19/01/2025 | 02:33 GMT+7, Hà Nội

Cách tính giá điện của EVN khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi

Cập nhật lúc: 04/07/2015, 12:16

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải có một sự cải cách về thể chế để tách EVN ra khỏi Bộ Công thương để bảo đảm quyền lợi của người dân và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng khi nước ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM, Bộ Công Thương và EVN cần xem lại biểu giá lũy tiến đang áp dụng có phù hợp với thu nhập của người dân hiện nay không. Theo ông, việc tính giá điện lũy tiến đang là vấn đề bức xúc của dư luận. Người dân có cơ sở để hoài nghi về các khuất tất trước các hóa đơn tiền điện cao bất thường.

TS Doanh cho rằng EVN nói giá điện trong nước còn thấp so với các nước rồi tăng giá. Tuy nhiên, giá điện của nước ta thấp hơn của các nước khác nhưng thu nhập của họ lại gấp nước ta rất nhiều lần. Vì vậy, EVN cần phải xem lại giá điện hiện nay có phù hợp không.

Ngoài ra, ông Doanh còn cho biết, không chỉ với hộ tiêu dùng, ngành điện đang đẩy khó khăn cho cả doanh nghiệp, nhất là các ngành thép, xi măng. Các doanh nghiệp này cũng đang cắn răng chịu giá điện cao. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

TS Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho rằng mức độ cạnh tranh của thị trường điện Việt Nam rất thấp. EVN đang độc quyền, ôm tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải đến bán lẻ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Cụ thể, EVN có rất nhiều nhà máy điện và các trung tâm điều độ điện quốc gia, tổng công ty truyền tải đều thuộc EVN. Nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào thị trường điện đều phải “qua tay” EVN để đấu nối vào hệ thống lưới điện.

Theo ông Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM) Thiết lập thể chế thị trường cạnh tranh là phải thay đổi cấu trúc cách thức quản lý. Có nhiều khái niệm như người vận hành thị trường, điều tiết thị trường, giám sát thị trường Việt Nam chưa có, hoặc có nhưng không độc lập.

Các cơ quan này cần đứng độc lập để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, của cộng đồng, và bảo vệ lợi ích người sản xuất. Cần tách biệt hệ thống truyển tải khỏi sản xuất, đây là hệ thống độc quyền tự nhiên nhà nước phải vận hành nó, để người sản xuất và người tiêu dùng có quyền bình đẳng như nhau và thuận lợi tiếp cận hệ thống truyền tải. Giá cả của nó phải là giá dịch vụ công ích.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Long cho rằng, việc lập biểu giá điện lũy tiến như hiện nay của Bộ Công Thương thực chất có tác dụng là để nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện một cách tiết kiệm hơn, khi mà nguồn cung điện thì chỉ có hạn mà nguồn cầu thì lại quá lớn.

Ngoài ra, chính đại diện của EVN cũng từng nói rằng, với biểu giá điện hiện nay (tức đã tăng 7,5% so với biểu giá điện của trước ngày 16/3/2015), doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong năm nay có thể sẽ tăng thêm 13.000 tỷ đồng, giúp bù đắp được phần nào khoản lỗ "khủng" gần 17.000 tỷ đồng từ những năm trước.

Tuy nhiên có thể thấy biểu giá điện lũy tiến với 6 bậc thang như hiện nay đang bộc lộ nhiều điểm bất cập, đặc biệt là người dân đang phải chịu nhiều thiệt thòi.

Theo ông Long, việc chia ra làm 6 mức bậc thang và mỗi bậc giới hạn từ 50 kWh đến 100 kwh là quá ít, trong khi từ bậc thứ 6 (tức tổng điện năng tiêu thụ trên 400 kWh) trở đi thì mức giá cho mỗi số điện lại quá cao, trên những 2.500 đồng/kWh.

Khi nào mới hợp lý?

