19/01/2025 | 13:35 GMT+7, Hà Nội

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Tín dụng tiêu dùng chưa phổ biến, người dân phải đi vay tín đen

Cập nhật lúc: 13/01/2021, 17:45

Ở Việt Nam, tình trạng tín dụng đen còn phổ biến và nguyên nhân chính là do hệ thống tín dụng chính thức chưa phát triển khiến người dân khó tiếp cận và vay vốn.

PV: Thưa chuyên gia, ông có thể phác hoạ thực trạng và đánh giá về triển vọng thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam?

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Tất nhiên thị trường tài chính tiêu dùng sẽ phát triển. Bởi vì, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, tất cả các nền kinh tế phát triển thì tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ lệ rất lớn. Ví dụ ở Mỹ, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm trên 50% tổng dư nợ tín dụng toàn nước Mỹ.

Như vậy, không có tín dụng tiêu dùng thì không thể tiêu dùng được và không tiêu dùng được thì không thể phát triển thị trường. Ở Mỹ, khi đi mua một cái điều hoà, tủ lạnh, máy giặt, thậm chí là một bộ quần áo thì khách hàng đều có tín dụng tiêu dùng hỗ trợ. Chỉ cần đưa thẻ ra thì hệ thống sẽ tính vào thẻ, cơ quan tín dụng tiêu dùng tài trợ các nhu cầu đó và số tiền tiêu dùng đó rất lớn đối với ngân sách của gia đình. Cuối tháng, khách hàng phải có số tiền dự trữ trong thu nhập (lương) để thanh toán tín dụng tiêu dùng đã chi tiêu trong tháng đó.

Tùy theo từng loại hàng hoá mà thời hạn cho vay cũng khác nhau, ví dụ mua tủ lạnh có thể 1-2 năm; mua quần áo thì chỉ mấy tháng là đến hạn phải tất toán ... Tín dụng tiêu dùng rất bao quát các nhu cầu tiêu dùng trong một nền kinh tế mở và phát triển.

Ở Việt Nam, dần dần cũng tiến đến xu hướng đó, khi đi mua hàng hóa giờ không cần dùng tiền mặt mà thanh toán bằng thẻ. Nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng tiêu dùng, khách hàng mua trước, trả sau. Giả sử mua ngày mùng 5 thì cuối tháng mới phải thanh toán. Như vậy, tín dụng tiêu dùng hỗ trợ cho khách hàng về các nhu cầu tài chính trong mấy chục ngày cho đến nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Nếu người đi vay thanh toán đúng ngày, đúng hạn thì không sao, trễ ngày thì công ty sẽ tính lãi suất dựa trên số tiền vay. Đó là vấn đề mà những người đi vay phải biết điều kiện sử dụng và điều kiện về tín dụng tiêu dùng cụ thể như thế nào để chi tiêu và thanh toán cho hợp lý. Nếu không cuối tháng, cuối năm sẽ không hiểu tại sao mình phải trả nhiều tiền như thế.

Dường như nhiều người vẫn đánh đồng tín dụng tiêu dùng với tín dụng đen, vậy hai loại hình này khác nhau như thế nào thưa ông?

Tín dụng đen là tín dụng phi chính thức, tự phát. Tín dụng đen không ở trong ngành, tổ chức nào cả. Tín dụng đen là người dân tìm đến những người cho vay nặng lãi, nói là tôi cần 10 triệu, 20 triệu hay 50 triệu đồng và thống nhất vay khi nào trả và trả lãi bao nhiêu phần trăm. Đây là câu chuyện khác, hoàn toàn không phải là tín dụng tiêu dùng. Tín dụng tiêu dùng là hoạt động tín dụng chính thức, được quản lý bởi hành lang pháp lý riêng biệt và được NHNN giám sát và quản lý trực tiếp.

Tín dụng đen là một vấn nạn của nền kinh tế, của những người có nhu cầu tài chính khó giải quyết.

Tín dụng đen phát triển phải chăng do chưa phát triển được tín dụng tiêu dùng tốt?

Tín dụng đen là người dân không đi vay ở đâu được mới tìm đến những người cho vay nặng lãi. Cho vay nặng lãi là bản chất của tín dụng đen.

Còn đối với tín dụng tiêu dùng, chúng ta có hẳn một cơ chế và hành lang pháp lý điều chỉnh, người dân vay tiền tiêu dùng của các ngân hàng hoặc công ty tài chính. Tín dụng tiêu dùng là hoàn toàn hợp pháp, còn tín dụng đen là ngoài lề của pháp luật.

Ở trong một đất nước mà tình hình phát triển tín dụng chính thức chưa phổ biến thì khi người dân cần dùng tiền sẽ phải đi vay tín dụng đen. Nếu vay được ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các Công ty tài chính thì không ai đi vay tín dụng đen.

Hệ thống cho vay tiêu dùng chưa phủ sóng đủ để giải quyết nhu cầu tài chính của người dân dân. Không có cách nào khác, người ta lại tìm đến các tổ chức cho vay phi chính thức ngoài xã hội. Từ đó, vấn đề cho vay nặng lãi, xã hội đen hình thành, nở rộ và để lại nhiều hệ luỵ.

Vậy chúng ta nên khuyến khích phát triển tín dụng tiêu dùng thế nào?

Ở các nước khác, công ty tài chính, nhà bán lẻ rất tích cực thông báo trên thị trường, nếu khách hàng có nhu cầu tiêu dùng, chẳng hạn cần mua điều hoà, máy tính, tủ lạnh… với một nhà bán lẻ thì có thể đến nhà bán lẻ đó để được giải quyết ngay về tín dụng tiêu dùng nếu như mua trước, trả sau. Họ chú trọng việc thông qua những hệ thống thương mại, mua bán hàng hóa để phát triển tín dụng tiêu dùng. Cần hỗ trợ cho các hoạt động tín dụng tiêu dùng chính thức này phát triển mạnh mẽ, góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen ngoài xã hội.

