19/01/2025 | 09:28 GMT+7, Hà Nội

Số phận chông chênh “đại gia đất” Phú Quốc

Cập nhật lúc: 18/01/2019, 13:50

Ở nơi luật lệ về đất đai bị một số cán bộ công quyền bóp méo, ở nơi mỗi tấc đất đều có thể bị các dự án bất động sản nhòm ngó chiếm đoạt, thì số phận của những người có đất càng chông chênh hơn bao giờ hết, hôm nay “đại gia đất”, mai có thể trắng tay…

Gần 20 năm trước, ông Đỗ Văn Thơ (SN 1957, ngụ TP.HCM) sau một lần ra thăm đã lưu luyến vùng đất Phú Quốc khi ấy còn hoang sơ. Xuất thân từ một gia đình nông dân quê Hưng Yên, sau hàng chục năm bươn chải từ Bắc chí Nam, ngày nghỉ hưu ông ôm mộng làm nông dân trên vùng đất mới. Gom tiền bạc cả đời chắt chiu, ông mua khu đất tại ấp 2, thôn Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Những cơn thăng trầm của thị trường đất đai, những cơn sốt đất ập tới huyện đảo, đều không làm ông bận tậm. Ông không đầu cơ, không “lướt sóng” đất, ở tuổi 60 chỉ mong khởi nghiệp trên mảnh đất của mình. Cuối những năm 2000, khi khu đất được công bố thuộc quy hoạch Khu du lịch ven biển, ông càng vui mừng. Mô hình đầu tư du lịch sinh thái của ông chứng tỏ đã đi đúng hướng, phù hợp tầm nhìn cơ quan chức năng.

Dự án của 99 Núi xâm phạm phần đất ông Thơ

Dự án của 99 Núi xâm phạm phần đất ông Thơ

Vụ kiện chấn động “điểm nóng” đất đai

Ai ngờ khát vọng khởi nghiệp chính đáng trên mảnh đất của ông lại khó khăn đến vậy, chỉ vì quy định pháp luật đất đai bị địa phương bóp méo. Đầu năm 2011, khu đất của ông bị huyện “âm thầm” thu hồi giao cho Công ty Cổ phần 99 Núi xây dự án Sunset Sanato kinh doanh thương mại. Gọi là “âm thầm”, vì quyết định thu hồi không đến tay ông, thậm chí văn bản cẩu thả đến mức sổ đỏ đứng tên hai cha con ông, nhưng quyết định còn ghi thiếu tên một người.

“Thu hồi đất dân giao doanh nghiệp kinh doanh kiếm lời mà không thông báo, không thỏa thuận bồi thường, khác gì cướp đất”, ông Thơ kể lại.

Thời gian đó ông đang vào đất liền có việc, khi trở ra đảo thì thấy dự án đã xây lấn vào đất của mình. Rất nhiều đơn kêu cứu, khiếu nại đã được gửi đi. Huyện khi đó mới “sửa sai” bằng cách… giao quyết định thu hồi đất ban hành từ trước đó vài năm cho cha con ông. Dự án chiếm đất thì vẫn ngang nhiên xây ngày càng lớn hơn, cao hơn, kiên cố hơn trên đất nhà… người khác.

Ông Thơ quyết định đưa sự việc ra tòa. Ngày 27/5/2016, TAND huyện Phú Quốc mở phiên xử vụ việc. Bị đơn là UBND huyện Phú Quốc (người đại diện theo ủy quyền là Phó phòng Tài nguyên & Môi trường Trương Thành Tấn), bên liên quan là 99 Núi.

Hồ sơ phiên tòa cho thấy trong các cuộc làm việc, UBND Phú Quốc thừa nhận các quyết định thu hồi đất sai về đối tượng. Tuy nhiên huyện khăng khăng “trên địa bàn huyện không có trường hợp nào thu hồi đất giao cho nhà đầu tư mà người có đất thỏa thuận giá đền bù với nhà đầu tư, chỉ căn cứ theo bảng giá đất hàng năm tỉnh ban hành để tính giá trị bồi thường”.

Đại diện 99 Núi thừa nhận đất của cha con ông Thơ, công ty này đã xây dựng, san lấp mặt bằng một phần. Không nhắc gì đến sai phạm của mình, đến trách nhiệm với chủ đất, công ty này “đổ thừa” trách nhiệm cho huyện, nêu quan điểm “việc cha con ông Thơ kiện UBND huyện Phú Quốc, công ty không ý kiến”.

