Phó thủ tướng yêu cầu xử lý sai phạm nhà xưởng tại Hà Đông
Cập nhật lúc: 16/07/2020, 13:30
Cập nhật lúc: 16/07/2020, 13:30
Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.
Ngày 10/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về kiểm tra, xử lý nội dung nhà xưởng trái phép mọc như nấm tại quận Hà Đông.
Cụ thể, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý việc tồn tại nhiều nhà xưởng tại phường Vạn Phúc và phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2020.
Sai phạm tại phường Vạn Phúc có thể kể đến như: tồn tại hàng loạt nhà xưởng, hoạt động nhiều năm liền trên phần đất công, đất nghĩa trang rộng lớn (khoảng 4ha) thuộc khu đất Bồ Các. Đây là khu đất này có mặt tiền đắc địa, giáp hai bên đường Tố Hữu đoạn qua ngã tư Vạn Phúc - Tố Hữu, nên nhà xưởng mọc lên ngày càng nhiều. Nhiều nhất là các xưởng sản xuất, kho bãi, trạm trộn bê tông với xe cộ nhộn nhịp qua lại, thường xuyên ùn tắc giao thông.
Được biết, tháng 12/2018, UBND phường Vạn Phúc từng yêu cầu HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp Vạn Phúc thanh lý hợp đồng giao khoán tạm cho doanh nghiệp sử dụng diện tích đất này, yêu cầu tháo dỡ các công trình xây dựng trong tháng 4/2019.
Tuy nhiên, đến tháng 6/2020, hàng loạt nhà xưởng có diện tích lớn (từ 500 đến 1.000 m2) vẫn hoạt động rầm rộ. Giá thuê được các cá nhân xưng là chủ các nhà xưởng tại đây công khai chào mời từ 55.000 đến 75.000 đồng/m2/tháng. Theo ước tính, diện tích nhà xưởng tại khu Bồ Các này lên đến 4 ha, nếu áp dụng giá thuê trung bình 60.000 đồng/tháng, 1 ha tại đây thu về số tiền 600 triệu đồng/tháng.
Như vậy mỗi năm tiền thu nhà xưởng có thể lên tới 7,2 tỷ đồng/ha. Căn cứ các quyết định thanh lý nêu trên, từ tháng 12/2018, các chủ sử dụng đất này sẽ không phải đóng thêm khoản thuế, phí nào... Câu hỏi đặt ra là, trong hơn một năm qua (từ khi HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nông nghiệp Vạn Phúc thanh lý hợp đồng), số tiền thu được từ nhiều ha đất cho thuê làm nhà xưởng tại đây đi về đâu? Ai đang “bảo kê” khu đất này?
Tại khu đất dịch vụ Mậu Lương và khu đất quanh Tổ 19, 20 thuộc phường Kiến Hưng xuất hiện nhiều công trình nhà xưởng xây dựng diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn m2 dưới đường điện cao áp, cạnh đường sắt. Tại đây, một số đơn vị thuê những nhà xưởng này làm kho chứa vật liệu, đồ nội thất, trông giữ, sửa chữa ô tô.
Ông Hoàng Minh Thủy, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Đông xác nhận với báo chí đường điện đi qua khu đất Tổ 19, 20 phường Kiến Hưng là điện lưới 110 kV, thuộc quyền quản lý của Công ty Lưới điện Cao thế Hà Nội. Theo ông Thủy, nếu muốn được xây dựng công trình dưới đường điện này phải đảm bảo khoảng cách hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện.
“Khi có sự xác nhận của đơn vị quản lý đường dẫn điện đảm bảo an toàn, chủ khu đất mới được làm việc với chính quyền địa phương, xin giấy phép xây dựng”, ông Thủy nói thêm.
Được biết, các nhà xưởng dọc hành lang bảo vệ đường sắt là kho do Công ty Đường sắt Hà Thái xây dựng, được cho là quản lý để tập kết hàng hóa, linh kiện, phục vụ tu sửa đường sắt theo định kỳ, thế nhưng thực tế đang cho thuê để tập kết hàng, sửa chữa và trông giữ ô tô.