Vậy còn góc độ Chính phủ và chính sách thì nên khuyến khích ra sao thưa ông?

Chính phủ các nước đều có những quy định của pháp luật về tín dụng tiêu dùng, ở Việt Nam cũng có. Tuy nhiên, ở nước ta chưa phát triển mạnh và đây là vấn đề cần chú trọng quảng bá thêm những lợi ích của tín dụng tiêu dùng để người dân biết nếu có nhu cầu thì tìm đến tín dụng tiêu dùng chính thức của các ngân hàng và công ty tài chính, chứ không phải đi vay nặng lãi, tìm đến tín dụng đen. Các cơ chế, chính sách mà siết chặt các hoạt động TCTD thì vô hình chung lại tạo đà cho tín dụng đen phát triển. Chính vì thế, các cơ quan quản lý cần có cái nhìn bao quát cho vấn đề này.

 

Chuyên gia Bùi Kiến Thành
Chuyên gia Bùi Kiến Thành

Trong bối cnh dịch Covid -19 ảnh hưởng tới cuộc sống, theo chuyên gia tín dụng tiêu dùng phát triển có kích thích sản xuất không?

Tất nhiên là có. Nếu như không có tín dụng tiêu dùng thì làm sao người dân mua sắm được nhiều hàng hóa. Khi có tín dụng tiêu dùng thì dễ mua sắm hơn, kích thích vấn đề cung - cầu trên thị trường, hàng hóa lưu thông mạnh hơn. Người dân sẵn có cơ hội, phương tiện để tiêu dùng, thị trường sẽ phát triển mạnh hơn.

Vậy các công ty cho vay tiêu dùng có chịu nhiều rủi ro không thưa ông?

Họ chịu nhiều rủi ro hơn các hình thức tín dụng thông thường, tín dụng ngân hàng. Vì khách hàng sẵn sàng đưa thẻ ra thanh toán, hoặc mua trả góp ở các điểm bán lẻ nhưng cuối tháng thì lại thanh toán không nổi, sẽ chuyển thành nợ xấu và các công ty tài chính có nguy cơ không thu hồi được vốn.

Tín dụng tiêu dùng và vấn đề thanh toán thẻ tiêu trước, trả sau có nhiều rủi ro hơn và nhiều rủi ro thì lãi suất cao hơn là đương nhiên. Nếu mình mua đồ tại các trung tâm điện máy thì có hợp đồng và quy định lãi suất rất rõ ràng, khác với mua sắm bằng thẻ tín dụng, khi không có hợp đồng. Khi mua thì đưa thẻ ra, cuối tháng trả. Nếu cuối tháng không trả thì các công ty quản lý thẻ sẽ áp dụng điều kiện sử dụng thẻ và lãi suất trả chậm với thẻ.

Xu hướng tiêu dùng thẻ và tiền mặt trên thế giới hiện ra ra sao thưa ông, chẳng hạn như Mỹ?

Ở Mỹ, có thể trên 90% thanh toán bằng thẻ. Đi đâu cũng rút thẻ ra trả, một người có thể có đến 5-7 thẻ, thậm chí là chục cái trong ví, ít ai cầm tiền. Khi ra đường, người ta cầm khoảng 5-10 Đô la chứ ít khi cầm nhiều tiền mặt. Đi đâu, mua gì đều rút thẻ. Khi thanh toán thẻ sẽ không dùng tiền mặt nữa và sẽ áp dụng những điều kiện về thanh toán thẻ. Vì thế, các nhà bán lẻ phải có máy thanh toán bằng thẻ. Giống như trên xe taxi có máy để thanh toán bằng thẻ. Cuối tháng, công ty thẻ sẽ thanh toán cho nhà bán lẻ, người tiêu dùng thanh toán cho công ty thẻ.

Ông dự báo thế nào về thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn tới?

Như tôi nói, ở Mỹ, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm hơn 50% tổng dự nợ toàn nền kinh tế. Tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam rồi sẽ phát triển theo hướng đó. 

Ngoài ra, tín dụng tiêu dùng rất phát triển và Việt Nam có thể nghiên cứu kinh nghiệm đề phát triển thị trường này. Tôi cho rằng, dư địa và triển vọng còn rất lớn.

Còn việc tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng bao nhiều % tổng dư nợ là hợp lý thì mức hợp lý là dựa trên sự phát triển nền kinh tế và vấn đề cung – cầu trên thị trường. Sự hợp lý dựa vào khả năng thanh toán đối với người tiêu dùng. Khi mất khả năng thanh toán thì nó không còn hợp lý nữa.

Bởi vậy Việt Nam nên có chính sách khuyến khích tín dụng tiêu dùng phát triển phù hợp với nền kinh tế đất nước. Khi thị trường lớn tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, cho doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa bán được, tạo điều kiện cho người mua hàng cần vay tiền mua được. Khi đó, kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn. Nhà nước nên nghiên cứu và có cơ chế, chính sách phù hợp cho thị trường này phát triển, không chỉ thúc đẩy chung cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, phát triển TCTD là công cụ hữu hiệu đẩy lùi tín dụng đen ngoài xã hội.

- Xin cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi!

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/chuyen-gia-kinh-te-bui-kien-thanh-tin-dung-tieu-dung-chua-pho-bien-nguoi-dan-phai-di-vay-tin-den-20201231000000317.html