18/01/2025 | 15:00 GMT+7, Hà Nội

Tây Hồ: Buông lỏng quản lý, tiếp tay cho xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Cập nhật lúc: 29/09/2019, 13:54

Tình trạng xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp diễn ra tràn lan trên địa bàn phường Yên Phụ, phá vỡ quy hoạch đô thị quận Tây Hồ.

Theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/1/2014 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu chủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền.

Nội dung Chỉ thị cũng nêu rõ, địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.

Phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ "điểm nóng" sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích...

Tuy nhiên, việc xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp không được xử lý triệt để mà còn có dấu hiệu gia tăng. Tiêu điểm, trên địa bàn phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, trong nhiều năm việc xây dựng tràn lan với hàng loạt nhà ở trên đất nông nghiệp, nhà xưởng tạm bợ được dựng lên bất chấp các quy định về phòng cháy chữa cháy hay quy định mắc đường lưới điện khu dân cư, gây phá vỡ cấu trúc quy hoạch đô thị.

Tại địa chỉ hẻm 76/32/43 phố An Dương, hàng chục công trình nhà ở, biệt thự xây dựng mới trái phép trên đất nông nghiệp. Loạt công trình trong ngõ 55 làng Yên Phụ mới (trước đó là 42 đường làng Yên Phụ); công trình 103 ngõ 76 làng Yên Phụ; công trình cạnh 76B đường làng Yên Phụ cũng được các chủ đầu tư xây dựng “sai phép”.

Xây dựng tràn lan, lấn chiếm hàng nghìn m2 đất nông nghiệp...

Theo cư dân phản ánh, trong quá trình xây dựng, nhiều công trình trên không thực hiện che chắn đúng cách khiến gạch, vữa, bụi, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn tai nạn xây dựng.  

Cùng đó dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng nhưng không hề bị UBND phường Yên Phụ xử lý hay cưỡng chế?

"làm luật" với TTXD "vô tư" xây nhà ở...

Qua ghi nhận thực tế, trong vai nhà đầu tư mua các khu đất nông nghiệp giá rẻ để tiến hành xây dựng được người dân chia sẻ: “Giá đất ở đây chỉ từ 15-20 triệu/1m2. Thủ tục mua bán bằng giấy viết tay, còn xây dựng các cô chú mua sẽ được chủ đất lo cho giấy tờ. Khi xây dựng nhà chỉ cần “làm luật” với cán bộ thanh tra xây dựng khoảng 3 triệu/1m2 cứ thế nhân lên. Ở đây nhà nào xây đều làm luật hết”…

Trước những vấn đề nêu trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thành Trung, Phó chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết: "Tất cả công trình phóng viên đưa ra đều là cũ. Không có chuyện làm luật với cán bộ thanh tra xây dựng, mới đây tôi cho cưỡng chế một công trình vi phạm trật tự xây dựng…

Công trình số 120/32/76 được Phó chủ tịch UBND phường Yên Phụ chỉ ra xây dựng vi phạm bị đập một phần tường, được cho là đã cưỡng chế  nhưng không có văn bản xử lý...

Tuy nhiên, khi Pv đề nghị cung cấp văn bản báo cáo về việc sử dụng đất nông nghiệp, giấy phép xây dựng các công trình có dấu hiệu sai phạm, quyết định cưỡng chế thì ông Phạm Thành Trung, phó Chủ tịch phường Yên Phụ không đưa ra được. Duy nhất chỉ có một vài hình ảnh đập dỡ phần tường của một công trình số 120/32/76 An Dương.

Quay trở lại “điểm nóng” An Dương đang tồn tại hàng loạt sai phạm về đất nông nghiệp. Chị K.G cư dân chia sẻ: “Cưỡng chế chỉ là đập đi rồi mấy hôm cho chủ đầu tư làm lại thôi. Lần nào cũng thế, người dân ở đây quá quen rồi”…

Có thể thấy được việc xây dựng trái phép, lấn chiếm sử dụng đất nông nghiệp tại phường Yên Phụ nói riêng, quận Tây Hồ nói chung là một vấn nạn nhức nhối. Hơn thế, hệ luỵ của việc mua bán, xây dựng nhà qua giấy viết tay tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư, phần nào đó vô hình tạo ra cơ hội cho "cò mồi" tung hoành, lừa đảo người dân...

Nhưng còn đó các công trình đang dần hoàn thiện, được rào kín tôn đang xây dựng gấp rút ngày đêm không bị xử lý.

Thực trạng nhức nhối đã và đang diễn ra suốt nhiều năm qua, đây có được coi là dấu hiệu “bảo kê” cho sai phạm, hay năng lực, cách quản lý của lãnh đạo phường yếu kém?

Đề nghị UBND quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở nông nghiệp, nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất trên địa bàn, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân.