Bộ Công thương yêu cầu tổng công ty, tập đoàn báo cáo về công tác bảo vệ môi trường
Cập nhật lúc: 06/01/2017, 21:48
Cập nhật lúc: 06/01/2017, 21:48
Như vậy, tiếp theo chỉ thị số 11 ban hành ngày 19/10/2016, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể.
Theo đó, ngoài việc thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp; phát động cuộc thi bảo vệ môi trường trong toàn ngành Công Thương trên Cổng Thông tin tại địa chỉ moit.gov.vn... Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá kết quả cải tiến quy trình vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện trong quá trình khởi động lò hơi tại Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 trên phương diện bảo vệ môi trường xét tới yếu tố an toàn, phòng chống cháy nổ.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm không khí trong quá trình khởi động lò báo cáo kết quả về Bộ Công Thương trước tháng 6/2017.
Tập đoàn này có trách nhiệm đánh giá kết quả thực hiện công tác truyền thông tại nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình truyền thông nhằm thông tin đầy đủ về hoạt động của nhà máy nhiệt điện, công tác bảo vệ môi trường tới người dân khu vực xung quanh.
Chỉ đạo, đôn dốc Nhiệt điện Duyên Hải 1 hoàn thiện việc xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trước tháng 3/2017.
Ngoài ra, yêu cầu Tập đoàn Điện lực chỉ đạo các đơn vị nhiệt điện rà soát chuẩn hóa các biện pháp, giải pháp vận chuyển và đổ thải nhằm bảo đảm lưu giữ tro xỉ an toàn và không phát tán ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Chỉ đạo Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh nghiên cứu xây dựng đề án cải tạo hệ thống nước làm mát bình ngưng trong điều kiện thực tế về dòng chảy nguồn nước thay đổi có tính tới trường hợp khi Nhà máy nhiệt điện Thăng Long đi vào hoạt động và cùng sử dụng nguồn nước làm mát.
Đối với các dự án đang xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần chỉ đạo các Ban Quản lý Dự án phối hợp chặt chẽ với nhà thầu tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành thử nghiệm.
Bộ Công thương yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cần chỉ đạo Công ty Cổ phần DAP 1, 2 gia cố các bãi thải gyp để tránh sạt lở, phát tán bụi, khí, đảm bảo an toàn, môi trường trong mùa mưa bão. Thực hiện giải pháp quản lý, xử lý bã thải gyp theo đúng cam kết về bảo vệ môi trường.
Chỉ đạo Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao xử lý triệt để nước thải phát sinh đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường, báo cáo Bộ Công Thương trước tháng 6 năm 2017.
Yêu cầu các đơn vị thành viên ký hợp đồng quan trắc với các đơn vị có chức năng quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các đơn vị thành viên lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải, khí thảo theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu.
Còn đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo Công ty Nhiệt điện Vũng Áng 1 hoàn thành việc xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, triển khai các biện pháp quản lý tro xỉ theo đúng quy định.
Chỉ đạo các đơn vị thành viên rà soát, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về những thay đổi so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và đôn đốc việc xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường của các dự án trước khi đi vào vận hành chính thức. Đối với các dự án đang xâu dựng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần chỉ đạo các Ban Quản lý Dự án phối hợp chặt chẽ với nhà thầu tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành thử nghiệm.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Cần rà soát công tác quản lý các bãi thải, hồ thải quặng đuôi nhằm đảm bảo an toàn, đặc biệt trong các điều kiện thời tiết mưa, bão.
Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng và Ban Quản lý Dự án Alumin Nhân Cơ hoàn thành việc xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.
Đối với Tổng Công ty Thép Việt Nam: Cần yêu cầu các đơn vị thành viên tăng cường quản lý tro xỉ và bụi lò thép theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu, đặc biệt là bụi lò thép phát sinh trong quá trình sản xuất théo từ phế liệu.
Đồng thời chỉ đạo Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên thực hiện việc cải tạo hệ thống dập cốc để giảm thiểu việc phát tán ô nhiễm từ quá trình dập cốc.
Đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Cần chỉ đạo Trung tâm xử lý nước thải Khu Công nghiệp dệt may Phố Nối chấm dứt ngay tình trạng nhiều lần xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường, thực hiện cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải và nhanh chóng hoàn thành các yêu cầu theo quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Tổng cục Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên. Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty nghiêm túc thực hiện các nội dung, báo cáo kết quả tình hình thực hiện về Bộ trước ngày 30/6/2017.
Được biết, hiện ngành Công Thương có 64 cơ sở đã có Quyết định chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm theo Quyết định số 64/2003/Q Đ-TTg; 7 cơ sở đã cơ bản hoàn thành yêu cầu xử lý theo Quyết định số 64/2003/Q Đ-TTg nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận.
Trong đó, 5 đơn vị đã ngừng hoạt động hoặc ngừng hoạt động bộ phận gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định 64/2003/Q Đ-TTg (Công ty Dệt Đông Nam, Công ty Đúc số 1, Nhà máy Thép Tân Thuận, Xí nghiệp Da Bình Lợi, Công ty Cổ phẩn Bột và Giấy Hòa Bình); 2 đơn vị đã cơ bản hoàn thành yêu cầu xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 64/2003/Q Đ-TTg và gửi hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh/thành phố liên quan đề nghị xác nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/ QĐ-TTg (Mỏ Crom Cổ Định, Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Phòng).
19:37, 20/12/2016
05:35, 17/12/2016
09:50, 21/11/2016
11:20, 17/11/2016