19/01/2025 | 16:16 GMT+7, Hà Nội

Đâu là "giai đoạn vàng" để Việt Nam phát triển tín dụng tiêu dùng?

Cập nhật lúc: 23/06/2019, 00:18

Việt Nam được đánh giá đang trong giai đoạn "vàng" để phát triển tín dụng tiêu dùng khi có dân số trong độ tuổi lao động cao.

Thương hiệu mới mọc lên như nấm

Thị trường tài chính tiêu dùng với nhiều tiềm lực đã làm cho nhiều đơn vị nhảy vào lĩnh vực này. Tháng 10/2018, Công ty Tài chính CP Điện lực (EVN Finance) ra mắt thương hiệu tài chính tiêu dùng Easy Credit tại TP.HCM, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định sửa đổi bổ sung nội dung giấy phép thành lập và cách thức hoạt động của EVN Finance.

Trước đó, giữa tháng 8, Công ty Tài chính TNHH MTV Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) cũng đã khai trương trụ sở mới tại Hà Nội. Mới đây, Công ty Tài chính CP Xi măng cũng đổi tên thành Công ty Tài chính CP Tín Việt (VietCredit Finance Company). Rồi ngân hàng SeABank đã mua lại toàn bộ vốn góp của Tập đoàn VNPT tại Công ty Tài chính Bưu điện. Bên cạnh đó, các ngân hàng như Vietcombank, ACB hay OCB cũng tỏ rõ mong muốn gia nhập thị trường này.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu rót vốn vào thị trường cho vay tiêu dùng Việt đang vô cùng hấp dẫn. Trong vòng một năm trở lại đây, thị trường liên tục chứng kiến sự gia nhập của các tên tuổi lớn trong lĩnh vực này. Cụ thể, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã mua lại Techcom Finance; Shinsei Bank (Nhật Bản) hồi tháng 9/2017 cũng đã mua lại cổ phần của Công ty Tài chính MB Shinsei từ Ngân hàng Quân đội (MB). Shinhan Card rót tiền mua Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (PVFC) sau khi đã sở hữu thương hiệu Ngân hàng ANZ Việt Nam.

Nếu độc quyền ắt hẳn khó có sự tối ưu, một khi đã có cạnh tranh thì các giải pháp tốt hơn, thu hút khách hàng hơn sẽ được đưa ra và điều này hiển nhiên có lợi cho khách hàng. Và đó cũng là yếu tố để ngành này ngày một phát triển.

Yếu tố nào giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển

Các chuyên gia cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển vàng nhờ những điều kiện lý tưởng như nền kinh tế đang ở giai đoạn tăng trưởng, dân số hơn 96 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm đến hơn một nửa.

Thu nhập của người Việt cũng trên đà tăng theo nền kinh tế cho nên người Việt chi tiêu đã thoáng hơn, họ sẵn sàng vay nợ chi tiêu cho các nhu cầu của đời sống. Hơn nữa, thời đại công nghệ phát triển khiến khả năng tiếp cận các khoản vay ngày càng dễ cũng là một yếu tố để ngành này lên cao.

Trên thị trường hiện có 18 công ty tài chính đang hoạt động, trong đó có 6 công ty nước ngoài, 4 công ty TNHH MTV do tập đoàn, tổng công ty nhà nước là chủ sở hữu và 8 công ty cổ phần có các cổ đông là tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm tỷ lệ trên 25%. Các công ty tài chính hiện hữu ngày càng phát triển nhanh hơn và chưa có dấu hiệu giảm tốc. Năm 2017, doanh thu của FE Credit tăng 45%, lợi nhuận tăng 55% so với cùng kỳ.

Chính vì vậy, để xác định "giai đoạn vàng" cho ngành tài chính tiêu dùng thì câu trả lời chính là thời điểm khi thị trường hội tụ đầy đủ những yếu tố trên: Dân số trẻ, công nghệ phát triển và tiềm năng của ngành tài chính dồi dào từ sự cạnh tranh của các tập đoàn tài chính.

Nguồn: http://dothi.reatimes.vn/dau-la-giai-doan-vang-de-viet-nam-phat-trien-tin-dung-tieu-dung-20190821154737187.html