Phán quyết của tòa án đã chỉ rõ lập luận của huyện là sai, rằng mỹ từ “áp dụng theo luật” của huyện chỉ là “luật ngầm”. Tại phiên tòa, HĐXX đã chỉ ra những sai phạm của Phú Quốc trong vụ việc, sai từ đối tượng trong các quyết định, sai về quy trình khi đo đạc thực địa mà không có mặt chủ đất, sai đến việc áp dụng pháp luật khi thu hồi đất.

Tòa nêu rõ: “UBND huyện Phú Quốc xác định trường hợp thu hồi đất với cha con ông Thơ để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án nên căn cứ vào giá đất do UBND tỉnh Kiên Giang ban hành tại thời điểm thu hồi đất làm căn cứ bồi thường là chưa đủ cơ sở. Mục đích thu hồi đất của huyện Phú Quốc với cha con ông Thơ không thuộc trường hợp thu hồi theo quy định tại Điều 39 Luật Đất đai năm 2003”. Nói cách khác, muốn thu đất của ông Thơ giao 99 Núi kinh doanh kiếm lời, thì phải thỏa thuận giá cả hợp lý với ông.

Tòa chấp nhận đơn khởi kiện của ông Thơ, tuyên hủy các quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với ông Thơ. Bản án không bị kháng cáo kháng nghị, có hiệu lực thi hành. Ngày 28/10/2016 Chánh án TAND huyện ra quyết định buộc Chủ tịch UBND huyện thi hành bản án.

Sau ngày thắng kiện, ông Thơ rào lại đất, nên nay mới có cảnh gà đẻ trứng trong công trình dự án lấn đất

Sau ngày thắng kiện, ông Thơ rào lại đất, nên nay mới có cảnh gà đẻ trứng trong công trình dự án lấn đất

Động thái bất ngờ hòng “xóa cờ đánh lại”

Thắng kiện, nhưng niềm vui qua nhanh với ông Thơ, vì bản án vẫn chỉ nằm trên giấy. Công trình lấn chiếm vẫn giữ nguyên trạng. Cuối tháng 5/2018, hai năm sau ngày thua kiện, Phú Quốc đã không chấp hành bản án, một lần nữa ra văn bản đòi thu đất của ông Thơ, không thỏa thuận bồi thường.

Nói “bản án vẫn chỉ nằm trên giấy”, vì căn cứ theo biên bản làm việc ngày 24/1/2018 giữa UBND huyện và ông Thơ, sự việc được diễn giải theo một hướng hoàn toàn khác, và rất mâu thuẫn. Ông Phan Văn Cường, Phó Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc nói: “Khu vực nào đã có hạ tầng kỹ thuật sẽ ưu tiên cho người có đất đầu tư dự án”. Vậy cha con ông Thơ là người có đất, sao không được ưu tiên?

Đặc biệt, ông Trương Thành Tấn, Phó Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện, là người đại diện của huyện trong vụ án và đã từng có đơn xin vắng mặt trong phiên xử, nay sau khi bản án đã có hiệu lực mới bất ngờ đưa ra một “lập luận”. “Lập luận” này không đếm xỉa đến Luật Đất đai, đến bản án đã có hiệu lực của tòa, mà viện dẫn ra một văn bản dưới luật được cho là ban hành từ năm 2010, trong đó được cho là có nội dung “Phú Quốc là khu chức năng, không đàm phám giữa chủ sử dụng đất và nhà đầu tư” (có lẽ huyện cẩu thả ghi nhầm đàm phán thành đàm phám - PV).

Ông Thơ đã phải thốt lên chua chát trong cuộc họp hôm ấy: “Qua ý kiến các anh, buổi tiếp dân hôm nay tập trung bảo vệ Công ty 99 Núi, chưa ủng hộ người dân. Các anh không đề cập đến sai phạm của 99 Núi để rút kinh nghiệm cho các dự án khác”.

Nhớ lại sự việc, dường như ông Thơ vẫn giữ nguyên nỗi phẫn nộ: “UBND huyện và 99 Núi cố tình chiếm đoạt đất của tôi bằng được. Vụ việc đã có bản án nhân danh pháp luật, nhân danh Nhà nước tuyên rõ đúng sai, vẫn bị các nhóm lợi ích coi thường”.

