21/01/2025 | 14:39 GMT+7, Hà Nội

Đơn vị xả thải trên 1.000 m3/ngày phải có hồ sinh học để lưu giữ nước thải

Cập nhật lúc: 11/05/2017, 08:42

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường quy định: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh có lưu lượng xả thải từ 1.000 m3/ngày trở lên bắt buộc phải có hồ sinh học để lưu giữ nước thải sau xử lý, phòng ngừa sự cố môi trường.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã có buổi làm việc với Tổng cục Môi trường đề nghị khẩn trương tập trung triển khai ngay một số công việc trong tháng 5/2017.

Tại buổi làm việc, ​Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Môi trường triển khai các đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường theo Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 đã được Bộ trưởng ban hành.

Trong đó tập trung thanh tra các cơ sở có nguồn thải lớn, gần biển hoặc các lưu vực sông có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ảnh minh họa.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Môi trường khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường và sớm tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý đối với dự thảo.

Điểm mới tại dự thảo lần này là quy định bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có lưu lượng xả thải từ 1.000 m3/ngày trở lên phải có hồ sinh học để lưu giữ nước thải sau xử lý, phòng ngừa sự cố môi trường để xem xét, quy định trong dự thảo Nghị định.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng cũng giao Tổng cục Môi trường dự thảo văn bản của Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng các điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, các bãi xử lý rác thải ô nhiễm cần xử lý để có chỉ đạo kịp thời; khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thành dự thảo Báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước để gửi đại biểu Quốc hội.

Trong đó lưu ý nội dung đề xuất Quốc hội xem xét, tăng nguồn chi ngân sách cho bảo vệ môi trường lên 1,5 hoặc 2%/năm trong tổng chi ngân sách Nhà nước; đồng thời cân đối lại tỷ lệ phân bổ cho các cơ quan ở Trung ương và địa phương theo tỷ lệ 20 - 80%.

Tình trạng doanh nghiệp sản xuất xả thải gây ô nhiễm môi trường ngày càng "nhức nhối" hơn trong những năm gần đây khi số vụ phát hiện sai phạm và xử phạt ngày càng tăng cao.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200 triệu đồng đối với hành vi xả trái phép nước thải không qua xử lý vào hệ thống thoát nước mưa của khu công nghiệp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Yestech Vina thuộc Khu công nghiệp Quế Võ.

Trước đó, vào ngày 5/5, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty CP Giải trí quốc tế Lợi Lai về hành vi vi phạm hành chính xả thải ô nhiễm vào nguồn nước sông Ka Long. Với kết quả kiểm tra chỉ tiêu amoni vượt 2,06 lần và coliform vượt 28 lần cho phép, công ty Lợi Lai phải chịu mức phạt hành chính là 280 triệu đồng.