19/01/2025 | 09:38 GMT+7, Hà Nội

Chính sách chưa hiệu quả, nhiều doanh nghiệp tư nhân “ngại lớn”

Cập nhật lúc: 16/10/2021, 11:45

Theo CIEM, hiện nay, còn những cơ chế, chính sách làm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại” lớn.

Trong báo cáo “Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn mới” vừa công bố, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò chủ lực trong nền kinh tế.

Theo CIEM,  hiện tại, sự đồng bộ về mặt thể chế, chính sách đã khiến số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới tăng mạnh. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2020, có hơn 735.000 doanh nghiệp thành lập mới, trung bình 122.500 doanh nghiệp thành lập mới/năm. Ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn ở mức cao, với 85.483 doanh nghiệp thành lập mới.

Theo CIEM, hiện nay, còn những cơ chế, chính sách làm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại” lớn.
Theo CIEM, hiện nay, còn những cơ chế, chính sách làm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại” lớn.

CIEM cho rằng, tổng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp tư nhân đã tăng đáng kể; chỉ số hiệu suất sinh lời của các doanh nghiệp tư nhân lớn tăng mạnh, thu hẹp khoảng cách với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, năng lực của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế. CIEM nhận định, năng lực cạnh tranh thấp với năng lực nội tại yếu, chậm được cải thiện. 

Khu vực kinh tế tư nhân đông về số lượng nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, siêu nhỏ, thiếu vắng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa; trình độ công nghệ, trình độ quản trị không cao, khả năng liên kết, hợp tác kinh doanh hạn chế, năng lực tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn yếu; hiệu quả hoạt động còn thấp và chưa đồng đều. 

“Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự tương ứng với số lượng, quy mô và chưa phản ánh đúng tiềm năng. Năng lực chống chịu trước “cú sốc” đại dịch Covid-19 còn hạn chế. Tình trạng đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh trở nên phổ biến” báo cáo của CIEM nêu.

 Nguyên nhân chủ yếu được xác định bao gồm cả nguyên nhân nội tại và nguyên nhân từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. 

Thực tế, những yếu kém trong nội tại vừa là hạn chế vừa là nguyên nhân cản trở quá trình nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Bên cạnh đó, vẫn còn những cơ chế, chính sách làm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại” lớn. 

“Chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả hoặc chậm thực hiện, doanh nghiệp khó tiếp cận. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, điều hành thiếu nhất quán, đặc biệt ở địa phương trong giai đoạn dịch Covid-19, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, tình trạng phân biệt đối xử vẫn diễn ra”, đại diện CIEM cho biết.

Trước những khó khăn và thách thức đối với kinh tế tư nhân, CIEM kiến nghị, trước mắt tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Đồng thời, CIEM cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân cần kết nối lao động; đảm bảo điều kiện để “sống chung” với đại dịch; tháo gỡ những khó khăn về dòng tiền; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh,...

Trong trung và dài hạn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Bên cạnh đó, CIEM kiến nghị các doanh nghiệp tư nhân tăng cường sự kết nối, liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp khu vực tư nhân với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chú trọng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; khuyến khích, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ.

“Các doanh nghiệp tư nhân cũng cần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; thực hiện đào tạo, đào tạo lại để người lao động thích ứng với bối cảnh mới; thực hiện chính sách bình đẳng giới, thúc đẩy doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển, trao quyền kinh tế cho nữ giới”, báo cáo CIEM nêu.

Nguồn: https://congluan.vn/chinh-sach-chua-hieu-qua-nhieu-doanh-nghiep-tu-nhan-ngai-lon-post161584.html