18/01/2025 | 14:47 GMT+7, Hà Nội

Những tác hại khủng khiếp của thực phẩm chứa chất cấm vàng Ô

Cập nhật lúc: 11/04/2016, 19:26

Các trường hợp thực phẩm bẩn ngậm chất vàng Ô ngày càng được phát hiện nhiều. Người tiêu dùng không khỏi hoang mang khi có thể mắc bệnh ung thư nếu sử dụng thực phẩm không an toàn này.

Sáng 8/4, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng cho biết vừa có kết quả xét nghiệm mẫu dưa cải muối chua được lấy tại 3 chợ trên địa bàn là chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Đống Đa và chợ Hòa Khánh. Theo đơn vị này, kết quả có 7/7 mẫu dưa muối bị nhiễm chất cấm Auramine O hay còn gọi là chất vàng Ô.

Cách đây vài ngày, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cũng đã lấy mẫu măng tươi, dưa cải tại các chợ và cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố và gửi đến trung tâm phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM để kiểm tra chất cấm vàng Ô.

Theo đó, trong 9 mẫu măng Đà Nẵng gửi vào Trung tâm phân tích thí nghiệm kiểm nghiệm thì chỉ có 2 mẫu măng màu trắng tự nhiên không có chất vàng Ô còn 7 mẫu măng tươi có màu vàng đều phát hiện tồn dư chất vàng Ô.

Vàng Ô là một chất màu công nghiệp, độc cho con người nên không được dùng trong chế biến thực phẩm.

Dưa muối ngậm chất vàng ô cho màu vàng bắt mắt.

Dưa muối ngậm chất vàng ô cho màu vàng bắt mắt.

Năm 2015, nhiều vụ dùng chất vàng Ô này để nhuộm màu thực phẩm được phát hiện đặc biệt là để “mông má” thịt gà. Sự vụ chưa kịp lắng xuống thì gần đây lại nổi cộm lên việc cả hàng tấn măng tươi được tẩy trắng rồi nhuộm vàng bằng chất vàng Ô độc hại, và một cơ sở giết mổ gà.

Gà nhuộm vàng Ô.

Gà nhuộm vàng Ô.

Dưới đây là những thông tin khoa học về chất vàng Ô…

Định danh chất vàng Ô

Vàng Ô (Auramine O) là tên thương mại của chất diarylmethane. Đây chất bột tinh thể hình kim, màu vàng, có nhân vòng phenol, dễ tan trong nước và cồn. Công thức hóa học là C17 H21 N3.

Vàng O chỉ dùng trong công nghiệp và y tế.

Vàng Ô chỉ dùng trong công nghiệp và y tế.

Vàng Ô là chất màu tổng hợp, chỉ được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm nhiều sản phẩm như vải, giấy, gỗ…và dùng để làm màu sơn quét tường.

Thùng Auramine O có ghi rõ: Chỉ dùng công nghiệp Không được dùng làm phụ gia thực phẩm.

Thùng Auramine O có ghi rõ: Chỉ dùng công nghiệp Không được dùng làm phụ gia thực phẩm.

Trong y khoa, Auramine Ô có thể được sử dụng để nhuộm màu vi khuẩn axit nhanh, như Mycobacterium, vi khuẩn Lao, nhở khả năng liên kết với acid mycolic trong thành tế bào loại vi khuẩn này, tương tự như thuốc nhuộm Ziehl-Neelsen. Vàng Ô cũng có thể được sử dụng làm thuốc nhuộm huỳnh quang Schiff. Người ta còn kết hợp Auramine Ô với Rhodamine B tạo thành thuốc nhuộm là auramine-rhodamine rất tốt để nhuộm vi khuẩn Lao (Mycobacterium tuberculosis). Phức hợp auramine-rhodamine này cũng có tác dụng khử trùng.

Những tác hại của vàng Ô

TS.BS Trần Bá Thoại  - Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam liệt kê những tác hại của vàng Ô như sau: 

* Nhiễm độc cấp:

Trên đường hô hấp: vàng Ô gây kích ứng dữ dội đường hô hấp sẽ gây sặc, lên cơn viêm phế quản, viêm phổi..

Trên hệ tiêu hóa: vàng Ô gây đau bụng, nôn ói, đau rát cổ, tiêu chảy..

Tiếp xúc da sẽ gây ngứa, bong tróc, viêm loét da.

* Nhiễm độc lâu dài

Parodi (1982) nghiên cứu trên động vật cho thấy vàng Ô auramine gây ung thư cho chuột cống và chuột nhắt.

Nhiều thí nghiệm cho thấy vàng Ô làm tổn thương axít nhân DNA của nhiều dòng tế bào, đặc biệt là tế bào gan, thận và tủy xương.

Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO (IARC) chất vàng ô là chất đứng hàng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư 42 về Danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Trong đó, bổ sung 5 loại chất vàng ô là: Vat Yellow 1, Vat Yellow 2, Vat Yellow 3, Vat Yellow 4 và chất Auramine.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm cho biết, vàng ô là hóa chất được dùng để nhuộm màu vải và làm vôi ve quét tường trong xây dựng.

Đây là chất độc cho cơ thể người, không được sử dụng trong thực phẩm, ngay cả trong chăn nuôi chất này cũng bị cấm sử dụng vì có hại cho sức khỏe của con người khi ăn các loại thực phẩm có tồn dư chất này.

Ăn phải thực phẩm chứa chất vàng ô có thể gây nhiễm độc cấp tính gây đau bụng, nôn ói, đau rát cổ, tiêu chảy... về lâu dài có thể gây hại đến các cơ quan cơ thể.

TS.BS Trần Bá Thoại cũng đưa ra đôi điều bàn luận:

Việc dùng chất màu công nghiệp vàng Ô để làm chất phụ gia nhuộm màu thực phẩm là sai trái cần lên án.

Đây là một tội “hình sự” vì sẽ gây những cái chết oan uổng tức thời cũng như những di hại về sau.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng về An toàn thực phẩm, Quản lý thị trường phải quyết liệt vào cuộc để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng./.

Để bảo vệ sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần thận trọng khi lựa chọn thực phẩm. Mọi người có thể nhận diện với những loại măng ngâm hóa chấtnhư chất vàng ô hay lưu huỳnh khi ngửi sẽ bị sặc mùi hóa chất lên mũi.

Măng không hóa chất do được ngâm muối nên có màu hơi thâm đen, trong khi măng ngâm hóa chất có màu trắng phau hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng. Bằng mắt thường, khi thấy măng có bề ngoài nhẵn, bóng thì không nên mua.

Khi chế biến, với tất cả các loại măng mua về mọi người nên ngâm qua nước một thời gian, sau đó luộc kỹ bỏ nước rồi mới sơ chế. Điều này sẽ làm bay hơi độc tố có sẵn trong măng nhất là ở các loại măng tươi và cũng làm cho măng mềm hơn.

Đối với thịt gia cầm, cách tốt nhất để lựa chọn thực phẩm an toàn là nên chọn mua gia cầm sống tại những địa điểm đáng tin cậy. Khi lựa chọn sản phẩm gia cầm thịt sẵn nên chọn những con có màu vàng nhạt, không có mùi kháng sinh, mùi hôi.

Gia cầm nhiễm chất kháng sinh là loại có màu vàng óng đều nhưng phần mỡ lại có màu trắng. Người tiêu dùng có thể thử bằng cách vắt một ít nước cốt chanh hoặc nước muối, nếu da gà đổi màu thì là do bị nhuộm. Còn loại dưa cải muối bị nhiễm chất vàng ô cũng thường có màu vàng óng bất thường, mùi dưa lạ.