21/11/2024 | 18:07 GMT+7, Hà Nội

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô: Nhà hàng "ngạo nghễ" giữa công trình trăm tỷ hoen rỉ

Cập nhật lúc: 24/06/2020, 09:04

Được đầu tư xây dựng đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng chỉ ít năm sau Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã rơi vào cảnh hoang tàn, vắng người qua lại, nhiều khu vực công cộng đã “biến tướng” thành nhà hàng, quán hát.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Đầu tư lớn, ai hưởng lợi?

Được biết, dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô có tổng diện tích khoảng 26,43ha được thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 2000, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí... của người dân thủ đô. Tổng mức đầu tư được phê duyệt năm 2002 là 282 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố là 280 tỷ đồng. Năm 2010, UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết công viên này theo hướng trở thành Trung tâm Thanh - Thiếu niên Hà Nội...

Đối với quy hoạch chi tiết, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh 3 lần (quy hoạch lần thứ 3 được điều chỉnh năm 2010). Trong đó, phạm vi lập quy hoạch không thay đổi (26,43ha), các nội dung điều chỉnh chủ yếu là điều chỉnh công năng sử dụng của một số ô đất trong quy hoạch và tăng số lượng các công trình xây dựng trong công viên.

Đất công viên được sử dụng để kinh doanh sân bóng mini

Theo Kết luận số 1676/KL-TTTP(P5) ngày 23/4/2020 của Thanh tra thành phố Hà Nội, từ năm 1999 đến nay, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội được UBND TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, nhưng không làm thủ tục xin giao, thuê đất theo quy định tại Khoản 2, Điều 31 Luật Đất đai năm 2003. Đồng thời, tự sử dụng quyền sử dụng đất để xây dựng công trình và khai thác đối với 18ha đất công viên - là hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 15 Luật Đất đai năm 2003 (nay là Điều 12 Luật Đất đai năm 2013).

Trong giai đoạn năm 1999 - 2000, ngân sách thành phố đã cấp khoảng 11,683 tỷ đồng để đầu tư 7 hạng mục, công trình trong công viên gồm: Cầu qua hồ; tôn san nền, phá dỡ và vận chuyển phế liệu; đường nội bộ; cấp thoát nước và hồ thu nước phục vụ phòng cháy chữa cháy; cây xanh thảm cỏ; điện chiếu sáng và Cổng đường Thanh Nhàn).

Bị bỏ hoang phí, tiện ích công cộng cũng chẳng còn được tôn trọng

Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội chỉ được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong công viên, không được giao quản lý, sử dụng đất trong công viên, nhưng đã sử dụng vốn doanh nghiệp, vốn huy động từ bên ngoài để xây dựng một số công trình, hạng mục sử dụng vào mục đích kinh doanh, liên doanh với một số đơn vị và cho thuê đất để đầu tư xây dựng các công trình trong công viên.

Cụ thể, cả 18 công trình được xây dựng bằng nguồn vốn huy động đều không đảm bảo hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng theo quy định, thiếu báo cáo đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán, không có giấy phép xây dựng, không tổ chức đấu thầu, thậm chí một số hạng mục không có một hồ sơ pháp lý nào.

Nhà nổi - Karaoke 166 Club  là một trong những công trình sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô

18 công trình kể trên bao gồm 6 hạng mục hạ tầng (đổ san lấp mặt bằng, tường rào quanh xóm liều và đường Võ Thị Sáu, cổng chính đường Võ Thị Sáu, cây xanh thảm cỏ bồn hoa, đường bê tông, hệ thống chiếu sáng) và 12 công trình xây dựng sử dụng vào mục đích kinh doanh: Nhà đa năng; nhà hàng Tuổi trẻ; nhà dạy nghề; nhà hàng Queen Bee II (trong khu công viên nước); 10 sân tennis, bể bơi người lớn - trẻ em; khu nhà nổi; tàu cao tốc; trò chơi phi thuyền; đài phun nước; nhà trò chơi bằng kính; sân khấu ngoài trời).

Đầu tư, xây dựng nhiều là vậy, thế nhưng khi bước chân vào Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, ít ai dám nghĩ rằng nơi này sẽ tiêu điều, vắng vẻ, hoang tàn đến vậy. Thậm chí, người dân có thể sử dụng xe máy, ô tô trong công viên, thoải mái dừng, đỗ một cách vô ý thức cũng không có người nhắc nhở.

Kinh doanh dưới tàn tích hàng tỷ đồng

Với mục đích đầu tư xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động sinh hoạt công cộng của thanh thiếu niên, cùng đông đảo người dân sinh sống trong khu vực, tháng 10/2004, công viên nước thuộc Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã khai trương nhưng chỉ sau 3 năm hoạt động thì đóng cửa.

Hiện tại, khu vực Công viên nước Tuổi trẻ đã xuống cấp trầm trọng và tồn tại hàng loạt sai phạm mà không hề bị xử lý kéo dài trong suốt những năm qua. Khu vui chơi giải trí của công viên với nhiều công trình, thiết bị được đầu tư nhiều tỷ đồng như hệ thống ống trượt, máng trượt nước, vòng đu quay khổng lồ đang rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát, rỉ sét do không được duy tu bảo dưỡng, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào gây nguy hiểm đến tính mạng người dân vào thể dục, vui chơi.

Bất chấp nguy hiểm rình rập từ công trình xuống cấp, việc kinh doanh vẫn diễn ra hàng ngày

Đặc biệt, ngay bên dưới hệ thống những ống trượt, máng trượt này là những hàng, quán kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, giải khát, thậm chí là đồ uống có cồn như rượu, bia. Điển hình là Coffee Garden, Quán Bia Ven Hồ... đều lấn chiếm tối đa không gian bên dưới hệ thống ống trượt, thậm chí sơn lại ống để bắt mắt hơn, tạo điểm nhấn thu hút người qua lại.

