19/01/2025 | 02:06 GMT+7, Hà Nội

Tiền điện tăng đột biến: Bộ Công Thương nói gì?

Cập nhật lúc: 08/07/2015, 20:54

Chiều 7/7, Bộ Công thương đã có lý giải về nguyên nhân chủ yếu của việc hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao trong các tháng vừa qua (tháng 5, tháng 6) và biện pháp xử lý.

Ngành điện cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nói trên. Song, lý do chủ yếu được đưa ra là trùng với kỳ tính giá tháng 5 (thu trong tháng 6), Hà Nội phải chịu đợt nắng nóng kéo dài liên tục, dẫn tới sản lượng điện tiêu thụ để phục vụ làm mát tăng cao.

Cụ thể với tháng 6/2015, trong hơn 2,1 triệu khách hàng của EVN Hà Nội, có gần 30% số hộ có mức tiêu thụ điện tăng từ 1,5 lần trở lên so với tháng 5, tương đương gần 685.000 hộ. Đây cũng là hiện tượng phổ biến trong những năm trước (sản lượng cùng kỳ năm 2013 và 2014 đều tăng 29-33%).

Ở quy mô rộng hơn, ngành điện tính toán sản lượng tiêu thụ điện bậc thang trong tháng 6 của cả nước trong 2 năm đều cao hơn so với tháng 3 hằng năm 36,7-44,4%, trong khi con số trung bình của các tháng 4 và 5 chỉ là 10,6-23,8%. 

Ngoài lý do nêu trên, báo cáo cũng nhắc tới một số nguyên nhân được dư luận đề cập như cách tính giá điện bậc thang, hay điều chỉnh biểu giá từ 16/3... song không đề cập trong phần nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc người dân phải chi thêm tiền điện. 

 

Thời tiết nắng nóng vẫn là lý do chính khiến tiêu thụ điện tăng mạnh thời gian qua.

Thời tiết nắng nóng vẫn là lý do chính khiến tiêu thụ điện tăng mạnh thời gian qua.

 

Về điều chỉnh biểu giá, ngành điện cho rằng đây là quyết định được cơ quan quản lý cấp trên quyết định, được các bộ, ngành thống nhất, tính toán tác động đến GDP, CPI... và đã có phương án hỗ trợ hộ nghèo... Tuy nhiên, trừ việc tăng giá thành sản xuất một số ngành không quá 0,6%, báo cáo không đưa ra tính toán việc điều chỉnh này tác động trực tiếp ra sao đến hóa đơn hằng tháng.

Liên quan đến cách tính bậc thang mới, Bộ Công Thương bảo lưu quan điểm cho rằng đây cách tính phổ biến trên thế giới, nhằm mục tiêu khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Báo cáo so sánh các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines... đều áp dụng giá lũy tiến và chia ra 8-10 bậc thang.

“Biểu giá bán lẻ được xây dựng phù hợp, theo hướng không quy định quá nhiều bậc thang, qua đó tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý theo dõi”, đại diện ngành điện giải thích.

Trước đó, trong kỳ thu tiền điện giữa tháng 6, phản ánh của các hộ gia đình tại Hà Nội cho thấy nhiều hóa đơn tăng cao bất thường, phổ biến khoảng 30-100%. Cá biệt có những trường hợp tăng 3-4 lần. Đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) khi ấy thừa nhận hiện tượng hóa đơn điện sinh hoạt tăng cao khá phổ biến, với nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng, dẫn đến tiêu thụ tăng. 

Trong tháng 5, sản lượng điện tiêu thụ trung bình của miền Bắc tăng 17%, riêng Hà Nội tăng 28% so với trước. Đặc biệt, những ngày cuối tháng, sản lượng tiêu thụ của thành phố tăng cao trên 10% so với đỉnh điểm của 2014, thậm chí đã đạt mức kỷ lục 61,48 triệu kWh (ngày 29/5).

Hiện nay, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) đã chỉ đạo các đơn vị chủ động làm việc với các cơ quan báo chí để có được địa chỉ chính xác của khách hàng thắc mắc để kiểm tra, xử lý kịp thời.

Bộ cũng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Tổng Công ty Điện lực kiểm tra lưới để bảo đảm không xảy ra sự cố quá tải khi nắng nóng, không tiến hành sửa chữa trong những ngày nắng nóng; chỉ đạo không đưa lịch thay đồng hồ đo điện định kỳ trong thời gian nắng nóng...

Trước bức xúc của người dân vì tiền điện tăng đột biến trong 2 tháng gần đây, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trong năm nay sẽ điều chỉnh lại cách tính biểu giá điện, theo hướng giảm số thang giá. Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cách tính giá điện đang có vấn đề./.