22/11/2024 | 10:26 GMT+7, Hà Nội

Báo động: Chất cấm chăn nuôi dạng biệt dược, thuốc an thần

Cập nhật lúc: 05/01/2016, 19:26

Gần đây, cơ quan chức năng đã xác định thêm hành vi mới trong việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đó là việc sử dụng chất cấm là các dạng biệt dược dạng lỏng, các loại thuốc an thần gây mê dùng cho heo như Combistress và Prozil được nhập khẩu từ nước ngoài theo dạng thuốc thành phẩm.

Báo cáo của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ NN&PTNT (Ban chỉ đạo 389 Bộ NN&PTNT) cho thấy: Qua điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng cung cấp chất cấm dưới dạng biệt dược dạng lỏng cho 2 trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai sử dụng, đồng thời đối tượng đang tiến hành đưa ra miền Bắc cung cấp tại các tỉnh Hưng Yên và Bắc Giang.

Chất lỏng này được xác định là thuộc nhóm Beta-Agronist với giá thành đối tượng cung cấp là 1,5 triệu đồng/lọ 20ml và tiêm trực tiếp cho 20 con heo ở giai đoạn 20 ngày trước khi xuất chuồng. Đây là hành vi vi phạm hết sức nguy hại. Thanh tra Bộ NN&PTNT đang theo sát hoạt động của đối tượng và phối hợp với lực lượng công an để điều tra, làm rõ.

Theo Ban chỉ đạo 389 Bộ NN&PTNT: Thời gian qua, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phía Nam: TP. HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bình Dương… và một số tỉnh, thành phố phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gây ra nhiều hiểm họa khó lường. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gây ra nhiều hiểm họa khó lường. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cơ quan chức năng ngành nông nghiệp đã kiểm tra và phát hiện ra 16% trong số các mẫu thịt bị kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc; 7,6% trong số các mẫu thịt bị kiểm tra có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. Nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi được thanh tra và phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm nào đó.

Tính từ đầu năm đến nay, Bộ NN&PTNT đã thành lập các Đoàn kiểm tra về thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Cụ thể, các Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được trên 40 tổ chức, cá nhân; phát hiện và xử lý 18 công ty có hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính trên 2,6 tỷ đồng; đang điều tra, xử lý tiếp tục 5 thương lái, 2 lò mổ tập trung, 2 cá nhân có hành vi sử dụng chất cấm và một số công ty dược cung cấp chất cấm Salbutamol trái phép.

Vàng-Ô và các chất kích thích tăng trưởng như Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là những chất cấm điển hình được phát hiện thời gian qua.

Vàng-Ô là loại hóa chất sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp như nhuộm sợi vải, nhuộm giấy. Con vật ăn chất này không đào thải được nên gây tồn dư, và vào cơ thể con người qua đường thực phẩm. Tồn dư chất này sẽ dẫn tới việc giảm chức năng nội tạng như thận, gan, đặc biệt là nguy cơ gây ung thư trên cơ thể người.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, rất nhiều Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã từng sử dụng chất này đưa vào nguyên liệu sản xuất và cho rằng sử dụng là do thị hiếu khách hàng và chưa ý thức được mức độ nguy hại của chất này với sức khỏe.

Còn các chất như Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ. Khi con người sử dụng thực phẩm có tồn dư chất này sẽ dẫn tới nguy cơ ngộ độc cấp tính hoặc tồn dư lâu sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, là một trong những nguyên nhân gây ung thư.

Các chất này cấm trong chăn nuôi nhưng lại là hoạt chất sử dụng làm thuốc trong dược người. Do khâu quản lý chưa chặt chẽ, nhiều tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng mua được các chất này để sử dụng trong chăn nuôi.

Ngày 18/11, Bộ NNPTNT công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố giác, phản ánh của người dân trước thực trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm gia tăng ở mức báo động trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.

Tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp sử dụng chất cấm, hoá chất ngoài danh mục cho phép gia tăng ở mức báo động.  Bộ NN&PTNT đã công bố đường dây nóng nhằm tiếp nhận thông tin của nhân dân phản ánh về các hành vi vi phạm trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Đường dây nóng của Thanh tra Bộ NN-PTNN có hai số điện thoại là 08.042526 hoặc 0917808113. Bên cạnh đó, người dân có thể trực tiếp liên hệ và cung cấp thông tin cho Thanh tra Bộ NN-PTNT tại địa chỉ tầng 3, nhà B6 và số 2 Ngọc Hà, Q.Ba Đình, Hà Nội.

Ngoài giữ bí mật danh tính người cung cấp thông tin, Bộ NN-PTNT sẽ xem xét thưởng cho cá nhân và tổ chức khi cung cấp thông tin chính xác phục vụ cho quá trình thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành./.