25/11/2024 | 18:11 GMT+7, Hà Nội

Đường trục kinh tế biển 5.000 tỷ đồng vào cao tốc Cầu Giẽ: Nam Định quá ẩu?

Cập nhật lúc: 18/01/2019, 21:50

Dự án đường nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được tại sao được tỉnh phê duyệt khi chưa có bản đồ quy hoạch, chi phí chỉ tạm tính, chưa cân đối nguồn vốn; công tác lập, thẩm định và phê duyệt bản vẽ thi công còn nhiều vấn đề,…?

Lễ khởi công trục đường nối vùng kinh tế ven biển với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ngày 23/12/2017

Lễ khởi công trục đường nối vùng kinh tế ven biển với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ngày 23/12/2017

Dự án đường nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình(gọi tắt là Dự án) có tổng mức đầu tư lên tới gần 5.000 tỷ đồng, dù mới trong giai đoạn đầu mà đã để xảy ra nhiều tồn tại trong quá trình thực hiện.

Về cơ bản các đơn vị có liên quan đã tuân thủ pháp luật, chính sách, chế độ về quản lý đầu tư xây dựng, chế độ tài chính, kế toán và các chính sách pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, đối với một dự án lớn, bản đồ quy hoạch là cở sở để thực hiện dự án, nhưng Nam Địnhchưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ đầy đủ thông tin về Dự án (đoạn từ cầu Thịnh Long đến KCN Rạng Đông) làm cơ sở cho việc phê duyệt đầu tư dự án hiện tại.

Dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 17/3/2017, với tổng mức đầu tư hơn 4.986 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến đường 46km. Được biết, dự án cũ đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt từ ngày 31/10/2014 với tổng dự toán 1.119 tỷ đồng.

Thời điểm Dự án khả thi được phê duyệt khi chưa có bản đồ quy hoạch, sau đó đến ngày 22/11/2017 mới được bổ sung cập nhật bản đồ quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 định hướng đến 2030.

Không chỉ "ẩu" trong việc lập bản đồ quy hoạch mà Nam Định để tổng mức đầu tư được phê duyệt tính chi phí dự phòng và chi phí giải phóng mặt bằng thiếu cơ sở,... chỉ là tạm tính.

Ngoài ra, công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế dự án, tổng dự toán phê duyệt bằng 98,1% giá trị tổng mức đầu tư giai đoạn I là chưa thực hiện đúng nghị quyết về việc tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư. Chưa hết, dự toán một số gói thầu thực hiện chưa đúng nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định chỉ đồng ý giao Sở GTVT làm việc, thống nhất với các đơn vị liên quan kế thừa, sử dụng vào dự án.

Hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp quy định không điều chỉnh đơn giá cho các khối lượng công việc trong hợp đồng tương ứng với số tiền đã tạm ứng hợp đồng là chưa phù hợp; không được phép áp dụng điều chỉnh thuế là chưa phù hợp với hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Các gói thầu được kiểm toán nội dung ghi chép nhật ký thi công không mô tả diễn biến điều kiện thi công (nhiệt độ, thời tiết), số lượng nhân công, thiết bị do nhà thầu thi công xây dựng huy động để thực hiện thi công tại hiện trường.

Được biết, hơn một năm trước, ngày 23/12/2017, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ động thổ giai đoạn 1 đường nối trục vùng kinh tế biển Nam Định và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Khi đó, ông Trần Văn Công, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định cho biết, tuyến đường trục nối vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dài 46km, đi qua 17 xã, thị trấn của huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng (Nam Định). Trong đó, đoạn từ nút giao Cao Bồ đến cầu Thịnh Long dài 36,4km, quy mô đường cấp II đồng bằng, mặt đường 4 làn xe cơ giới. Đoạn đường từ cầu Thịnh Long đến KCN Dệt Rạng Đông dài 9,6km, quy mô đường đô thị là chủ yếu, mặt đường 6 làn xe cơ giới.

Riêng cầu Đống Cao vượt sông Đào phối hợp với Bộ GTVT đầu tư xây dựng trong dự án tín dụng cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các tuyến quốc lộ. Căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn, dự án được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn I từ nay đến năm 2020 thực hiện đầu tư những đoạn tuyến chưa có tuyến, tổng chiều dài khoảng 31,4 km, giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng hoàn chỉnh nền đường, cầu cống…

Cũng trong buổi lễ động thổ, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, đây là tuyến đường sẽ góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai địa phương và khu vực; đồng thời nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Bắc Nam. Đồng thời, kết nối với hệ thống giao thông khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia về đường biển, đường thủy nội địa với hệ thống đường quốc lộ và cao tốc quốc gia, phát huy hết vai trò và hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai như: Dự án cầu Thịnh Long, dự án đào kênh thay thế kênh Quần Liêu nối sông Đáy và sông Ninh Cơ (WB6), KCN Dệt may Rạng Đông đang hình thành trong tương lai…

Ông Hà Xuân Bình, Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Trường (đơn vị thi công) cho biết, thời gian thực hiện hợp đồng xây lắp giai đoạn 1 của dự án là 34 tháng. Đơn vị cam kết sẽ tập trung nhân lực, máy móc, nguyên vật liệu và có giải pháp thi công tiên tiến để dự án được thực hiện đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, sớm đi vào hoạt động để phát huy hiệu quả thực tế.