19/01/2025 | 07:16 GMT+7, Hà Nội

\"Đại gia ngầm\" Hà Nội thất thu khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư

Cập nhật lúc: 19/05/2021, 15:11

Mỗi ngày, một quán trà đá vỉa hè trong khu vực phố cổ Hà Nội có thể đạt thu nhập lên tới cả triệu đồng. Thế nhưng, do ảnh hưởng từ việc cấm kinh doanh hàng hóa trên vỉa hè, nhiều quán trà đá bỗng mất đi nguồn thu.

Quán trà đá, hàng ăn thất thu bởi dịch bệnh

Chỉ với ấm trà, hộp kẹo cao su, với vài cái ghế nhựa, khó có thể tin được, những quán trà đá vỉa hè có thể tạo ra nguồn thu nhập ổn định lên tới hàng triệu đồng/ngày, tương đương hàng chục triệu đồng/tháng.

Đơn cử như chị Bùi Hà, nhờ có gương mặt sáng, ngoại hình đẹp nên từ khi ra trường, chị đã nhận vào làm cho một công ty truyền thông với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm gắn bó với nghề truyền thông, chị Hà khiến mọi người phải ngỡ ngàng, khi quyết định xin nghỉ việc, về nhà mở một quán trà đá, trà chanh vỉa hè.

Kinh doanh vỉa hè thiệt hại nặng do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. (Ảnh: Việt Vũ)
Kinh doanh vỉa hè thiệt hại nặng do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. (Ảnh: Việt Vũ)

“Nhà tôi ở Trung Kính, mặt ngõ rộng. Đầu ngõ là nhà người quen nên mượn được địa điểm kinh doanh. Khu vực này nhiều văn phòng, nhiều hàng ăn. Nên, chỉ trong buổi trưa, tôi có thể bán được cả trăm cốc trà đá”, chị Hà kể.

Chị Hà nhẩm tính, mỗi cốc trà đá là 3.000 đồng, lãi 2.500 đồng/cốc. Nếu mỗi ngày bán được 100 - 150 cốc, thì quán trà đá vỉa hè cho thu nhập từ 250.000 đồng - 370.000 đồng. Tính thêm một số mặt hàng bán kèm như thuốc lá, sim thẻ, hướng dương, trung bình mỗi ngày kiếm được 500.000 - 600.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng kiếm được 15 triệu - 16 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, Hà Nội cũng đã có lệnh cấm kinh doanh trên vỉa hè, trong đó có cả các quán trà đá. Điều này đã khiến nhiều người có thu nhập khá tốt như chị Hà bỗng dưng mất đi khoản thu nhập chính trong gia đình.

“Nhà nước cấm, chúng tôi bắt buộc phải chấp hành theo quy định. Dù vậy, trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay, và chưa biết bao giờ mới bình thường trở lại, tôi buộc phải kiếm thêm việc để có chi phí trang trải trong cuộc sống”, chị Hà nói.

Các quán cafe bị ảnh hưởng ít nhiều trong mùa dịch Covid-19

Cũng giống như chị Hà, anh Quyết, chủ một cửa hàng dịch vụ ăn uống trên phố Kim Ngưu thừa nhận: Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hộ kinh doanh gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ.

“Trước dịch, mỗi ngày tôi có thể phục vụ từ 15 - 20 người cùng lúc tại cửa hàng. Tuy nhiên, theo quy định về giãn cách trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, cửa hàng tôi chỉ được nhận tối đa 10 người tại một thời điểm. Hết lượt này tới lượt khác. Nhiều khách chờ lâu quá, họ cũng bỏ về”, anh Quyết chia sẻ.

“Đại gia” cho thuê nhà cũng “trắng tay” trong hơn 1 năm qua

Cũng giống như nhóm ngành dịch vụ ăn uống, trà đá, nhóm “đại gia ngầm” từ việc cho thuê nhà cũng đang trải qua một giai đoạn “khủng hoảng” chưa thấy hồi kết.

Đại dịch khiến chủ mặt bằng khó kiếm khách thuê mới. (Ảnh: Việt Vũ)
Đại dịch khiến chủ mặt bằng khó kiếm khách thuê mới. (Ảnh: Việt Vũ)

Đặc biệt, tại các khu vực thiên về du lịch như phố cổ Hà Nội, hoặc khu vực quận Ba Đình, việc cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng kinh doanh đang gặp vô vàn khó khăn.

Ông Trần Văn Định, chủ một ngôi nhà 67m2, 3 tầng, trên phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Trước dịch, mỗi tháng căn nhà này cho thuê với mức giá 150 triệu đồng/tháng. Người thuê phải đóng theo bán niên hoặc đóng theo năm từ 900 triệu đồng/6 tháng, hoặc 1,8 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, khách thuê cũ đã trả mặt bằng vì không thể kinh doanh được vì đại dịch COVID-19. Từ thời điểm đó tới nay, ông Định vẫn chưa tìm được khách thuê mới. Ngay cả khi chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê, từ 150 triệu đồng/tháng xuống còn 100 triệu đồng/tháng, thậm chí dưới 100 triệu đồng/tháng, nhưng hiện vẫn không có người thuê.

“Chỉ trong một năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, gia đình tôi bỗng dưng mất đi khoản thu nhập hàng tỷ đồng. Thời điểm này, khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tôi phải chấp nhận việc không có khách thuê mới”, ông Định nói thêm.

Nguồn: https://congluan.vn/dai-gia-ngam-ha-noi-that-thu-khi-dich-covid-19-bung-phat-lan-thu-tu-post134203.html