22/11/2024 | 17:17 GMT+7, Hà Nội

Công ty CP Đầu tư xây dựng Đại Kim: Lấn chiếm lòng đường như "chỗ không người"

Cập nhật lúc: 17/08/2020, 11:00

Lấn chiếm một phần làn đường để thi công dự án, Công ty CP Đầu tư xây dựng Đại Kim đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông của người đi bộ và các phương tiện khác tại khu vực.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Thi công lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Dự án Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao do Công ty Cổ phần (CP) đầu tư xây dựng Đại Kim làm chủ đầu tư (CĐT) xây dựng công trình Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao tại ô đất số 8 khu đô thị (KĐT) mới Đại Kim Định Công, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Dự án có số GPXD: Số 67/GPXD ngày 25/09/2019. Quy mô công trình là 06 tầng nổi và 02 tầng hầm. Nhà thầu thi công là Công ty CP Licogi 13 - nền móng xây dựng. Khởi công tháng 12/2019 và dự kiến hoàn thành quý IV/2020.

Dự án Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao do Công ty Cổ phần (CP) đầu tư xây dựng Đại Kim làm chủ đầu tư

Theo phản ánh của người dân địa phương, cuối tháng 6/2020, dự án này thi công nhưng nguyên vật liệu xây dựng để tràn hết lòng đường Nguyễn Công Thái ngay sát cổng 1 dự án, chân công trình, chắn lối đi và để biển hiệu yêu cầu người dân, người tham gia giao thông di chuyển đường khác mới vòng ra được đường phía ngoài.

Dự án "bành trướng" lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để phục vụ quá trình thi công

Đến ngày 8/7/2020, dự án này tiếp tục "bành trướng" ra đường khi xe trộn bê tông "ôm trọn" một làn đường của đường Nguyễn Cảnh Dị. Các phương tiện giao thông gặp khó khăn khi lưu thông, nếu đi sang làn ngược chiều thì nguy hiểm, đi đúng làn thì không có chỗ đi.

"Xe trộn bê tông rất to, cần cẩu cao, không có che chắn, xe máy, ô tô đi sát đó còn rất nguy hiểm chứ đừng nói đến người đi bộ. Chúng tôi lo lắng từ giờ cho đến lúc dự án này hoàn thành, dự án này còn bao nhiêu lần lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của người dân nữa, nguy hiểm nhưng chưa thấy "bóng dáng" của các cơ quan chức năng trên địa bàn phường kiểm tra, xử lý" - một người dân địa phương cho biết.

Theo quy định tại Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố, việc sử dụng tạm thời hè phố để trung chuyển vật liệu phục vụ thi công xây dựng công trình phải được UBND cấp huyện và Sở GTVT cấp phép. Thời gian sử dụng chỉ từ 22h đến 6h và phải đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Đặc biệt, phải dành lối đi tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. 

Đúng như lo lắng của người dân, chiều ngày 13/08/2020, dự án này tiếp tục ngang nhiên trưng dụng gần hết lòng đường Nguyễn Công Thái làm "bến đỗ" cho 3, 4 xe trộn bê tông phục vụ cho việc thi công công trình, chỉ chừa lại một phần đường rất nhỏ cho các phương tiện lưu thông ngay sát cạnh. "Các hoạt động này ngang nhiên diễn ra vào các tầm giờ có khá đông người qua lại, gây bức xúc cho người dân. Nếu không sớm có biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn trong việc thi công thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân địa phương" - cư dân tại chung cư Đại Kim gần đó cho biết.

Ngày 13/08/2020, dự án tiếp tục gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến quyên lợi của người dân.

Việc vi phạm tràn lan, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trái phép quanh khu vực công trình đặt một dấu hỏi về trách nhiệm lớn của CĐT - Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Kim. Nếu CĐT quan tâm sát sao hoạt động thi công, giao kèo các điều khoản bắt buộc nhà thầu không được bày bừa vật liệu, máy móc; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý lên phương án cụ thể phục vụ thi công sẽ tránh được tối đa vi phạm gây ảnh hưởng đến trật tự văn minh đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. 

Vỉa hè bị trưng dụng triệt để

Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Bùi Ngọc Tân từng đề cập rất gay gắt đến vấn nạn này: "Lực lượng Thanh tra GTVT vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà thầu. Tuy nhiên, xử phạt vi phạm hành chính trên hè đường - phạt tiền thôi thì chỉ mang tính chất tức thời. Gốc rễ của vấn đề là ý thức của nhà thầu, về phương diện này Thanh tra Sở Xây dựng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chúng tôi để giám sát và ngăn ngừa vi phạm. 

