly xã hội, phần lớn các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã có kế hoạch mở cửa trở lại vào tháng 5 với các chương trình khuyến mãi để thu hút khách du lịch trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều người còn e ngại việc di chuyển bằng máy bay, các điểm đến có thể di chuyển bằng xe như Vũng Tàu, Hồ Tràm, Mũi Né, Hạ Long, Đà Lạt và Sapa sẽ là lựa chọn hàng đầu trong ngắn hạn.

Giai đoạn phục hồi thứ hai sẽ là sự trở lại của du khách nước ngoài khi lệnh cấm các chuyến bay được dỡ bỏ và các quốc gia kết nối được xem là an toàn. Trung Quốc và Hàn Quốc có thể sẽ là những quốc gia được ưu tiên mở lại trước do đây là những thị trường khách quốc tế chính của Việt Nam đồng thời cũng là những quốc gia có số ca nhiễm giảm đáng kể.

Các điểm đến như Bali và Thái Lan cũng đang có ý định chào đón du khách Trung Quốc trở lại và nếu thành công, Việt Nam có thể cân nhắc việc áp dụng các chính sách tương tự. Việt Nam đã nổi tiếng toàn cầu về mức độ an toàn thông qua các biện pháp phòng chống COVID-19 thành công và đây được xem là đòn bẩy giúp thị trường khách quốc tế sớm trở lại.

Giai đoạn cuối cùng là khi đại dịch được kiểm soát hoàn toàn và ngành du lịch toàn cầu phục hồi trở lại về mức trước khi áp dụng các chính sách hạn chế du lịch do đại dịch COVID-19. Khi các hạn chế du lịch được dỡ bỏ hoàn toàn, chúng ta sẽ thấy hai tác động chính: Sự thay đổi trong hành vi của khách du lịch và các tác động kéo dài của suy thoái kinh tế toàn cầu, cả hai yếu tố sẽ cần tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới.

Sự phục hồi ban đầu được dự kiến sẽ theo mô hình chữ V, điều này vốn phổ biến trong ngành Khách sạn và Du lịch, và đã diễn ra ở Việt Nam trước đó: Từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2015 khách Trung Quốc và Nga đột ngột giảm nhưng cả hai đều nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tác động kinh tế toàn cầu và diễn biến khó lường trước của dịch COVID-19, chúng tôi dự đoán việc khôi phục hoàn toàn có thể sẽ diễn ra vào năm 2021.

Ông Mauro Gasparotti, Giám Đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương

"Chúng tôi vẫn luôn có một cái nhìn tích cực về tương lai của ngành khách sạn ở Việt Nam và trên thực tế khi thấy đất nước cùng đoàn kết vượt qua đại dịch, quan điểm đó càng trở nên vững chắc hơn. Đặc biệt khi xét tới lượng lớn khách du lịch nội địa và du lịch nước ngoài cùng với khoảng cách lân cận đến những các quốc gia có lượng khách xuất ngoại lớn, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào sự phục hồi", ông Mauro Gasparotti cho biết.

Bên cạnh đó, Việt Nam với hình ảnh là một điểm đến an toàn, chi phí du lịch phù hợp cùng vẻ đẹp thiên nhiên phong phú đều là những lợi thế lớn và càng khẳng định niềm tin của về sự phục hồi trong thời gian sớm nhất.

Theo một báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Còn theo STR, đơn vị cung cấp dữ liệu về tình hình hoạt động kinh doanh khách sạn trên toàn cầu, trong tháng 2/2020, toàn khu vực châu Á -Thái Bình Dương đã ghi nhận mức sụt giảm về công suất trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia ghi nhận mức giảm đáng kể nhất. 

Công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Các thành phố trung tâm như TP.HCM và Hà Nội, mặc dù có sự sụt giảm, nhưng vẫn duy trì được mức công suất tương đối tốt, lần lượt là 48% (tại TP.HCM) và thậm chí ở mức cao hơn 60% (tại Hà Nội). 

Trong số các điểm đến ven biển, Đà Nẵng/Hội An chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất do những nơi này có sự phụ thuộc lớn vào nguồn khách nước ngoài cùng với lượng lớn nguồn cung gia nhập thị trường, dẫn tới tình trạng hiện nay nhiều dự án chỉ đạt mức công suất dưới 10%.

Thậm chí ở một số dự án chủ đầu tư còn xem xét việc tạm ngưng hoạt động trong thời gian tới. Tình trạng này cũng đang xảy ra tương tự ở Cam Ranh nhưng nhờ vào nhóm du khách Nga và khách nội địa, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại khu vực này vẫn duy trì được hoạt động.

Phú Quốc duy trì được mức công suất khoảng 40% trong tháng 2, tuy nhiên, việc tạm ngưng nhận các chuyến bay đã gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến công suất phòng tại đây.