19/01/2025 | 02:22 GMT+7, Hà Nội

Cho vay tiêu dùng giúp người dân đáp ứng nhu cầu ngay tức khắc

Cập nhật lúc: 07/01/2016, 10:51

Nhấn mạnh điều này, ông Cao Sĩ Kiêm, Đại biểu Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định, cho vay tiêu dùng là một hoạt động cho vay quan trọng, nó là một phân khúc đáp ứng mọi yêu cầu của người dân trong xã hội, từ việc mua sắm, học tập, cưới hỏi, nhà ở, cho đến phương tiện đi lại…

Dịch vụ cho vay tiêu dùng đang trở thành mảnh đất màu mỡ đối với các tổ chức tín dụng.

Theo Công ty Cổ phần Truyền thông Tài chính StoxPlus, thị trường tăng trưởng nhanh một phần là do thu nhập và mức sống của người dân Việt Nam đang ngày càng tăng nên nhu cầu tiêu dùng cũng được đẩy lên cao hơn, mặt khác giai đoạn từ năm 2012 đến nay xu hướng chuyển từ tín dụng doanh nghiệp sang tín dụng cá nhân của  các ngân hàng đã được hình thành và ngày càng được nhiều ngân hàng lựa chọn

Các khoản vay tiêu dùng cá nhân chủ yếu là vay mua nhà, sửa chữa, nâng cấp nhà ở, vay mua ô tô, hay mua sắm đồ gia dụng. Hoạt động cho vay tiêu dùng đang được xem là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng cần thiết của xã hội. Theo Viện Nghiên cứu Ngân hàng, ước tính có khoảng 15,8 triệu người ở Việt Nam là khách hàng tiềm năng của lĩnh vực này.

Ở Việt Nam hiện đang tồn tại 2 hệ thống cấp vốn song song: Khu vực chính thức bao gồm các tổ chức tín dụng là ngân hàng, công ty tài chính, các quỹ tín dụng hoặc tổ chức tài chính vi mô; khu vực phi chính thức là hệ thống “tín dụng đen”.

Hậu quả của “tín dụng đen” đã được báo chí phản ánh nhiều nhưng thực tế cho thấy tại nhiều khu vực, người dân vẫn có tâm lý “chuộng tín dụng đen” hơn bởi sự đơn giản, nhanh chóng, khi họ cần vay một khoản tiền để trang trải cho nhu cầu đột xuất.

Thực tế, khó có thể thống kê được quy mô tín dụng đen. Con số được các chuyên gia nói đến gần nhất là ước khoảng 50 tỷ USD, tương đương 30% dư nợ tín dụng trong cuộc hội thảo năm 2013. Trong khi đó, quy mô tín dụng tiêu dùng chính thức là khoảng hơn 10 tỷ USD - con số Công ty Cổ phần Truyền thông Tài chính StoxPlus đưa ra trong năm 2014.

Với sự chênh lệch lớn như vậy, dịch vụ cho vay tiêu dùng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội trong thời gian gần đây, đặc biệt là vấn đề lãi suất. Nhiều ý kiến còn cho rằng, lãi suất vay tiêu dùng của các công ty tài chính vẫn còn khá cao. Theo khảo sát của Công ty Cổ phần Truyền thông Tài chính StoxPlus năm 2015, lãi suất cho vay tiêu dùng trải rộng từ 13%/năm lên tới 63-70%/năm, tùy vào từng khách hàng.

Cho vay tiêu dùng giúp người dân có thể chớp thời cơ, đáp ứng nhu cầu ngay tức khắc.

Cho vay tiêu dùng giúp người dân có thể chớp thời cơ, đáp ứng nhu cầu ngay tức khắc.

Cùng với đó là câu chuyện có nên áp trần lãi suất cho vay với hệ thống ngân hàng thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) kéo dài từ kỳ họp 9 cho tới kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Theo ý kiến của nhiều ĐBQH, việc loại bỏ quy định về lãi suất khỏi Bộ luật Dân sự và thực hiện theo luật chuyên ngành là Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) không chỉ giúp tăng tính công khai, minh bạch trên thị trường tài chính tiền tệ mà còn phù hợp với chủ trương tự do hóa lãi suất của Đảng và Nhà nước.

Qua các ý kiến thảo luận của ĐBQH, tại kỳ họp thứ 10 khóa XIII, Quốc hội đã thông qua việc áp trần mức lãi suất 20% đối với các hoạt động cho vay giữa cá nhân với cá nhân trong Luật Dân sự. Lãi suất cho vay của các tổ chức tài chính được quy định riêng trong Luật các Tổ chức tín dụng.

Trong năm 2014, cơ quan quản lý cũng đã quy định, các ngân hàng muốn cho vay tiêu dùng cần phải lập các công ty tài chính riêng. Vì vậy, trên thị trường thời gian qua đã chứng kiến một làn sóng mua bán và sáp nhập, hoặc thành lập mới các công ty tài chính (CTTC) ở các ngân hàng.

Đánh giá về vai trò của dịch vụ cho vay tiêu dùng và các tổ chức cho vay tiêu dùng, ông Cao Sĩ Kiêm, ĐBQH, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: “Cho vay tiêu dùng là một hoạt động cho vay quan trọng, nó là một phân khúc đáp ứng mọi yêu cầu của người dân trong xã hội, từ việc mua sắm, học tập, cưới hỏi, nhà ở, cho đến phương tiện đi lại… Cho vay tiêu dùng giúp người dân có thể chớp thời cơ, đáp ứng nhu cầu ngay tức khắc, khi chưa đủ điều kiện đáp ứng các chuẩn vay của ngân hàng”.

