29/03/2024 | 13:57 GMT+7, Hà Nội

Công nghệ 4.0 - Lực đẩy hình thành các toà nhà thông minh

Cập nhật lúc: 25/06/2020, 15:00

Công nghệ mới trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra bước ngoặt đổi mới trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng trở thành bệ đỡ vững chắc kiến tạo các toà nhà thông minh, đô thị thông minh.

Công nghệ 4.0 tiếp sức cho bất động sản thông minh

Tại Tọa đàm với chủ đề: “Giải pháp kiến trúc, xây dựng chung cư thời đại 4.0” diễn ra sáng ngày 25/6, các chuyên gia đã có những chia sẻ về các công nghệ mới và ứng dụng của công nghệ mới 4.0 trong kiến trúc và xây dựng các toà nhà cao tầng, các khu đô thị hiện đại.

Thực tế cho thấy rất nhiều công nghệ mới đã được các chủ đầu tư ứng dụng trong xây dựng các toà nhà trong thời gian qua. Điển hình là các công trình phức tạp sử dụng công cụ thiết kế và quản lý đồng bộ BIM đã dần trở thành thông dụng, thậm chí là bắt buộc để xây dựng công trình quy mô lớn, để đảm bảo tính chính xác, sự chặt chẽ về kỹ thuật, kinh tế của dự án. Công nghệ liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh học bởi rác thải vẫn đang là vấn đề gây nhức nhối tại các đô thị của Việt Nam. Đặc biệt, có nhiều công nghệ được áp dụng từ giai đoạn thiết kế đến khi ra công trường xây dựng để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện sớm công trình để đưa vào xây dựng. Ngoài ra cũng phải kể đến các công nghệ như Internet vạn vật - IOT; Phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn; Robot xây nhà, Robot xây nhà; Công nghệ thực tế ảo - VR…

Toàn cảnh toạ đàm

Theo TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng) cho rằng: “Các nước phát triển trên thế giới đã ứng dụng từ rất lâu các công nghệ này trong thiết kế xây dựng, mang lại những hiệu quả đáng kể trong việc tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường. Vì thế, chúng ta cần có những giải pháp và quy định cụ thể để có thể áp dụng những công nghệ tiên tiến này tại Việt Nam”.

TS. KTS. Thuận cũng cho biết thêm, tại Việt Nam, nhà thông minh đã phát triển trong 10 năm trở lại đây. Trong giai đoạn đầu của sự phát triển nhà thông minh được xem là sản phẩm xa xỉ và chỉ phù hợp với các biệt thự hay căn hộ sang trọng, đến nay, chi phí để lắp đặt một ngôi nhà thông minh đã giảm nhiều và nó gần như phù hợp với phần lớn khách hàng. Việc lắp đặt các thiết bị cũng nhanh chóng và thuận tiện.

“Ngành xây dựng là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, kể cả trong quá trình thi công xây dựng đến vận hành công trình sau này. Ứng dụng các nguồn năng lượng thông minh, vật liệu xanh trong xây dựng nhà chung cư thông minh chính là lối thoát để bảo vệ môi trường trong quá trình đô thị hoá nhanh tại Việt Nam, đảm bảo sự phát triển của đô thị đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau. Chúng ta cần hệ thống hóa các giải pháp, đưa ra nguyên tắc thiết kế và tiêu chuẩn thiết kế trong việc ứng dụng năng lượng thông minh và vật liệu xanh khi xây dựng nhà ở tại Việt Nam”, TS. KTS. Thuận nhấn mạnh.

TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng)

Cũng theo TS.KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng nhận định: “Với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng các công nghệ xây dựng hiện đại sẽ hỗ trợ tốt việc xây dựng các cấu trúc nhà ở linh hoạt, từ đó cung cấp việc sử dụng và khai thác linh hoạt môi trường nhà ở. Trong tương lai, tính linh hoạt, có thể được như một khía cạnh mới của giá trị sử dụng các căn hộ chung cư, đòi hỏi sự phát triển các khái niệm thiết kế mới đáp ứng những thay đổi không thể đoán trước nhưng lại có thể dự báo trước trong các dự án nhà ở.

Nói cách khác, việc xác định các yếu tố cố định và biến đổi của không gian kiến trúc, đi cùng các giải pháp thông minh hóa sẽ là chìa khóa để có thể mở ra các giải pháp linh hoạt hóa không gian kiến trúc chung cư đô thị nhằm tăng giá trị sử dụng, giúp các chung cư trở nên “con người” nhiều hơn”.

