19/01/2025 | 06:11 GMT+7, Hà Nội

Cho vay tiêu dùng: Còn nhiều tiềm năng chờ khai phá

Cập nhật lúc: 29/10/2015, 15:10

Thu nhập của người dân tăng lên, hành vi tiêu dùng của người dân cũng đang thay đổi theo hướng tích cực hơn. Trong khi đó, tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực tiêu dùng hiện đang ở mức thấp, theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đây chính là dư địa để cho vay tiêu dùng bứt phá hơn nữa trong thời gian tới.

PV: Xu hướng cho vay tiêu dùng đối với cá nhân tăng mạnh, ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

TS. Cấn Văn Lực: Đến thời điểm hiện nay, cho vay bán lẻ, cho vay cá nhân đang tăng mạnh hơn so với cho vay doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chưa phải là nóng bởi cho vay cá nhân tại Việt Nam hiện nay vẫn còn ở mức độ thấp. Mặt khác, văn hóa của Việt Nam cũng chưa phổ biến đối với việc đi vay để tiêu dùng.

Chính vì thế, tỷ trọng cho vay tiêu dùng theo chia sẻ của Ngân hàng Nhà nước dù đã chiếm khoảng 8%, song đây chưa phải là mức cao so với các nước trong khu vực.

PV: Ông đánh giá như thế nào về triển vọng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam?

TS. Cấn Văn Lực: Với tỷ vọng cho vay tiêu dùng như tôi đã đề cập ở trên, có thể đánh giá rằng, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều triển vọng.

Thu nhập của người dân đang tăng lên và hành vi tiêu dùng của người dân cũng đã và đang thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Người tiêu dùng sẽ ít sử dụng tiền mặt hơn và sẵn sàng vay để tiêu dùng nhiều hơn, thông qua các dịch vụ mà các công ty tài chính hiện nay đang triển khai.

Điều này cũng sẽ góp phần hình thành xu thế tiêu dùng trong tương lai.

PV: Theo ông, để cho vay tiêu dùng có điều kiện phát triển lành mạnh và hiệu quả chúng ta cần tháo gỡ những vấn đề gì?

TS. Cấn Văn Lực: Để cho vay tiêu dùng đảm bảo phát triển một cách lành mạnh và hiệu quả, thời gian tới cần thiết phải xử lý một số vấn đề sau.

Thứ nhất là cần phải hoàn thiện và ban hành khung khổ pháp lý đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, tạo hànhlang pháp lý thống nhất và có những quy định rõ ràng, riêng biệt đối với hoạt động cho vay tiêu dùng.

Thứ hai, là cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vay tiêu dùng, để người dân quen hơn với dịch vụ cho vay tiêu dùng, qua đó góp phần hạn chế tín dụng đen trong nền kinh tế.

Cho vay tiêu dùng mặc dù có mức lãi suất cao hơn so với các khoản vay thông thường  (vì mức độ rủi ro đối với bên cho vay cao, hợp đồng ký kết lại chủ yếu là cho vay tín chấp, không có tài sản bảo đảm) nhưng mức độ an toàn và hiệu quả thì hơn rất nhiều so với việc đi  vay từ “tín dụng đen”.

Trên thực tế, không ít trường hợp vướng vào tín dụng đen không có ai bảo vệ, đã gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng rất lớn tới an sinh xã hội.

PV: Theo ông, chúng ta có nên áp trần lãi suất cho hoạt động cho vay tiêu dùng hay nên để thị trường tự cạnh tranh và điều chỉnh?

TS.Cấn Văn Lực: Theo tôi, không nên xem xét để áp dụng trần lãi suất đối với cho vay tiêu dùng. Bởi vì hoạt động cho vay tiêu dùng khá rủi ro, hoạt động rủi ro hơn thì đương nhiên lãi suất cũng sẽ phải cao hơn.

Chúng ta cũng đã có quy định và luật chuyên ngành cho phép hệ thống các ngân hàng, công ty tài chính tự thỏa thuận lãi suất đối với người vay. Hãy để thị trường tự điều chỉnh và quyết định.

Đặc biệt, trước xu thế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới,  –thời điểm các hiệp định thương mại lớn chính thức có hiệu lực đang đến gần, việc sử dụng các biện pháp hành chính như áp  trần lãi suất sẽ gây ra sự méo mó không đáng có đối với các hoạt động trong nền kinh tế thị trường.

Đừng để vì điều này mà quốc tế không công nhận chúng ta chưa có nền kinh tế thị trường. Để kiểm soát cho vay “tín dụng đen” thì có rất nhiều biện pháp, và một trong những biện pháp đó là thúc đẩy cho vay tiêu dùng.

Theo đó, các công ty tài chính cũng phải tăng cường hơn nữa biện pháp quản lý rủi ro, muốn làm được điều này,thì các công ty tài chính phải minh bạch hơn về chuyện thông tin. Người đi vay phải minh bạch hơn, công ty tài chính cũng phải minh bạch hơn.

PV: Ông có khuyến cáo gì đối với người đi vay trước đặt bút ký kết hợp đồng vay tiêu dùng?

TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng trách nhiệm đầu tiên là của nhân viên cho vay từ ngân hàng, công ty tài chính, những người này phải phải phổ biến thông tin chi tiết, kỹ càng hơn và lưu ý khách hàng khi thực hiện vay vốn về những vấn đề, điều kiện nêu trong hợp đồng vay tiêu dùng.

Và phải có động tác đề nghị người vay trước khi ký hợp đồng phải đọc kỹ, nghiên cứu kỹ tất cả các điều khoản nêu rõ trong hợp đồng; tính toán khả năng và thời gian trả nợ rồi mới đặt bút ký vay.

Ngược lại, khách hàng vay vốn cũng phải trở nên hiểu biết hơn và quan tâm hơn tới các điều kiện, quy định, ràng buộc trong hợp đồng. Rõ ràng đây là việc mà các ngân hàng, công ty tài chính không thể làm thay cho khách hàng.

PV: Xin cảm ơn ông!