26/11/2024 | 00:19 GMT+7, Hà Nội

Đề xuất thu phí phương tiện theo vành đai ở Hà Nội

Cập nhật lúc: 27/10/2019, 06:40

Đề án thu phí phương tiện vào nội đô của Hà Nội đang nghiên cứu phương án kết hợp thu phí theo vùng đa cấp tại vành đai 2 và vành đai 3.

Tiền Phong đưa tin, sáng 25/10 Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, xã hội về việc xây dựng đề án phân vùng dừng hoạt động xe máy vào năm 2030 và thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô. Tại đây, tư vấn đề án cho biết, phạm vi thực hiện đến năm 2030 sẽ mở rộng ra 5 huyện ngoại thành sắp lên quận.

Tại hội nghị, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện nay có 6,6 triệu phương tiện giao thông trong đó có 5,9 triệu xe máy, 0,6 triệu ô tô, phương tiện trong giai đoạn 2011 – 2018 tăng trung bình 11% năm, trong đó xe máy là 6,75%/năm, ô tô là 11,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng của đường bộ không theo kịp với sự phát triển của phương tiện dẫn đến quá tải cho hệ thống đường bộ, làm cho tình trạng ùn tắc ngày càng diễn ra phức tạp, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng lên.


Hội thảo tại Sở GTVT Hà Nội sáng 25/10. Ảnh: T.Đảng

Do vậy, tháng 7/2017, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông. Trong đó nhiệm vụ xây dựng 2 đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030” và đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Để có thêm các ý kiến từ các chuyên gia, tổ chức xã hội, hôm nay Sở GTVT Hà Nội và Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (đơn vị tư vấn xây dựng 2 đề án) tổ chức hội thảo về việc xây dựng 2 đề án trên.

Trình bày về cơ sở xây dựng đề án, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, đối với đề án dừng hoạt động xe máy tại các quận, theo nghị quyết đề án số 04 được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, các quận nội thành hiện nay có 12 quận, tuy nhiên đến năm 2030 khi đề án trên được thực hiện, trên địa bàn Hà Nội sẽ là 17 quân, trong đó có thêm 5 quận mới.

Do vậy phạm vi địa giới hành chính thực hiện đề án so với Nghị quyết 04 sẽ có phạm vi rộng hơn, trong đó 5 quận mới được thành lập thêm là các huyện ngoại thành hiện nay, bao gồm: Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng. Từ thực tế này, việc xây dựng đề án dừng hoạt động xe máy vào nội đô cũng phải tính cả địa giới hành chính 5 huyện hiện nay.

Với đề án thứ 2, xác định ranh giới để thu phí vào nội đô, ông Mười cho rằng, sẽ tính toán để xác định mốc phạm vi từ các đường Vành đai trở vào, trong đó với hạ tầng và mặt cắt đường đủ rộng, các tuyến đường Vành đai 1 Vành đai 2 và Vành đai 3 đáng được tính đến.

Vnexpress, GS.TS Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng ngoài việc phát triển giao thông công cộng để đạt tỉ lệ phục vụ thì Hà Nội cũng cần xây dựng hệ thống các điểm đỗ xe, các dịch vụ xe chung. "Mỗi 1 km nên có một điểm đỗ xe để thuận tiện cho người dân", bà Vinh nêu ý kiến.

Trước những ý kiến về việc thu phí có thể gây mất thời gian, phiền toái cho người dân, chuyên gia Koji Ono (công ty NEC Việt Nam) cho rằng công nghệ hiện tại không cần đến các trạm thu phí nên sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người dân, họ có thể thanh toán hàng ngày hàng tháng như tiện điện, nước. "Thậm chí mức phí có thể thay đổi tùy thuộc tình trạng ùn tắc ở từng thời điểm nhất định", ông Ono nói thêm.