18/01/2025 | 12:08 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội đang từng bước vững chắc để phục hồi kinh tế

Cập nhật lúc: 13/10/2021, 06:05

Từ ngày 16/9 đến nay, Hà Nội đã từng bước nới lỏng một số hoạt động để vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Khó khăn và sự sẻ chia

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương coi chống dịch như chống giặc, bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, Hà Nội cũng không tránh khỏi thiệt hại về kinh tế do phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trong 2/3 thời gian của quý III.

Hà Nội đang từng bước vững chắc để phục hồi kinh tế
Hà Nội đang từng bước vững chắc để phục hồi kinh tế.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III ước tính giảm 7,02%. Đây là mức giảm đã được lường trước, trên thực tế đã được giảm thiểu nhờ việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích, mà chỉ điều chỉnh lại hoạt động bảo đảm yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch.

Việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh không bị đứt gãy; tạo điều kiện cho một số ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp của Hà Nội cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì. Các mặt hàng thiết yếu được cung cấp cho người dân, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, khan hiếm diện rộng.

Ngoài khoảng thời gian khó khăn của quý III, nhìn tổng thể, nhờ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt theo mức độ dịch bệnh, Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong đó, mặc dù chịu ảnh hưởng đợt dịch thứ tư, nhưng GRDP quý II của TP vẫn tăng 6,61%, cao hơn quý trước (quý I tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức chung của cả nước (5,64%). Tăng tưởng GRDP 9 tháng của thành phố đạt 1,28%. Bên cạnh một số chỉ tiêu giảm cũng có một số ngành, lĩnh vực đạt khá. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 9 tháng là 176.737 tỷ đồng, đạt 75,0% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán thành phố giao), bằng 105,4% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 9 tháng là 46.338 tỷ đồng, đạt 42,7% dự toán năm và bằng 95,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 1.292 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng 8 và tăng 2,8% so với cùng kỳ

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2020, đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng đồng đều trong 3 quý do ít chịu ảnh hưởng của đại dịch. Bên cạnh đó, trong 9 tháng, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 1,88%; khu vực dịch vụ ước tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt. CPI tháng 9 giảm 0,6% so với tháng 8 và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân 9 tháng đầu năm tăng 1,54% (9 tháng năm 2020 tăng 3,3%). Trong tháng 9, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước.

Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Thành phố đã hỗ trợ trên 1,625 triệu lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí 559,389 tỷ đồng; trợ cấp cho hơn 84 nghìn người có công và thân nhân với số tiền 1.562 tỷ đồng.

Hà Nội còn tích cực chi viện cho các tỉnh, thành phố khác. Tính riêng đợt bùng phát dịch thứ tư, Thủ đô đã chi viện cho TP.HCM 5.000 tấn gạo (trị giá 75 tỷ đồng), tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo và 18 tỉnh, TP phía nam mỗi tỉnh 3 tỷ đồng...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là mối quan tâm hàng đầu của TP. Ngay trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, TP đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP để cho vay đối với người lao động có nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...

Hà Nội đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với mức độ dịch Covid-19 trên tinh thần là giảm mức độ ảnh hưởng của dịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Tăng tốc phục hồi kinh tế

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh tại kỳ họp thứ 2, HĐND khoá XVI nêu rõ, để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng năm 2021, cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, thành phố đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường...

Hiện nay, UBND TP đã và đang triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt từ nay đến cuối năm là: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Nhiệm vụ trong tâm tháng 10 và quý IV-2021, TP sẽ ban hành, thực hiện Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Trong đó các sở ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hướng dẫn tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn với dịch bệnh; đồng thời xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực, khu, cụm công nghiệp.

Để hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2021, trong những tháng cuối năm, các nhiệm vụ trọng tâm được UBND TP. Hà Nội nêu cụ thể xung quanh 2 nội dung chính là tiếp tục kiên định, kiên trì các biện pháp phòng chống dịch và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine; khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế.

Các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế gồm: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả. TP cũng sẽ đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm; Phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; Tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư; Tiếp tục cơ cấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên dành nguồn chi đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản Nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội bảo đảm nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, bức xúc, các dự án trọng điểm, quan trọng của Thủ đô.

TP sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất bảo đảm các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2021, phấn đấu quý 4 trên 2,56%; Đồng thời tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường...

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-dang-tung-buoc-vung-chac-de-phuc-hoi-kinh-te-263530.html