19/01/2025 | 12:10 GMT+7, Hà Nội

"Chưa đủ cơ sở kết luận Salbutamol bị tuồn ra dùng trong chăn nuôi"

Cập nhật lúc: 14/04/2016, 06:10

Bộ Y tế cho biết, hiện chưa có đủ cơ sở để khẳng định Salbutamol bị tuồn ra dùng trong chăn nuôi. Vì thế sự việc chưa biết quy trách nhiệm cho ai.

Đã nhiều ngày nay, vấn đề chất tạo nạc (Salbutamo) được cho vào thức ăn chăn nuôi (nuôi lợn) là đề tài vẫn đang gây tranh cãi nảy lửa ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ vấn đề ai là người quản lý, ai là người  bán cho các cơ sở chăn nuôi, đến các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào và đây có phải là chất gây ung thư hay không? Cho đến thời điểm hiện tại, những tranh cãi này vẫn chưa đến hồi kết.

Mới đây nhất ngày 10/4, Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về việc cung cấp thông tin liên quan đến quản lý, cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol. Theo đó, Bộ Y tế cho rằng chưa có đủ cơ sở để khẳng định Salbutamol bị tuồn ra dùng trong chăn nuôi vì C49 vẫn đang điều tra.

Trước đó, không ít lần Bộ Y tế đã lên tiếng khẳng định việc nhập khẩu và quản lý chất Salbutamol là đúng quy trình. Tuy nhiên, đây là một trong số những chất thuộc sự quản lý của ngành y tế từ đầu vào lẫn đầu ra, như vậy việc lợn được nuôi bằng chất này là từ đâu ra, ai là người cung cấp? Câu hỏi này dù đang điều tra nhưng có lẽ để lâu rồi sẽ hóa bùn và sẽ không bao giờ có câu trả lời cuối cùng.

Chưa ai phải chịu trách nhiệm về việc Salbutamo được dùng trong chăn nuôi, trong khi người dân

Chưa ai phải chịu trách nhiệm về việc Salbutamo được dùng trong chăn nuôi, trong khi người dân "ăn đủ" chất tạo nạc trong lợn

Không chỉ có vậy, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) còn cho rằng, việc nhập nguyên liệu Salbutamol thì doanh nghiệp được cấp phép được nhập khẩu theo số lượng mà doanh nghiệp đề nghị tại đơn hàng trong giấy phép nhập khẩu được duyệt.

Theo Cục Quản lý Dược, việc này nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp dược trong nước chủ động, linh hoạt trong sản xuất và kinh doanh thuốc, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và đúng theo chủ trương cải cách thủ tục hành chính.

Nói như vậy có nghĩa là khi doanh nghiệp tự do kinh doanh, ngoài việc phục vụ sản xuất và kinh doanh thuốc, có lẽ nào các doanh nghiệp còn tự do buôn bán số lượng Salbutamol trong cả lĩnh vực chăn nuôi?

Không chỉ có vấn đề nhập nhèm trong việc quản lý, về tác hại của chất này cũng là là chủ đề gây tranh cãi gay gắt. Nhiều bác sĩ đã lên tiếng phản đối khi cho rằng thông tin chất Salbutamol gây ung thư là không có căn cứ khoa học. Cuộc tranh cãi này chỉ lắng xuống khi một số chuyên gia đầu ngành về ung thư khẳng định: “Trong danh mục các chất gây ung thư không có Salbutamol”.

Cứ cho đây là sự thật, nhưng việc không gây ung thư không có nghĩa là chất này không gây hại cho cơ thể, bởi bất kể chất nào muốn gây nên bệnh ung thư cũng phải có thời gian tích lũy, kể cả là thuốc lá.

Nhưng Salbutamol còn nguy hiểm hơn, mặc dù không gây ung thư nhưng những tác hại của nó như gây co thắt khó thở,  nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trước sự nguy hiểm của loại chất này khi sử dụng trong chăn nuôi, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải quy rõ trách nhiệm, có như vậy mới giải quyết được gốc rễ vấn đề. Theo ý kiến của bà Bùi Thị An ( Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) thì ai là người ký cho nhập một lượng dư quá nhiều như vậy, người đó chịu trách nhiệm.

“Chính phủ giao cho ai? Trong khi Bộ Y tế chỉ cần 10% trong tổng số đó thì ai là người ký cho nhập một lượng dư thừa nhiều như thế là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên”, đại biểu An khẳng định.

Mặc dù đến thời điểm hiện tại, trách nhiệm chưa quy cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào, nhưng người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là người dân khi ăn phải thịt lợn nhiễm Salbutamol./.