Một “bốt canh đất” ông Thơ dựng lên canh chừng dự án lấn đất

Một “bốt canh đất” ông Thơ dựng lên canh chừng dự án lấn đất

Nguy cơ bất ổn từ “điểm nóng” âm ỉ

Thời gian 8năm đã trôi qua, bao cung bậc cảm xúc đã trải qua, ông Thơ đôi mắt vẫn chỉ ánh lên một niềm tin sắt đá: “Tôi chỉ sợ pháp luật”. Sau ngày thắng kiện, ông rào lại phần đất, lại nuôi gà đẻ trứng, chăm đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, xua những bầy lợn mẹ lợn con ủn ỉn kiếm ăn… Hồ bơi dự án 99 Núi lấn đất, ông vạch ranh rõ ràng, căng dây thép gai trên mặt nước, đặt biển cảnh báo “Đất có chủ quyền”.

Máy xúc của 99 Núi (màu vàng) bị ông Thơ tố vào phá hoại tài sản

Máy xúc của 99 Núi (màu vàng) bị ông Thơ tố vào phá hoại tài sản

Lối vào nhà ông Thơ nay barie chặn cổng 24/24h, các cháu trai đều được ông gọi từ quê ra Phú Quốc cậy nhờ canh đất, trong nhà nay chỉ lố nhố rặt bóng đàn ông. Mắt vẫn liếc lên dãy màn hình camera bốn phương tám hướng canh chừng không cho dự án lấn thêm của mình một mét đất nào, giọng ông buồn buồn: “Tôi đâu có muốn “xù lông” như thế. Nhưng luật pháp rất rõ ràng, đã có bản án, mà địa phương và dự án lấn đất vẫn không thực hiện, tôi chỉ còn cách tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”.

Lời người đàn ông đúc kết sau gần 20 năm gắn bó với mảnh đất Phú Quốc: “Nếu quy định pháp luật bị cán bộ thực thi bóp méo, thì từ “đại gia” đến trắng tay chỉ là ranh giới mong manh. Hôm nay có cả ngàn m2 đất, mai có thể chẳng còn gì, bị đẩy ra đường chỉ vì một quyết định thu hồi đất sai trái, vô tội vạ”.

Ngày 6/1/2019, dù chỉ xây bức tường chống trộm trên đất của mình, ông Thơ vẫn bị huyện cho lực lượng đến tháo dỡ (Hình bạn đọc cung cấp)

Ngày 6/1/2019, dù chỉ xây bức tường chống trộm trên đất của mình, ông Thơ vẫn bị huyện cho lực lượng đến tháo dỡ (Hình bạn đọc cung cấp)

Hỏi 8năm rồi, nay đã 62 tuổi, khát vọng khởi nghiệp có vì những “cú sốc” như thế này mà bị dập vùi, ông nhắc lại: “Tôi chỉ sợ pháp luật”. Ông đưa chúng tôi xem xấp tài liệu, rất nhiều cơ quan đã có văn bản chỉ đạo Kiên Giang và Phú Quốc làm rõ, báo cáo sự việc: Từ Văn phòng Ban chấp hành TW Đảng, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường… Người đàn ông nở nụ cười hiếm hoi sau câu chuyện rất dài: “Huyện đảo dù cách trở địa lý, nhưng không phải là một “vương quốc tự tung tự tác”. Tôi tin câu chuyện sẽ được Trung ương xử lý thấu đáo, đúng pháp luật, để những người có đất không phải mỗi sáng thức dậy lại lo lắng số phận chông chênh”.

Ông Thơ cho rằng từ tháng 8/2018 đến nay, luôn bị “xã hội đen” chưa rõ do ai thuê mướn đến rình rập, vác hung khí đuổi chém. Bất thường hơn nữa, ngày 26/12/2018, ông nhận được thông báo phải tự tháo gỡ một phần hàng rào trên đất của ông giao 99 Núi sử dụng. Sau đó một đoàn người không giấy tờ quyết định gì vẫn đến phá gỡ, cưỡng chế trong lúc ông vắng nhà, lấy đi một số tài sản như hàng rào, cổng thép trắng…

Chỉ ít bữa sau đó, ngày Chủ nhật 6/1/2019, dù là ngày nghỉ, khi ông Thơ cho xây bức tường trên đất nhà mình nhằm bảo vệ tài sản, đoàn hàng chục người đủ sắc phục lập tức kéo đến, không một mẩu giấy, “huy động” cả máy xúc của 99 Núi đến đập phá công trình…

Trong đoàn “cưỡng chế” này, có cả vị Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Lê Quang Minh mặc quần đùi, đi dép kẹp, có mùi bia rượu… Gia đình ông Thơ phản đối quyết liệt, phải đến khi Trưởng Công an huyện có mặt, lập biên bản, đoàn người mới giải tán và 99 Núi bỏ lại chiếc máy xúc tại hiện trường.

Hà Anh