19/01/2025 | 05:56 GMT+7, Hà Nội

Vay tiêu dùng là giải pháp cho người nghèo

Cập nhật lúc: 10/12/2015, 12:07

Tín dụng tiêu dùng phát triển không chỉ là cứu cánh cho người nghèo mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các công ty tài chính và cả nền kinh tế. Phóng viên Tiêu dùng+ đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mùi, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam.

PV: Bà có đánh giá như thế nào về thị trường tín dụng tiêu dùng của Việt Nam trong những năm tới?

Bà Nguyễn Thị Mùi: Là loại tín dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của dân cư, tín dụng tiêu dùng đã ra đời và phát triển hàng trăm năm ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển.

Loại hình tín dụng này giúp ổn định và nâng cao đời sống vật chất của người dân, khi thu nhập của họ ở mức thấp lại không ổn định. Ở Việt Nam, vài năm gần đây, tín dụng tiêu dùng đã có sự tăng trưởng khá (trên dưới 20%/năm), chủ yếu do các công ty tài chính thực hiện.

Với dân số trên 90 triệu người, nhu cầu tiêu dùng rất lớn, trong khi thu nhập người dân còn hạn chế, chắc chắn, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển mạnh trong những năm tới.

Bà Nguyễn Thị Mùi, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam

PV: Vậy theo bà, sự phát triển của tín dụng tiêu dùng đem lại những lợi ích gì và ai sẽ là người được hưởng lợi?

Bà Nguyễn Thị Mùi: Sự phát triển của tín dụng tiêu dùng trước hết đem lại những lợi ích thiết thực cho các TCTD, rồi đến người dân/khách hàng và nền kinh tế.

Cụ thể, đối với các TCTD, sự phát triển tín dụng tiêu dùng không chỉ giúp tăng trưởng tín dụng vào phân khúc có suất lợi nhuận cao, đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng, mà còn giúp các tổ chức này phân tán rủi ro trong hoạt động cho vay.

Còn đối với khách hàng, đây là giải pháp tài chính hợp lý khi thu nhập chỉ ở mức trung bình nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, cải thiện mức sống, hạn chế việc đi vay nặng lãi. Đối với nền kinh tế, tín dụng tiêu dùng phát triển giúp tăng chi tiêu, ổn định trật tự xã hội, từ đó tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, do đa số khách hàng vay tiêu dùng là những người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định và không có tài sản bảo đảm, trong khi món vay nhỏ, thời gian cho vay ngắn, nên mức độ tiềm ẩn rủi ro của khoản vay lớn, chi phí nhân lực để quản lý khoản vay cao.

Để bù đắp rủi ro tiềm ẩn này, TCTD đưa ra lãi suất thỏa thuận với khách hàng thường cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng thương mại cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

PV: Vậy, để phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, theo bà, cần có các giải pháp gì và bà có lời khuyên nào dành cho người đi vay?

Bà Nguyễn Thị Mùi: Như đã nói, tín dụng tiêu dùng đem lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Vì vậy, để phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đảm bảo lợi ích các bên, trước tiên, cần xây dựng quy chế/quy định cho vay tiêu dùng, tạo sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD, để tín dụng tiêu dùng không thể là tín dụng nặng lãi, không lẫn lộn tín dụng tiêu dùng với tín dụng nặng lãi.

Tiếp đó, cần nâng cao trách nhiệm của đơn vị quản lý giám sát, xử phạt nghiêm các TCTD vi phạm quy định/quy chế về tín dụng tiêu dùng. Tổ chức có hiệu quả hoạt động truyền thông và lồng ghép kiến thức về tài chính cá nhân, tín dụng tiêu dùng đến người dân để họ hiểu và biết cách tiếp cận vốn vay.  

Riêng đối với người vay, cần hiểu rõ đây là quan hệ vay - trả. Vay tiền để tiêu dùng trước, trả sau thì phải chú ý đến số tiền vay, bởi nếu tiêu dùng trước quá lớn sẽ hạn chế chi tiêu trong tương lai, thậm chí không trả được nợ.

Lưu ý rằng, không chỉ có chậm trả gốc và lãi mới bị phạt, mà trả nợ trước hạn cũng bị “phạt” dưới hình thức phí trả nợ trước hạn, vì thế, thời gian vay bao lâu cũng cần phải tính kỹ. Cuối cùng, cần đọc kỹ những câu chữ trong điều khoản của hợp đồng vay vốn, lãi suất vay và cách tính lãi...