19/01/2025 | 07:25 GMT+7, Hà Nội

Năm 2016 có thể kiểm toán cách tính giá điện

Cập nhật lúc: 11/07/2015, 14:36

Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ quan này đang xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2016 để đưa vào kiểm toán những nội dung liên quan tới cách tính giá điện và đo chỉ số điện.

Ngày 10/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức buổi họp báo Công bố kết quả kiểm toán năm 2014 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2013. Tại đây, ông Đào Văn Dũng – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, hiện KTNN đang đang bắt đầu xây dựng kế hoạch kiểm toán cho năm 2016. Một trong các tiêu chí lựa chọn đầu mối, đơn vị để tiến hành kiểm toán là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Do đó, các vấn đề liên quan đến ngành điện sẽ được xây dựng trong kế hoạch kiểm toán năm 2016.

Ông Đào Văn Dũng khẳng định thêm, theo lịch thì đến ngày 31/12/2015 KTNN mới có kế hoạch kiểm toán 2016 và vấn đề này sẽ được lưu tâm.

Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay giá điện đã điều chỉnh tăng 8 lần và lần tăng giá gần đây nhất là 7,5% (Ngày 16/3/2015) - biên độ tăng giá lần này lớn hơn so với các lần trước. Chính vì thế đã khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy bức xúc.

Về biểu giá điện, trong văn bản mới công bố mới đây, Bộ Công thương cũng khẳng định giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam áp dụng giá điện theo bậc thang nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Theo cơ quan này, biểu giá bán lẻ điện được xây dựng phù hợp theo hướng không quy định quá nhiều bậc, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý theo dõi.

Theo Bộ Công thương, để minh bạch trong việc ghi chỉ số công ty điện, Điện lực Hà Nội cũng đang triển khai hình thức ghi chỉ số bằng máy tính bảng phối hợp với bộ thiết bị ghi chỉ số. 

Cách tính tiền điện sắp vào “tầm ngắm” của Kiểm toán Nhà nước. Ảnh minh họa.

Cũng tại buổi họp báo ngày 10/7, KTNN đã công bố kết quả kiểm toán chính sách điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2011-2013. KTNN kết luận, đầu năm 2011, việc điều hành giá bán xăng dầu và trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá chưa phù hợp, không đảm bảo mục tiêu bình ổn giá, làm chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.

Hầu hết các đầu mối nhập khẩu xăng dầu chưa tuân thủ đầy đủ quy định tại Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu (sản lượng nhập khẩu thấp hơn hạn mức, chưa đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày, mua xăng dầu của các đơn vi không phải là DN đầu mối),...

Tại buổi họp báo, ông Dũng cho biết, từ kết quả KTNN năm 2014 đối với biên độ 2013, KTNN kiến nghị Chính phủ xử lý tài chính 23.103,5 tỷ đồng. 

Cụ thể, các khoản tăng thu 4.669,4 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 4.497,8 tỷ đồng, tăng thu không thuộc NSNN 171,6 tỷ đồng (các quỹ ngoài ngân sách 2,2 tỷ đồng; bổ sung kinh phí và các quỹ 143,7 tỷ đồng; nộp trả cấp trên 18,2 tỷ đồng; các khoản phải nộp khác 7,5 tỷ đồng). 

Các khoản giảm chi 7.460,6 tỷ đồng. Các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm 3.142,2 tỷ đồng, trong đó nợ đọng thuế 92 tỷ đồng, nợ tiền sử dụng đất 2.673,9 tỷ đồng, nợ khác 376,3 tỷ đồng. 

Các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 7.799,5 tỷ đồng, trong đó: thu hồi các khoản cho vay, tạm ứng sai quy định 91,4 tỷ đồng, xử lý nộp NSNN các khoản tạm thu, tạm giữ đã quá hạn 98,7 tỷ đồng, các khoản ghi thu - ghi chi NSNN 933,3 tỷ đồng, khác 6.676,1 tỷ đồng.

Các khoản xử lý khác 31,8 tỷ đồng, trong đó điều chỉnh quyết toán của các đơn vị dự toán 30,8 tỷ đồng, khác 1 tỷ đồng./.