Không chỉ những hàng quán trên, nhiều công trình sai phạm khác đã công khai sử dụng sai mục đích trên các diện tích vốn được quy hoạch làm khu vườn hoa, cây xanh, sân tập thể thao công cộng nhưng không hệ bị cơ quan chức năng xử lý như: nhà hàng kinh doanh dịch vụ tiệc cưới (Queen Bee, Cung Xuân...); quán cafe, nhà hàng nổi kinh doanh karaoke 166 Club; sân tennis, sân bóng đá mini; phòng tập gym Blue...

Khu vực đi lại trong công viên nước đã trở thành quán bia

Bà T.T.H, sinh sống gần Công viên Tuổi trẻ Thủ đô cho biết: “Trong này giờ cũng ít người qua lại, chủ yếu chỉ có người già, người cao tuổi đến đây đi dạo, tập thể dục với uống trà đá. Mấy quán bia, quán cà phê có từ lâu rồi, nghe bảo có cái còn thuê đất dài hạn hợp đồng đến 50 năm nên rất khó để giải quyết, chính quyền có xuống đây đo đạc nhiều, xong cũng chẳng thấy làm gì cả.”

Từng được kỳ vọng là “lá phổi xanh” của Hà Nội - Công viên Tuổi trẻ Thủ đô giờ đây chỉ còn lại những con đường lát gạch nứt vỡ với cỏ mọc um tùm; khu giải trí dưới nước xuống cấp ô nhiễm trầm trọng; Vòng quay mặt trời cũng đã trở nên han gỉ, bong tróc và xuống cấp trầm trọng, chực chờ nguy cơ đổ sập xuống những người dạo mát bên dưới bất kỳ lúc nào.

Vòng quay khổng lồ nay đã hoen rỉ, không còn chắc chắn, an toàn

Mấy nhà hàng trong đây không biết có được phép hoạt động không nhưng tôi thấy rất nhộn nhịp. Họ vẫn đang xây dựng và sửa chữa thêm. Những hạng mục khác đang xuống cấp trầm trọng. Nhân viên quét rác thì có nhưng tôi nghĩ họ làm không xuể. Rác vẫn ngập ra đấy. Công viên này mà đi vào hoạt động chính thức thì phải xếp vào hàng đẹp nhất Thủ đô. Tiếc quá!” - một người dân tại địa phương cho hay.

Thanh tra, kết luận hàng loạt sai phạm

Ngày 3/6 vừa qua, UBND TP Hà Nội công bố kết luận về việc thanh tra toàn diện quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Theo đó, quá trình khai thác vận hành công viên, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhiều sai phạm về quản lý doanh nghiệp, hợp tác đầu tư, lập quy hoạch, cấp phép xây dựng, triển khai dự án có sử dụng đất.

Theo kết luận thanh tra, công trình nhà hát ngoài trời của Trung tâm Tổ chức sự kiện Cung Xuân được đầu tư theo chủ trương xã hội hóa, tháng 12/2010, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội ký Hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ tổng hợp Hai Bà Trưng, thời hạn hợp đồng là 25 năm từ ngày ký.

Sân khấu 500m2 phía sau Trung tâm Tổ chức sự kiện Cung Xuân.

Dự án được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận về quy hoạch và phương án kiến trúc, được Sở Xây dựng thẩm định thiết kế và được UBND quận Hai Bà Trưng cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, công trình không làm thủ tục thẩm định dự án, chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất và chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2010.

Hiện nay vẫn tồn tại 2 thang máy phía ngoài tại Nhà hát ngoài trời có mái che xây dựng sai giấy phép xây dựng.

Công trình thứ hai được nêu tên trong kết luận thanh tra là Nhà thi đấu tennis 1500 chỗ. Ngày 10/3/2008, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội ký Hợp đồng hợp tác liên doanh với Công ty cổ phần xây dựng Thương mại- Dịch vụ Lan Anh; thời hạn hợp đồng là 30 năm từ ngày ký.

Công trình không làm thủ tục thẩm định dự án, chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất nhưng UBND quận Hai Bà Trưng đã cấp phép xây dựng. Công ty chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2010.

Thanh tra Hà Nội khẳng định, Công ty cổ phần xây dựng Thương mại - Dịch vụ Lan Anh xây dựng không phép 6 sân tennis (tại vị trí sân của Nhà thi đấu 1.500 chỗ ngồi). Hiện nay cả 6 sân tennis đều do công ty này khai thác sử dụng.

Cung Tuổi trẻ đã biến tướng, trở thành địa điểm tập Gym

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội còn liên doanh với Công ty Cổ phần vận tải Xây lắp Hoàng Hà xây dựng 1 điểm trông giữ xe. Tháng 10/2018, UBND quận Hai Bà Trưng có văn bản yêu cầu dừng mọi hoạt động trông giữ phương tiện và chỉ được trông giữ cho đến khi hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý.

Tuy nhiên hiện nay Công ty Hoàng Hà vẫn đang khai thác sử dụng trông xe ngày đêm nhưng không đóng tiền thuê đất với Nhà nước từ năm 2008.

Từ những sai phạm, Thanh tra TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền nghiêm túc thực hiện theo kết luận thanh tra và khắc phục, xử lý đối với diện tích đất bị lấn chiếm, các công trình xây dựng vi phạm quy hoạch, sai phép, không phép trên diện tích đất Công viên Tuổi trẻ Thủ đô.