18/01/2025 | 19:29 GMT+7, Hà Nội

Quận Hoàn Kiếm: Quy hoạch phố cổ "tan hoang" vì sự buông lỏng quản lý TTXD?

Cập nhật lúc: 01/06/2020, 14:05

Hàng loạt các công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) kéo dài trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không bị xử lý triệt để, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội.

Lời tòa soạn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Đã gần 7 năm, kể từ ngày Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký Quyết định số 6398/QĐ-UBND, ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội. Quyết định nhằm bảo vệ các di tích lịch sử cấp Quốc gia, có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử. Thế nhưng, đến nay sau gần 7 năm Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội được triển khai, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm xuất hiện rất nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD), phá vỡ quy hoạch, cảnh quan, làm tăng mật độ dân số, tạo áp lực lớn đến giao thông đô thị và cơ sở hạ tầng.

Nội dung Quyết định 6398/QĐ – UBND, của UBND TP Hà Nội đã rất rõ ràng, cụ thể. Quyết định chỉ đạo tiếp tục thực hiện công tác khảo sát, đánh giá, phân loại các di sản vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn, tôn tạo trong khu phố cổ. Đồng thời tăng cường tuyên tuyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên và người dân về giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tập trung vào công tác quản lý, bảo vệ các công trình di tích và nhà ở có giá trị, quản lý quy hoạch kiến trúc và cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Bản đồ quy hoạch phố cổ

Theo đó, toàn bộ khu phố cổ Hà Nội được chia ra làm 2 khu vực, trong đó khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 1 rộng khoảng 19 ha, được giới hạn bởi các phố Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật cùng 14 phố và đoạn phố khác như Hàng Buồm, Hàng Giầy, Ngõ Gạch, Hàng Muối, Mã Mây… Trong khu vực này, các công trình muốn cải tạo, xây dựng mới phải trên cơ sở phục dựng kiến trúc gốc trước 1954 hoặc theo phong cách, kiến trúc không gian tiêu biểu của phố cổ.

Khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 2 rộng 63 ha, gồm 66 phố và các ô phố còn lại trong ranh giới phố cổ. Hầu hết các phố trong khu vực này, thành phố khuyến khích cải tạo, phục dụng lại kiến trúc cổ, khuyến khích cải tạo, bảo tồn các công trình 2 tầng trở xuống. Riêng phố Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải cho phép xây dựng các công trình đa chức năng, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng…

Đối với quy định về mật độ xây dựng, tầng cao và khoảng lùi, UBND TP Hà Nội yêu cầu tổ chức, cá nhân khi xây dựng công trình tại khu phố cổ, mật độ xây dựng tối đa là 70%, chiều cao lớp nhà mặt phố từ 1 - 3 tầng, tương đương với cao từ 6 - 12 m. Riêng phố Phan Đình Phùng, nhà mặt tiền được xây tối đa 4 tầng (16 m), phía sau được xây tối đa 5 tầng (20 m). Các phố còn lại, nhà phía sau được xây từ 2 - 4 tầng, tối đa 16 m.

Công trình số 8a Lý Nam Đế vi phạm TTXD, vượt tầng không bị xử lý

Ngoài các nội dung trên, TP Hà Nội còn yêu cầu các đơn vị chức năng, tổ chức cá nhân phải chấp hành một số quy định, trong quá trình xây dựng các công trình. Cụ thể, với các công trình xây dựng, nghiêm cấm việc xây dựng các tầng hầm, trừ các phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật với điều kiện không ảnh hưởng đến các công trình di tích khác.

Thành phố cũng chỉ đạo không được xây dựng các trung tâm thương mại lớn, không xây dựng các công trình nhà ở mới làm tăng dân số, tăng mật độ xây dựng, tạo áp lực lên hạ tầng giao thông, môi trường…

Công trình xây ở các phố quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận gồm Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng, Nhà Chung, Nhà Thờ, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ không được phá vỡ cảnh quan, không gian mặt nước, các công trình công cộng, di tích lịch sử…, do vậy, nhà mặt phố ở đây chỉ được xây cao không quá 4 tầng (16 m), nhà lớp sau xây dựng không quá 6 tầng (24 m); Khu phố cũ được chỉ định chiều cao công trình không quá 6 tầng, và khu vực hạn chế phát triển thuộc các quận: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, từ vành đai 2 trở vào trung tâm, được giới hạn chiều cao công trình từ 5 - 7 tầng, nhằm khống chế mật độ dân số các quận này từ 220 – 260 người/ha.

Tuy nhiên, nhìn trên hiện trạng thực tế tại các khu phố cổ hiện nay. Tình trạng vi phạm TTXD ngày càng nghiêm trọng, có sự biến tướng ngày càng tinh vi. Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng trên, bắt nguồn từ việc công tác quản lý TTXD có sự buông lỏng trong việc kiểm tra, xử lý. 

Nhiều công trình kinh doanh dịch vụ lưu trú vi phạm TTXD trên địa bàn phố cổ không được xử lý triệt để.

Trao đổi về vấn đề này, PV đã có buổi làm việc với ông Vũ Tuấn Trung, Đội trưởng Đội quản lý TTXD đô thị quận Hoàn Kiếm. Tại buổi làm việc, ông Trung đánh giá việc nhận xét tổng quan sau gần 7 năm thực hiện QĐ 6398/QĐ – UBND, phải có thời gian đánh giá lại toàn diện. Đồng thời ông Trung cũng thừa nhận rằng, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, trước đây và hiện tại có nhiều công trình vi phạm TTXD chưa được xử lý. Theo ông Trung lý giải, vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên là vấn đề nhu cầu về chỗ ở, kinh doanh, dịch vụ của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc để người dân tự ý xây dựng sai phép, sai kiến trúc, cơi nới… trên địa bàn phố cổ, vô hình chung đã hủy hoại vẻ đẹp cổ kính của phố cổ trong mắt khách du lịch.

Thứ hai là do công tác quản lý Nhà nước, cụ thể ở đây là lãnh đạo các phường và lãnh đạo quận. Theo như lời ông Trung trao đổi thì: “Có trường hợp phát hiện được, có cái không phát hiện được. Cái nào phát hiện được sẽ xử lý”. Nguyên nhân các trường hợp không được xử lý triệt để, là do người dân lợi dụng thời điểm “nhạy cảm” để lén lút xây dựng và cán bộ quản lý chủ quan (ngày lễ, ngày cận tết, ngày nghỉ và thời gian nửa đêm, rạng sáng…).

Tuy nhiên, ông Trung chỉ nêu ra các công trình vi phạm TTXD nhỏ như cơi nới, sửa chữa, cải tạo không xin phép. Các công trình vi phạm lớn, như xây dựng vượt nhiều tầng, sai phép, sai quy hoạch thì không được nhắc tới.

Để có những thông tin cụ thể về kết quả sau gần 7 năm triển khai Quyết định 6398/QĐ-UBND, của UBND TP Hà Nội, ông Trung hẹn PV làm việc vào buổi khác để trả lời và cung cấp hồ sơ. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, PV liên hệ vẫn chưa nhận được câu trả lời.