Cũng theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp làm chủ việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong các công trình nhà ở, khu đô thị sẽ tạo nền tảng và động lực then chốt tăng thêm sức cạnh tranh của của doanh nghiệp trên thị trường bất động sản và trong ngành xây dựng.

“Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang có những ảnh hưởng rất lớn tới ngành xây dựng thế giới cũng như tại Việt Nam. Công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận dự án tốt hơn, thiết kế xây dựng hợp lý hơn, và cũng quản lý hiệu quả hơn. Nhận biết, hiểu và áp dụng công nghệ vào kiến trúc và xây dựng là nhu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp muốn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hiện đại”, TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận nhấn mạnh.

Cân bằng mối quan hệ giữa chủ đầu tư và tư vấn thiết kế

Cũng tại toạ đàm, các chuyên gia đã bàn luận về câu chuyện khoảng cách giữa nhà phát triển bất động sản và đơn vị tư vấn thiết kế. Hiện nay, thiết kế là khâu rất quan trọng khi xây dựng một công trình nhà ở. Theo Thạc sỹ, Kỹ sư Xây dựng Đoàn Châu Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest, trong mối quan hệ “bắt tay” kiến tạo công trình, vai trò của nhà đầu tư dự án là người bỏ chi phí để có được sản phẩm mong muốn. Trong khi đó, vai trò của tư vấn thiết kế là biến mong muốn của nhà đầu tư thành hiện thực.

Thạc sĩ, Kỹ sư Xây dựng Đoàn Châu Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest

Khoảng cách giữa chủ đầu tư và tư vấn thiết kế là không hiểu ý, không tìm được tiếng nói chung từ khi bắt đầu cho đến hết dự án dẫn đến thiết kế phải làm đi làm lại rất nhiều lần gây ra những diễn biến không như mong muốn cho cả 2 bên. Hệ quả, sản phẩm sẽ không mang lại được sự hài lòng cho nhà đầu tư, ngược lại phía tư vấn có tâm lý chán nản, khó đồng hành đến bước cuối cùng…

Do đó, để duy trì cân bằng mối quan hệ này, ông Đoàn Châu Phong cho rằng: “Phải tạo được mối quan hệ tin tưởng giữa tư vấn và nhà đầu tư: khi đã thuê được tư vấn, nhà đầu tư cần có sự tin tưởng để tư vấn có không gian sáng tạo, đưa ra các giải pháp tối ưu. Ngược lại, tư vấn cũng tin tưởng nhà đầu tư, làm tốt nhất công việc của mình, kết quả tốt, lợi nhuận sẽ đến. Bên cạnh đó, tư vấn và nhà đầu tư đều phải chuyên tâm tạo giá trị đích thực: đây là điều quan trọng cả 2 bên cùng hướng đến”.

Để giải quyết những mâu thuẫn và bất cập với đơn vị tư vấn thiết kế, không ít doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đã tự xây dựng cho mình một đội ngũ tư vấn thiết kế riêng. Nổi bật trong số các doanh nghiệp làm chủ được công nghệ 4.0 và có đội ngũ tư vấn thiết kế chuyên nghiệp, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest đã tạo dựng được uy tín với khách hàng và nhà đầu tư về một thương hiệu bất động sản chuyên nghiệp và tận tâm ngay từ khâu tổ chức không gian quy hoạch, thiết kế, thi công, cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng, giúp rút ngắn tối đa thời gian, nâng cao chất lượng thực hiện các dự án.

Việc sở hữu đội ngũ này đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí trong xây dựng từ 1 - 5% tuỳ theo giá trị của dự án. Cùng với đó, việc này sẽ giúp chủ đầu tư điều chỉnh phương án thiết kế nhanh hơn, đồng bộ và chính xác hơn khi có sự phối hợp nhịp nhàng trong cùng hệ thống giữa thiết kế và đơn vị thi công. Đặc biệt, đội ngũ tư vấn thiết kế riêng của mỗi doanh nghiệp luôn thấu hiểu được các giá trị văn hoá cốt lõi, thương hiệu, phong cách đậm nét của chính doanh nghiệp, tập đoàn để có thể đưa ra bản vẽ tốt nhất.