19/01/2025 | 07:07 GMT+7, Hà Nội

Đốt rác thải điện tử gây ô nhiễm - Cơ quan chức năng chậm trễ xử lý

Cập nhật lúc: 29/09/2019, 08:32

Nguyên xác định do cơ sở đốt rác thải điện tử lấy kim loại nằm giáp ranh địa bàn huyện Mỹ Đức và huyện Lương Sơn. Tuy nhiên, chính quyền địa phương “đá bóng trách nhiệm” chưa thể đưa ra phương án xử lý.

Ô nhiễm từ lò đốt rác thải điện tử

Hiện tượng khói độc xuất hiện và kéo dài từ đầu tháng 9/2019, thường xuyên xảy ra vào ban đêm chưa có dấu hiệu dừng lại. Người dân sau khi hít phải khí độc trong không khí luôn cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, khó thở, một số người già và trẻ em xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức đã phải nhập viện do hít phải khói độc.

Một người dân xã Tuy Lai cho biết: “Cứ đêm xuống khói đọc mù mịt như sương mù, khoảng một tuần trước khói dày đặc chúng tôi hít phải rất khó thở. Tìm kiếm nhiều ngày mới biết được khói bay từ ở sâu trong rừng theo gió đưa về”… Được biết các phế liệu điện tử này có chứa kim loại vàng, bạc, có thể họ đốt để tách lấy chúng”…

Cơ sở đốt rác thải điện tử lấy kim loại quý xây dựng hoạt động sâu trong rừng nằm giáp ranh hai huyện Mỹ Đức ( Hà Nội) và huyện Lương Sơn ( Hoà Bình)

Theo chỉ dẫn của người dân, để vào được điạ điểm xuất hiện khói độc phải đi qua con đường ngoằn nghèo và nhiều lớp cổng sắt được xây dựng kiên cố. Sau các cánh cổng sắt, một bãi đất trống cơ sở đốt kim loại được dựng lên với hàng loạt các thiết bị máy móc, lò đốt, hệ thống phát điện công xuất lớn, hệ thống làm mát.... Trên khoảng đất trống hàng trăm tấn rác thải điện tử chứa trong các bao tải chất đống ngổn ngang chờ đưa vào lò đốt tách lấy kim loại. Tại đây, một người xưng là quản lý của cơ sở này thông tin: “Ở đây đốt dây đồng, có một lò đốt bé không thể làm khói độc lan rộng”…

Rác thải kim loại đồ tràn lan trên nền đất chờ đưa vào lò đốt...

Trước đó không lâu, qua bước tiến hành kiểm tra, các cơ quan chức năng xác định, nguồn gốc của khói bụi xuất phát từ một cơ sở đốt rác thải điện tử nằm sâu trong khe núi, nơi tiếp giáp giữa huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình).

Cơ quan chức năng “đá bóng” trách nhiệm

Theo biên bản kiểm tra hiện trạng hồi đầu tháng 8/2019 của UBND xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, chủ cơ sở đốt rác thải kim loại là ông Nguyễn Văn Tuyến ( sinh năm 1974), huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Trong biên bản, chủ cơ sở cho biết, khoảng tháng 7/2019, đã tiến hành xây dựng một lò đốt nung để nấu đốt các loại vật liệu phế thải để lấy kim loại tái chế. Về thủ tục pháp lý không có bất cứ giấy phép nào.

Lò đốt xây dựng kiên cố hoạt động không giấy phép nhưng chưa bị xử lý.

Vì đâu mà sai phạm rõ ràng nhưng không thể xử lý chủ cơ sở? Lãnh đạo xã Cao Dương khẳng định không quản lý cả về con người lẫn khu lò xây trái phép, tất cả đều thuộc phạm vi xử lý của Hà Nội. Bởi vị trí lò đốt rác nằm trên đất của xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức.

Đối chiếu với bản đồ địa chính mới nhất được lưu giữ tại UBND xã Cao Dương, lãnh đạo xã cũng khẳng định không quản lý cả về con người lẫn khu lò xây trái phép, tất cả đều thuộc phạm vi xử lý của Hà Nội.

Ngày 17/9/2019, UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội ra công văn số 1368/UBND-TNMT, xử lý ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động sản xuất, chế biến rác thải công nghiệp thuộc địa giới hành chính xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình không thuộc thẩm quyền quản lý, kiểm tra, xử lý của UBND huyện Mỹ Đức.

Hàng trăm tấn rác thải điện tử chất đống...

Chậm trễ hay năng lực quản lý yếu kém

Mối nguy hại về khí độc ngày càng khiến cho người dân lo lắng về sức khoẻ và môi trường là vậy. Ở một diễn biến khác các đơn vị quản lý, cơ quan chức năng lại không thể xử lý chủ cơ sở sản xuất với lý do “cơ sở đốt chất thải nằm trên địa phận giáp ranh khó xác định thuộc quản lý của huyện Mỹ Đức ( Hà Nội) hay huyện Lương Sơn ( tỉnh Hoà Bình).

Bộ Tài nguyên và Môi trường ra công văn số 4830/BTNMT-TCMT chỉ đạo xử lý. 

Ngày 24/9/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra công văn số 4830/BTNMT-TCMT khẳng định chưa cấp phép cho các cơ sở đốt rác gây ô nhiễm.

Bộ đề nghị UBND Thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Hòa Bình gấp rút chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan; nhanh chóng làm rõ thông tin, tiến hành đỉnh chỉ các lò đốt rác trái phép và điều tra xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật, giải quyết triệt để các vấn đề môi trường phát sinh, đảm bảo sức khỏe và môi trường sống cho người dân.

Ngày 26/9/2019, UBND huyện Mỹ Đức, UBND huyện Lương Sơn chưa có bất cứ động thái đưa ra phương án xử lý. Trước thực trạng nêu trên, người dân lo lắng, bức xúc đặt ra câu hỏi: Phải chăng năng lực quản lý, xử lý của lãnh đạo các cấp quá yếu kém nên còn lúng túng, không thể đưa ra phương án giải quyết(?!)

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.