21/11/2024 | 23:30 GMT+7, Hà Nội

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, du lịch, nhà hàng khó chồng khó

Cập nhật lúc: 06/02/2021, 09:06

Ngày 28/1, thông tin phát hiện 84 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng khiến nhiều công ty thông báo hủy tiệc tất niên và hủy tour du lịch cuối năm gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp du lịch và kinh doanh nhà hàng.

Dịch bùng phát trở lại một lần nữa khiến doanh nghiệp du lịch thêm lao đao. Chia sẻ với báo Kinh tế đô thị, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài thông tin, tính đến nay, hầu hết khách đặt tour tổng kết năm dự kiến tổ chức đầu tháng 2 đều hủy lịch, số còn lại cũng chần chừ chờ diễn biến của dịch bệnh mới quyết định. “Việc khách đột ngột hủy tour gây tổn thất lớn cho công ty. Chúng tôi đã dừng các hoạt động bán tour tới các điểm du lịch của Hải Dương và Quảng Ninh để đảm bảo phòng dịch” – ông Tài cho hay.

Sau các chiến dịch kích cầu và liên kết du lịch nội địa, du lịch Quảng Ninh nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, tuyến du lịch đông khách nhất ở phía Bắc chủ yếu là Hà Nội – Hạ Long (Quảng Ninh), với các điểm du lịch Hạ Long, Bình Liêu, Yên Tử, Móng Cái… Nhưng với tình hình dịch diễn biến phức tạp, buộc các tour đến đây sẽ phải dừng lại.

Theo đại diện Tiên phong Travel, trước mắt công ty sẽ phải tìm kiếm các tour thay thế ở những địa điểm an toàn, xa vùng dịch để đảm bảo an toàn cho khách. Các tour sẽ đảm bảo tương đồng về tiêu chí chất lượng dịch vụ, giá cả... “Tâm lý khách luôn đề cao yếu tố an toàn nên khi có thông tin về các ca mắc mới Covid-19, họ sẽ đối chiếu với quy định để hoãn, đổi tour từ các đơn vị cung cấp dịch vụ để đảm bảo quyền lợi giữa các bên” – Giám đốc Tiên phong Travel Phùng Xuân Khánh cho biết.

Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, hiện nhiều đơn vị đã chủ động dừng bán các tua đi Quảng Ninh và có hướng đàm phán với khách hàng chuyển tua sang địa điểm khác. Ngoài ra, các loại hình tua hội nghị, hội thảo tổng kết cơ bản tạm dừng, thay vào đó là các nhóm nhỏ tổ chức, đảm bảo quy định của Bộ Y tế.

Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội vẫn thực hiện “mục tiêu kép” để vừa chống dịch, vẫn bảo đảm phục vụ khách. “Sở Du lịch luôn ủng hộ các doanh nghiệp phục vụ khách nhưng trên nguyên tắc phòng chống dịch. Mỗi khách sạn, khu du lịch… đều phải trang bị đầy đủ trang thiết bị phòng dịch, an toàn là ưu tiên số một”, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho hay.

Sở Du lịch khuyến cáo các điểm du lịch, tham quan không tập trung quá đông người, đảm bảo giữ khoảng cách theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, quan trọng nhất là ý thức phòng dịch của từng người dân.

Đối với các cơ sở lưu trú, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm túc khai báo y tế trực tuyến với khách lưu trú; rà soát khách du lịch đang lưu trú tại cơ sở và cung cấp thông tin những người đi - đến từ vùng có dịch cho cơ sở y tế địa phương. Những khách sạn đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt làm khu cách ly tập trung có thu phí thường xuyên chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, nhân viên trong khách sạn tuân thủ quy định của ngành Y tế trong phòng, chống dịch; theo dõi, giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh cách ly tại khách sạn.

Trước những thiệt hại dồn dập và nặng nề do hàng loạt tour Tết Nguyên đán 2021 bị huỷ và những "cú đấm bồi" của dịch Covid-19 trước đó, doanh nghiệp du lịch tiếp tục kiến nghị chính sách hỗ trợ.

Cụ thể, ngày 1/2, Hiệp hội Du lịch TP.HCM (HTA) đã gửi văn bản đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan kiến nghị về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, sau các ca nhiễm Covid-19 mới ở Hải Dương, Quảng Ninh…, du khách đã đồng loạt hoãn, hủy tour, chương trình du lịch, đặc biệt là các tour Tết đã đăng ký trước đó. Điều này một lần nữa chồng chất khó khăn cho doanh nghiệp du lịch khi phải hoàn lại tiền cọc hoặc dời ngày vô thời hạn đối với khách hàng, trong khi vẫn phải thanh toán tiền cho các đơn vị cung ứng dịch vụ, thương lượng để cùng chia sẻ rủi ro.

Trước những thiệt hại dồn dập và nặng nề của đại dịch đến doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch TP kiến nghị cơ quan chức năng có chủ trương linh hoạt hơn nữa để doanh nghiệp cầm cự vượt qua đại dịch.

Theo đó, Hiệp hội Du lịch TP.HCM kiến nghị miễn hoặc giảm 50% thuế GTGT cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, du lịch đến hết năm 2021. Vì hiện đa số doanh nghiệp lữ hành đều không có doanh thu, phải bù lỗ do phát sinh lãi vay và các chi phí khác…

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/dich-covid-19-bung-phat-tro-lai-du-lich-nha-hang-kho-chong-kho-52874.html