22/11/2024 | 01:14 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng “kêu cứu”

Cập nhật lúc: 11/06/2023, 18:57

Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng từ thép, gạch, xi măng, kính, bê tông... đang trong bối cảnh khó khăn và có nguy cơ phá sản vì tiêu thụ giảm, nợ đọng xây dựng tăng cao.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng nguy cơ phá sản

Ngành vật liệu xây dựng như: Xi măng, sắt thép, bê tông, gốm sứ xây dựng... đang lâm vào cảnh khó khăn do thị trường bất động sản “đóng băng”, kỳ vọng vào đầu tư công vẫn chưa khởi sắc, các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa được khơi thông, điện gió, điện năng vẫn còn gặp khó…

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Hơn một năm qua, các doanh nghiệp ngành thép vật lộn với khó khăn, lợi nhuận sụt giảm. Sản xuất thép thô 4 tháng đạt 5,998 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ đạt 6,142 triệu tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu thép thô giảm 78% so với cùng kỳ 2022 với sản lượng xuất khẩu là 518 ngàn tấn.

Riêng đối với thép xây dựng: Sản xuất thép xây dựng 4 tháng đầu năm 2023 đạt 3,447 triệu tấn, giảm 26,4% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng đạt 3,362 triệu tấn, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 517 ngàn tấn, giảm 41,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, giá thép liên tục giảm, từ 8/4 đến nay, giá thép trong nước đã có 9 phiên giảm liên tiếp, giá thép đã trở về đáy của 3 năm trước. Ngược lại chi phí sản xuất tăng, khi giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao, nhu cầu thép yếu Ngành thép đang đối diện khó khăn biên lợi nhuận thép thu hẹp

Doanh thu toàn ngành 6 tháng đầu năm nay ước giảm 70 - 80% so với cùng kỳ, đánh dấu một thời kỳ suy giảm dài và liên tục.

Ông Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: 5 tháng đầu năm sản lượng ngành xi măng sụt giảm 20%. Cái khó lớn nhất đối với ngành xi măng hiện tại là không tiêu thụ được sản phẩm do tắc nghẽn đầu ra, trong đó có sự tắc nghẽn trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Khi chi phí đầu vào và logistic tăng. Nguồn hỗ trợ từ chính sách, ví dụ như sử dụng chất thải làm nguyên, nhiên liệu, điện thay thế (khó khăn về thủ tục triển khai, ưu đãi vay vốn/thuế các ưu đãi khác của Nhà nước,…). Và thuế xuất khẩu clinker tăng dẫn tới gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước.

Các doanh nghiệp Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam còn đối mặt với nguy cơ phá sản. Đại diện Hiệp hội này cho biết, hiện lượng tồn kho nội địa các sản phẩm của Hiệp hội lên tới 18 - 20%, các doanh nghiệp liên tục phải giảm sản xuất. Thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế nên thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ. Nếu điều này không được tháo gỡ nguy cơ phá sản của một lượng đáng kể doanh nghiệp gốm sứ xây dựng là hiện hữu.

Đầu tư công - vốn được coi là nguồn lực dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển - hiện giải ngân rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt gần 14,7% kế hoạch năm. Mức này mới đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ 2022 (18,48%). Sẽ rất khó có đột phá tăng trưởng GDP trong quý II.
Đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn

Trước những khó khăn trước mắt và lâu dài của thị trường vật liệu xây dựng, các Hội, Hiệp hội đã cùng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm gỡ điểm nghẽn.

Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam kiến nghị, cần đẩy mạnh đầu tư công để đạt 95 - 100% của kế hoạch năm 2023. Chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở và khẩn trương đơn giản thủ tục cho gói 120.000 tỷ đồng để dân được vay vốn kịp thời.

Mục đích để doanh nghiệp có dòng vốn hoạt động, trong điều kiện dù giá bán sản phẩm có thể thấp nhưng doanh nghiệp vẫn bảo toàn được vốn đủ điều kiện tiếp tục vay.

Sự phát triển của các ngành năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho các doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay. Cụ thể, trong cấu thành chi phí đầu tư cho một dự án điện gió, chi phí để sản xuất tua bin gió chiếm hơn 60%. Bên cạnh đó, tua-bin gió chủ yếu được làm từ thép, với 66 - 79% tổng khối lượng.
Đại diện Hiệp hội thép Việt Nam VSA cũng kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế VAT cho các sản phẩm thép từ 10% xuống 8%. Bên cạnh đó, xem xét hạ lãi suất và ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất. Kiến nghị cơ quan Nhà nước tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp thép xuất khẩu các mặt hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, ống thép hàn đã đáp ứng đủ nhu cầu thép trong nước...

Ông Lương Đức Long, cũng đưa ra những kiến nghị để gỡ khó cho ngành Xi măng. Tích cực sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần hỗ trợ xuất khẩu bằng cách giảm hoặc tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker. Tiếp đó, cần tạo điều kiện cho các nhà sản xuất sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, tận dụng nhiệt thải lò nung phát điện để đạt mục tiêu kép vừa tránh giá năng lượng cao, vừa giải quyết rác thải, chất thải.

Hội Bê tông Việt Nam cũng kiến nghị Nhà nước có cơ chế, luật pháp rõ ràng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà thầu trước tình trạng bị chiếm dụng vốn của các chủ đầu tư cả trong môi trường đầu tư tư nhân và môi trường đầu tư công. Đặc biệt, Chủ đầu tư dự án công phải bị nghiêm trị nếu không thanh toán tiền đúng hạn cho nhà thầu và tốt nhất nên có chế độ bảo lãnh thanh toán vô điều kiện không hủy ngang nếu nhà thầu chịu phí bảo lãnh.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-nganh-vat-lieu-xay-dung-keu-cuu-339662.html