Thanh tra GTVT không thể cả ngày canh chừng quanh hàng trăm công trình xây dựng lớn, lại không có thẩm quyền đình chỉ thi công nên rất khó xử lý vi phạm. Đối với các trường hợp cố tình tái phạm nhiều lần, báo cáo lãnh đạo Sở GTVT, đề nghị Sở Xây dựng đình chỉ thi công công trình vi phạm, gây ảnh hưởng đến trật tự đô thị, ATGT cho tới khi nhà thầu chấp hành tốt, giải quyết xong hậu quả gây ra".

Để xử lý dứt điểm và hạn chế tình trạng nhà thầu xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tập kết nguyên vật liệu, phục vụ thi công công trình nhà cao tầng, các lực lượng chức năng đều cho rằng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn. Mỗi công trình trị giá hàng ngàn tỷ đồng, chỉ xử phạt vài triệu hay vài chục triệu đồng sẽ không đủ sức răn đe vi phạm. Phải nâng mức phạt lên cao hơn nữa, có thể phạt hàng trăm triệu đồng hoặc buộc ngừng thi công ngay lập tức khi phát hiện vi phạm. Có như vậy mới khiến các nhà thầu biết “sợ” mà tuân thủ đúng quy định.

Trong khi cả thành phố đang ráo riết giành lại vỉa hè cho người đi bộ thì việc hàng loạt các công trình nói chung và dự án Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao do Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Kim làm CĐT nói riêng thản nhiên lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ mà không bị xử lý đã khiến dư luận vô cùng bức xúc và chờ những biện pháp giải quyết triệt để từ chính quyền địa phương.

Doanh nghiệp có địa chỉ "ma" vẫn đủ điều kiện làm CĐT?

Theo tìm hiểu, CĐT Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Kim có mã số thuế 0105120664, địa chỉ tại số 7 ngõ 95 Chùa Bộc (Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội), ngày cấp giấy phép 14/01/2011. Đại diện pháp luật là bà Lương Thị Thủy. Tuy nhiên, khi PV đến địa chỉ trên của Công ty để tìm hiểu thêm về trách nhiệm của CĐT trong việc giám sát thi công dự án Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa thể dục thể thao tại Đại Kim thì không thấy bất cứ thông tin nào của doanh nghiệp.

Thông tin về địa chỉ Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Kim

Cụ thể, tại địa chỉ số 7 ngõ 95 Chùa Bộc là Viện bơm và thiết bị Thủy lợi. Bảo vệ của Viện cho biết "hình như có Công ty ở trên tầng 2". Thế nhưng, ghi nhận thực tế, tầng 2 của Viện là Công ty CP đầu tư thủy điện sông Lam và Công ty CP KHCN bơm và thiết bị Thủy Lợi. Tầng 3 đóng cửa và cũng không có bất cứ thông tin nào liên quan đến Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Kim.

Thế nhưng, thực tế, tại địa chỉ đó không có bất cứ thông tin nào của Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Kim

Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 2, Điều 38, Luật Doanh nghiệp năm 2014: Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Như vậy, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ gắn tên tại trụ sở chính. Tên doanh nghiệp được gắn trên biển hiệu doanh nghiệp và việc treo biển hiệu doanh nghiệp cần phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Việc treo biển hiệu là nghĩa vụ bắt buộc đối với doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp nào vi phạm quy định này, phải chịu xử lý về vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, Điều 66, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định thì xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Một doanh nghiệp, đơn vị có địa chỉ "ma" lại được chấp thuận việc cấp GPXD và làm CĐT một dự án, công trình lớn khiến dư luận đặt ra nghi vấn về tính minh bạch của việc triển khai dự án.

Theo thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 103 Luật xây dựng 2014:

- UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa thuộc địa bàn do mình quản lý, trừ các công trình xây dựng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 103 Luật xây dựng 2014.

- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng do mình cấp.

- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng không thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp không đúng quy định thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp quyết định thu hồi giấy phép xây dựng.

Để làm rõ các thông tin trên, PV đã liên hệ với ông Phạm Hải Bình - Chủ tịch UBND phường Đại Kim. Tuy nhiên, ông Bình cho biết, đối với những nội dung phản ánh trên, UBND phường sẽ phản hồi cụ thể bằng công văn.