Theo các chuyên gian ngành điện, việc tăng giá điện 7,5% từ ngày 16/3 vừa qua với biểu giá lũy tiến cao ngất ngưởng như hiện nay đều là do "nhà đèn" và Bộ Công Thương tự nghiên cứu và đề xuất, sau đó tự quyết mà không hề có sự trưng cầu ý kiến của người dân hay cũng như không có sự tham gia của bất kỳ một cơ quan nghiên cứu độc lập nào khác.

Hiện tại EVN đang chiếm thế "độc quyền" về điện nhưng vẫn phải chịu sự giám sát, quản lý của của Nhà nước, mà trực tiếp thực hiện là Bộ Công Thương. Tuy nhiên theo TS Ngô Trí Long, việc giám sát EVN của Bộ này dường như đang có sự lỏng lẻo và "thiên vị", hơn nữa có thể nói việc EVN và Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công thương cùng xây dựng chính sách giá điện chính như hiện nay là không hợp lý.

TS Lê Đăng Doanh.

TS Lê Đăng Doanh.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh cho rằng vì Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu lại vừa là quản lý kiêm giám sát nên mỗi lần EVN đề xuất tăng giá là hầu như Bộ không bao giờ từ chối.

Vì vậy cần phải có một sự cải cách về thể chế để tách EVN ra khỏi Bộ Công thương, để cho một cơ quan độc lập khác quản lý, giám sát (ví dụ như Quốc hội) thay vì là chủ sở hữu với chức năng giám sát hoạt động trực tiếp trên cùng một đơn vị như hiện nay.

Theo ông Doanh, ngay từ biểu giá điện cũng không nên để EVN tự tính toán và đề xuất rồi áp dụng. Thay vào đó cần phải có một cơ quan độc lập như Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cùng tham gia nghiên cứu và đề xuất giá điện, như vậy mới có được sự hợp lý, công bằng cho cả người dân và ngành điện.

Mặt khác, theo các chuyên gia, để có một sự hợp lý về giá điện và người dân được hưởng lợi nhiều hơn thì chỉ có xây dựng được một thị trường cạnh tranh trong việc sản xuất và mua bán điện.

Tuy nhiên hiện nay EVN vẫn còn đang đảmnhiệm một lúc nhiều chức năng trong thị trường điện, từ việc mua bán,điều động hệ thống cho tới truyền tải tải điện nên khiến cho việc xâydựng được một thị trường điện canh tranh trong nước vẫn còn vướng phảinhiều rào cản.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, dùthị trường phát điện Việt Nam đã được thí điểm từ năm 2004 nhưng đến naymức độ cạnh tranh vẫn còn rất thấp. Hằng năm, chỉ khoảng 48% tổng lượngđiện cung ứng được đưa ra đấu giá cạnh tranh.

TS. Nguyễn Đình Cung.

TS. Nguyễn Đình Cung.

Theo ông Cung, hiện nay đang tồn tại những mâu thuẫn về lợi ích trong hệ thống ngành điện nên thách thức với việc cải cách lại cấu trúc ngành là rất lớn, vì nó liên quan tới việc thay đổi cấu trúc về quyền lực và quyền lợi. 

Vì vậy cần phải có những kiến nghị hợp lý, tạo ra những áp lực đủ lớn từ bên ngoài để có sư thay đổi ngành điện, dựa trên những nghiên cứu về thị trường điện cạnh tranh và kinh nghiệm của các nước bạn. Có như vậy thì người dân mới bớt áp lực hơn về chi phí điện sinh hoạt, kinh doanh hàng ngày mà vẫn đảm bảo được sự phát triển của ngành điện trong nước.

Tuy nhiên trước mắt vẫn phải cần tính toán lại một biểu giá điện hợp lý hơn để tránh gây ra những '"cú sốc" cho người dân mỗi lần đến ngày thanh toán tiền điện.

Người dân cũng đang không ngừng đặt ra câu hỏi đến khi nào thì giá điện mới thực sự hợp lý, nhất là sau khi Thứ trưởng của Bộ Công Thương, ông Hoàng Quốc Vượng mới đây còn phát biểu rằng Bộ sẽ tiến hành nghiên cứu biểu giá điện mới theo hướng có lợi hơn cho cả người dân và cả ngành điện, sau đó trình lên Chính phủ thông qua trong năm nay./.