Vừa qua, Thành uỷ Hà Nội đã tiến hành kỷ luật cảnh cáo đối với các ông Lê Cường - Bí thư quận uỷ Hà Đông và khiển trách ông Phạm Khắc Tuấn - Bí thư Đảng uỷ khu công nghiệp, khu chế xuất của TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch UBND quận Hà Đông.
Lý do ông Cường bị kỷ luật là trong giai đoạn giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông phụ trách lĩnh vực đô thị (từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2012) và Chủ tịch UBND quận Hà Đông (từ tháng 4/2012 đến tháng 11/2012), đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, buông lỏng lãnh đạo chỉ đạo.
Đồng thời thiếu sâu sát cơ sở, chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, không chỉ đạo cơ quan thuộc UBND quận và UBND phường Kiến Hưng kiểm tra giám sát chấp hành pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng của Công ty Bemes, đơn vị triển khai dự án CT6 phường Kiến Hưng (quận Hà Đông).
Trước đó ngày 18/6, Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ Hà Nội đã họp kỳ thứ 78 xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Khắc Tuấn, Bí thư Đảng uỷ, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội bằng hình thức khiển trách.
Ông Tuấn bị kỷ luật do thời gian giữ chức vụ Chủ tịch UBND quận Hà Đông (từ tháng 10/2010 đến tháng 11/2011) có khuyết điểm vi phạm thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo đôn đốc cán bộ cấp dưới, các cơ quan chức năng thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng của Công ty Bemes.
Theo quy hoạch thiết kế được duyệt, dự án có hai tòa chung cư gồm: CT6A và CT6B với tổng số căn hộ được duyệt là 936 căn hộ chung cư cao tầng và 34 nhà thấp tầng, biệt thự liền kề. Tuy nhiên, trong thực tế chủ đầu tư đã xây dựng ba tòa nhà gồm CT6A, CT6B và CT6C với tổng số căn hộ lên tới 1.590 căn hộ cao tầng (trong đó tòa CT6A là 693 căn; tòa CT6B là 450 căn; tòa CT6C là 447 căn) và 38 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng.
Sai phạm của ông Tuấn dẫn đến dự án CT6 phường Kiến Hưng vi phạm nghiêm trọng quy hoạch được duyệt, vi phạm luật đất đai, luật xây dựng, để lại hậu quả khó khắc phục. Đồng thời sai phạm này cũng làm ảnh hưởng uy tín của cấp uỷ, chính quyền địa phương, uy tín của ông Tuấn đến mức phải xử lý kỷ luật.
Liên quan đến sai phạm tại dự án này, đến nay Công an Hà Nội đã khởi tố sáu bị can vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, người đứng đầu Công ty Bemes bị khởi tố vì tội lừa dối khách hàng.
Trong sáu bị can bị khởi tố, có ba bị can bị bắt tạm giam gồm Nguyễn Duy Uyển, Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng (quận Hà Đông); Mai Quang Bài, cán bộ đội quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông và Vương Đăng Quân, nguyên Chánh thanh tra xây dựng quận Hà Đông.
Như vậy, có thể thấy rằng UBND TP Hà Nội đã và đang rất gắt gao trong việc xử lý những sai phạm về trật tự xây dựng và sai phạm về đất đai trên địa bàn, đặc biệt là khi sắp tiến hành đại hội đại hội cấp huyện và tương đương (hoàn thành trong tháng 8/2020) và Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương (hoàn thành trong tháng 10/2020).
UBND quận Hà Đông cần sớm có động thái xử lý các sai phạm tại phường Vạn Phúc và Kiến Hưng, thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ, trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND quận Hà Đông kiểm tra nguồn thu từ việc cho thuê nhà xưởng của các tập thể, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm các vi phạm về thu ngân sách nhà nước.