22/11/2024 | 11:06 GMT+7, Hà Nội

EVN lên kế hoạch tăng giá điện 21,4 đồng/KWh

Cập nhật lúc: 07/01/2016, 06:50

Ngày 6/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên kế hoạch cho biết giá bán điện bình quân toàn tập đoàn năm 2016 dự kiến là 1.651,2 đ/kWh, tăng 21,2 đến 21,4 đồng so với giá điện bình quân năm 2015.

Trình bày báo cáo tổng kết năm 2015 tại doanh nghiệp sáng 6/1, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay đã đặt kế hoạch giá bán điện bình quân năm 2016 khoảng 1.651 đồng mỗi kWh. Trong khi đó, mức thực hiện của năm 2015 mà Bộ Công Thương đang quy định là 1.622 đồng.

Con số tại bản kế hoạch mới mà EVN đưa ra cũng cao hơn giá bán điện trung bình của tập đoàn năm qua hơn 20 đồng một kWh. Theo đó, giá điện bình quân toàn tập đoàn năm 2015 đạt xấp xỉ 1.630 đồng mỗi kWh (tăng 12,58 đồng so kế hoạch).

Nhờ vậy, doanh thu bán điện 2015 của EVN tăng thêm 1.800 tỷ đồng, trên tổng số 233.710 tỷ mà ngành nghề chính mang lại. Mức này đã tăng 18,5% so với một năm trước. Tại bản báo cáo cuối năm, EVN cho biết Công ty mẹ và 9 tổng công ty đều đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch song chưa tiết lộ con số cụ thể.

 

 

 

Khác với mọi năm, khi hội nghị tổng kết thường là dịp để tập đoàn đề xuất điều chỉnh giá bán điện, EVN lần này không đưa ra kiến nghị cụ thể nào về tăng giá. Thay vào đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ giữ ổn định giá khí trong bao tiêu và giá than đối với sản xuất điện. Lần gần nhất ngành điện được tăng giá bán lẻ là 16/3/2015 với mức 7,5%, tương đương 12,58 đồng mỗi kWh.

Trao đổi sau buổi tổng kết, đại diện EVN khẳng định tập đoàn chưa tính toán việc điều chỉnh giá điện, còn mức 1.651,2 đồng một kWh được đưa ra dựa trên các yếu tố sản lượng điện thương phẩm tăng, trong đó các thành phần phụ tải có mức giá cao như thương mại dịch vụ, quản lý và tiêu dùng dân cư dự kiến tăng trưởng mạnh.

EVN cũng cam kết trong năm tới sẽ điều hành hệ thống điện, thị trường phát điện cạnh tranh theo hướng kiểm soát chi phí khâu phát - mua điện để giảm chi phí. Tập đoàn phấn đấu đạt chỉ tiêu tổn thất điện năng còn 7,7%, giảm 0,3% so với mức đạt được năm qua.

Về kế hoạch sản xuất năm 2016, EVN dự kiến huy động khoảng 175,9 tỷ kWh, tăng 10,35% so với năm 2015. Trong đó, điện sản xuất là 81,9 tỷ kWh và điện mua là 93,98 tỷ kWh.

Trước đó, việc Chính phủ đồng ý để EVN điều chỉnh giá điện cũng gây ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia kinh tế. Theo Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên, về dài hạn, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết vì hiện nay, giá điện VN duy trì ở mức thấp khá lâu sẽ khiến ngành điện thiếu nguồn vốn đầu tư, phát triển nguồn điện, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế về dài hạn.

“Tuy nhiên, vấn đề là ngành điện phải công khai, minh bạch hơn nữa, loại bỏ ra những khoản chi phí bất hợp lý để tính toán điều chỉnh giá điện chính xác”, ông Thiên nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì đánh giá việc EVN chuẩn bị tới 3 phương án điều chỉnh giá điện cho thấy tập đoàn này chưa có sự chuẩn bị chắc chắn, đảm bảo tính chính xác của việc tăng giá điện.

“Chính phủ đã lựa chọn, đồng ý với phương án điều chỉnh giá điện thấp nhất là đã có sự cân nhắc mức giá điện nào là phù hợp với tình hình kinh tế, mức độ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân”, ông Ngô Trí Long nhận xét.

Trước đó, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng hiện nay có những sai lệch trong điều hành về giá.  “Ví dụ về giá điện, vấn đề không phải tăng giá điện bao nhiêu mà nằm ở chỗ cách thức họ muốn tăng giá. Bộ Công thương bảo vệ đề xuất tăng giá của EVN, thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Bộ lại bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”, ông nói.

Theo ông Cung, lẽ ra Bộ Công thương phải là cơ quan giám sát EVN độc quyền bằng cách rà soát, đánh giá chi phí sản xuất một cách độc lập, tham vấn các bên liên quan xem đề xuất của EVN có hợp lý không chứ không phải bảo vệ đề xuất này./.