20/04/2024 | 02:17 GMT+7, Hà Nội

Cơ sở đốt rác thải điện tử có thể bị khởi tố hình sự

Cập nhật lúc: 11/10/2019, 14:46

Liên quan đến sự việc chính quyền lúng túng trong công tác xử lý cơ sở đốt rác thải điện tử, luật sư nêu quan điểm cần truy cứu trách nhiệm và có thể khởi tố hình sự...

Cụ thể, vụ việc một cơ sở đốt rác thải điện tử nằm giáp ranh huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và huyện Cao Dương (Hoà Bình) được người dân phản ánh tới báo chí. Ngay sau đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn số 4830/BTNMT-TCMT khẳng định chưa cấp phép cho các cơ sở đốt rác gây ô nhiễm.

Bộ đề nghị UBND Thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Hòa Bình gấp rút chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan; nhanh chóng làm rõ thông tin, tiến hành đình chỉ các lò đốt rác trái phép và điều tra xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật, giải quyết triệt để các vấn đề môi trường phát sinh, đảm bảo sức khỏe và môi trường sống cho người dân.

Lò đốt rác thải điện tử nằm sâu trong rừng giáp ranh huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và huyện Cao Dương (Hào Bình)

UBND huyện Mỹ Đức, UBND huyện Lương Sơn chưa có bất cứ động thái đưa ra phương án xử lý. Thay vào đó lãnh đạo hai huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và Cao Dương (Hoà Bình) loanh quanh, đùn đẩy trách nhiệm với lý do khu vực cơ sở xây dựng lò đốt rác thải điện tử không thuộc địa phận của mình nên không có chế tài xử lý đối tượng đốt rác thải và không đưa ra phương án xử lý.

Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã có buổi trao đổi về sự việc trên với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật Kết Nối. 

PV: Theo luật sư việc đốt rác thải điện tử sẽ bị xử lý theo điều khoản thuộc bộ luật nào?

Luật sư: Theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường năm 2014: Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác. Rác thải điện tử bao gồm các chất PCB, TBBA, PBB, PBDE, CFC, PVC, Asenic, Barium, Beryllium, Cadmium, Lithium, Thủy ngân, Zinc sulphide, … thuộc danh mục chất thải nguy hại theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại. Ngoài ra chất thải điện tử cũng được xác định là chất thải rắn sinh hoạt theo Điều 15 Nghị định 38/2015/NĐ-CP. Hành vi xử lý chất thải không đúng quy định sẽ bị xử lý theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Các hình thức xử lý chất thải theo quy định tại khoản 16 Nghị định 38/2015/NĐ-CP: Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải.

Việc đơn vị xử lý rác thải không đúng trình tự thủ tục sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 8, 9, 10, 11 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Ngoài ra hình thức đốt sẽ sinh ra khí thải, ảnh hưởng đến môi trường sẽ bị xử lý theo Điều 16 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Rác thải điện tử thuộc danh mục chất thải nguy hại được cơ sở đốt lấy kim loại quý gây ô nhiễm môi trường trong nhiều ngày ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ người dân...

PV. Cơ sở hoạt động không giấy phép, tự ý đốt rác thải điện tử có thể khởi tố không

Luật sư: Việc xử lý chất thải có thể bị khởi tố hình sự, tùy theo mức độ vi phạm. Việc chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm về môi trường để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 52 Nghị định 155/2016/NĐ-CP

Chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm về môi trường để truy cứu trách nhiệm hình sự và chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính.

a) Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về môi trường để truy cứu trách nhiệm hình sự và chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của Điều 62 và Điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật tố tụng hình sự.

b) Đối với vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về môi trường được phát hiện qua công tác thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

PV. Cơ quan quản lý ở địa phương để xảy ra tình trạng đốt rác thải điện tử có bị truy cứu trách nhiệm hay không?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: "Đốt rác thải nguy hại có thể khởi tố hình sự"...

Luật sư: Cơ quan quản lý ở địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm về xử lý rác thải có thể bị truy cứu trách nhiệm, quy định theo Điều 53 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Điều 53. Trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

1. Việc kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải bảo đảm nguyên tắc không chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cá nhân, tổ chức vi phạm. Một năm chỉ có một đoàn kiểm tra hoặc thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại một cơ sở, doanh nghiệp, trừ trường hợp kiểm tra, thanh tra đột xuất theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý nhà nước về kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước thông qua các nội dung sau đây:

a) Lập, phê duyệt, thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên phạm vi cả nước theo quy định pháp luật; hằng năm định hướng đối tượng, lĩnh vực và địa bàn kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường cho bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; hướng dẫn quy trình, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

c) Phối hợp lực lượng Công an nhân dân phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; cung cấp thông tin kịp thời các dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức cho lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật;

d) Chủ trì xử lý các trường hợp chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo nguyên tắc, trách nhiệm và cơ chế phối hợp tại Điều này; tổng hợp, công khai kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.

3. Bộ Công an chịu trách nhiệm và chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật theo quy định pháp luật và theo định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường; không kiểm tra các đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 4 Điều này, trừ trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

b) Chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường các cấp thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

c) Cung cấp, chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân cung cấp thông tin về các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra, thanh tra hằng năm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường;

d) Chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường các cấp khi tiến hành kiểm tra đột xuất cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật do lực lượng Công an nhân dân phát hiện. Đoàn kiểm tra do lực lượng Công an nhân dân tổ chức phải có sự tham gia của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường;

đ) Định kỳ 06 tháng và hàng năm báo cáo tình hình, kết quả kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của lực lượng Công an nhân dân cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, công khai theo quy định pháp luật.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên cơ sở định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và kế hoạch kiểm tra, thanh tra đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền trên địa bàn sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn do Bộ Tài nguyên và Môi trường, lực lượng Công an nhân dân chủ trì; phối hợp với lực lượng Công an nhân dân trong hoạt động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức trên địa bàn;

c) Tổng hợp, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tình hình, kết quả kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh định kỳ 06 tháng và hàng năm.

5. Các bộ cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này.

Cảm ơn luật sư đã chia sẻ thông tin pháp luật hữu ích cho đọc giả. 

Để tiếp tục làm rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý, phương án xử lý sự việc chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng và thông tin đến bạn đọc./.