Ông Cao Sĩ Kiêm phân tích, kinh tế đang hồi phục, nhu cầu vay tiêu dùng trong người dân tăng lên. Nhiều ngân hàng sau thời gian khó khăn đang đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng thông qua việc thành lập các CTTC. Cùng với đó, nhiều CTTC nước ngoài cũng đã xâm nhập thị trường với chiến lược rõ ràng, tận dụng lợi thế dân số đông và trẻ của Việt Nam.

So với vay ngân hàng, vay qua các CTTC rõ ràng thuận lợi hơn cho tất cả các bên. Việc này sẽ nhằm chuyên môn hoá hoạt động tín dụng tiêu dùng thông qua các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu, được pháp luật công nhận, tạo thuận lợi hơn với người đi vay. Đồng thời, nó giúp phân cấp trách nhiệm, tránh nợ xấu, an toàn hơn với hệ thống ngân hàng. Chưa kể, nó giúp các ngân hàng thu lợi bằng cách thông qua huy động vốn với lãi suất tương đối hợp lý, rồi đẩy mạnh cho vay tiêu dùng qua các CTTC với lãi suất cao hơn ở phân khúc khách hàng khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng.

Thực tế, mức độ thuận lợi của các gói vay hiện nay đã tăng lên rất nhiều, khả năng tiếp cận các gói vay của người dân cũng cao hơn. Các CTTC cũng đua nhau cải tiến nghiệp vụ để cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy tiến bộ trong dịch vụ bán buôn, bán lẻ nói chung nhằm thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Cao Sĩ Kiêm, tồn tại lớn nhất hiện nay của dịch vụ cho vay tiêu dùng là khả năng kiểm soát các khoản vay, khả năng điều tra, xác minh trong quá trình làm thủ tục cho vay còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Muốn đảm bảo an toàn cần có các biện pháp siết chặt các quy định cho vay, điều tra cụ thể đối tượng vay và phân loại hợp lý. Mỗi loại vay cần phải có một cách quản lý riêng, vừa giúp bên cho vay kiểm soát được khoản vay vừa không gây phiền hà cho người đi vay.

Về thực tế tại nhiều khu vực, người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi gõ cửa các ngân hàng hay các tổ chức tín dụng, mà vẫn “chuộng tín dụng đen” hơn, ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, tín dụng đen phổ biến vì ở Việt Nam chỉ có mỗi ngân hàng là nơi cấp vốn. Bí quá nên người dân mới phải đi ngầm với nhau.

“Khi phát triển các kênh hoàn chỉnh và đồng đều thì tín dụng đen sẽ không còn đất sống. Thời gian qua, cơ quan nhà nước chưa hoàn thành bổn phận quản lý và thanh tra giám sát của mình. Sắp tới, thị trường cạnh tranh nhiều hơn là một điều tốt cho người dân, nếu các công ty tài chính tuân thủ đúng các quy định quản lý của cơ quan điều hành”, ông Cao Sĩ Kiêm nêu quan điểm.

Về mức lãi suất vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và ngân hàng, ông Cao Sĩ Kiêm thừa nhận, lãi suất vay tiêu dùng của các công ty tài chính bao giờ cũng cao hơn lãi suất bình thường ở ngân hàng, vì cho vay tiêu dùng là loại hình cho vay có mức độ rủi ro cao. Tuy nhiên, ông Kiêm vẫn ủng hộ chủ trương chung là lãi suất cho vay không được tăng tùy tiện quá, vì rất dễ biến tướng, trở thành cho vay nặng lãi.

Ông Kiêm cũng cho rằng, không nên lẫn lộn giữa ngân hàng và công ty tài chính, vì đây là 2 định chế hoàn toàn khác nhau, có quy chế hoạt động riêng. Theo quy định mới, các NHTM phải có công ty tài chính riêng, vì nguyên tắc là không được lấy vốn dành cho hoạt động sản xuất đem đi cho vay tiêu dùng để hưởng lãi suất cao hơn. Vốn luân chuyển không chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh mà còn phải phục vụ người tiêu dùng.

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, ông Cao Sĩ Kiêm từng nêu quan điểm, nếu đi đến cùng của nguyên tắc thị trường thì lãi suất phải được tự do hoàn toàn. Tuy nhiên, để tiến tới tự do hóa lãi suất là cả một chặng đường dài, trong đó yếu tố quyết định chính là sự ổn định của nền kinh tế.

Một số quốc gia khác trên thế giới cho phép tự do cạnh tranh, vì vậy các TCTD sẽ tự động điều chỉnh mức giá hợp lý. Hai bên vay và cho vay có quyền tự thỏa thuận, nếu TCTD nào đòi mức lãi quá cao người vay sẽ tìm tới các TCTD khác. Sự cạnh tranh này rất minh bạch, là điều mà Việt Nam sẽ phải học tập và hướng đến.

 “Việc công nhận hoạt động của các công ty tài chính là bước đi đúng, giúp người dân có điều kiện tiếp cận thị trường vay tiêu dùng hiện nay”, nhận định điều này, ông Kiêm cho biết: Thực tế cho thấy, người dân có nhu cầu vay tiền trong xã hội hiện rất lớn song không phải ai cũng có đủ khả năng để vay được vốn của ngân hàng.

Do vậy, tách hoạt động cho vay tiêu dùng ra khỏi NHTM hoặc thành lập các công ty tài chính trực thuộc NHTM thì sẽ đảm bảo nghiệp vụ cho vay tiêu dùng hoạt động một cách chuyên sâu./.