Chính quyền phường Nhật Tân bất lực để thung lũng hoa Hồ Tây hoạt động sai phép
Cập nhật lúc: 20/11/2020, 13:00
Cập nhật lúc: 20/11/2020, 13:00
Theo người dân phản ánh, từ năm 2014 đến nay Thung lũng hoa Hồ Tây (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) nổi lên như một nơi chụp ảnh check in "sống ảo" giữa lòng thành phố Hà Nội.
“Chủ sở hữu” mảnh đất này đã đầu tư một số tiền lớn, biến đầm sen rộng lớn thành nơi chụp ảnh, check in, và xây dựng nhiều nhà hàng lớn như Chợ hải sản, nhà hàng Sen Đầm... nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống của khách du lịch với khả năng đáp ứng hơn 400 người. Ngoài ra, không gian ngoài trời tại đây có thể chứa được khoảng 1.000 người, phục vụ cho các buổi tiệc, hội họp…
Được biết, khu vực đất của Thung lũng hoa Hồ Tây trước đây là đất ao hồ thuộc quản lý của phường. Năm 2011, sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND TP Hà Nội, khu vực này được giao cho công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền (Công ty Phú Điền) xây dựng triển khai dự án nhà máy xử lý nước thải Tây Hồ.
Tuy nhiên, công ty Phú Điền không sử dụng hết diện tích đất nên đã ban giao lại cho UBND quận Tây Hồ.
Đến năm 2014, ông Bùi Mạnh Hiếu (một người dân địa phương) đã tự ý quây phần diện tích đất này lại, đầu tư xây dựng Thung lũng hoa Hồ Tây và kinh doanh thu lời cho đến ngày nay. Tuy nhiên, toàn bộ các công trình và quần thể kiến trúc ở Thung lũng hoa Hồ Tây có diện tích rộng nhiều hecta này đều không được cơ quan chức năng cấp phép đầu tư, xây dựng theo quy định. Hay nói cách khác, Thung lũng hoa Hồ Tây - một địa điểm du lịch tự phát nổi tiếng nhiều năm qua trên địa bàn TP Hà Nội đang hoạt động kinh doanh trái quy định pháp luật.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thế Vinh - Chủ tịch UBND phường Nhật Tân xác nhận có thực trạng nêu trên đối với mảnh đất được xây dựng quần thể công trình mang tên "Thung lũng hoa Hồ Tây".
Ông Vinh cho rằng, việc này do “lịch sử để lại” nên nghiễm nhiên, hàng hecta đất ở khu vực này đã được ông Hiếu (chủ đầu tư, trú tại địa phương) sử dụng, đầu tư vào mục đích kinh doanh dịch vụ để thu lời.
Theo Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, trước đây, khu vực này là đất ao hồ thuộc quản lý của phường. Sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND TP Hà Nội, nơi này được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền (Công ty Phú Điền) để triển khai dự án làm nhà máy xử lý nước thải.
Theo tìm hiểu của PV, Thung lũng hoa Hồ Tây thực tế thuộc quyền quản lý của công Ty TNHH Thung Lũng Hoa Hồ Tây (địa chỉ: Số 18 ngách 264/7 phố Âu Cơ, Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ) đang hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, với vốn điều lệ 4.000.000.000 VNĐ. Tổng giám đốc là ông Bùi Mạnh Hiếu. Công ty này bắt đầu hoạt động vào ngày 13/7/2018.
Tuy nhiên, sau khi triển khai dự án thì Công ty Phú Điền không sử dụng hết phần diện tích được giao và "bàn giao lại khu vực này (hiện đang là khu vực có Thung lũng hoa Hồ Tây) cho UBND quận Tây Hồ, rồi nơi đây được bàn giao cho phường quản lý. Khi tiếp nhận, nơi đây đã được ông Hiếu đầu tư, xây dựng thành một quần thể kiến trúc để kinh doanh dịch vụ” - ông Vinh cho biết.
Đến thời điểm hiện tại, mọi hoạt động tại Thung lũng hoa Hồ Tây vẫn diễn ra rất sôi động, cụ thể trên Fanpage Thung Lũng Hoa Hồ Tây and Restaurants hàng ngày vẫn đăng tải những hình ảnh diễn ra tại đây.
Mọi hoạt động tại Thung lũng hoa Hồ Tây vẫn diễn ra rất sôi động
Theo đó, những lời mời chào du khách đến với Thung lũng hoa này với giá hiện tại là 100.000 vnđ/1 vé.
Đối với sinh viên, giá vé là 50.000 vnđ/1 vé (yêu cầu phải có thẻ sinh viên), bên cạnh đó còn có đầy đủ dịch vụ cho thuê trang phục, trang điểm, chụp ảnh, cafe, nhà hàng...
Ông Phạm Thế Vinh - Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cũng xác nhận rằng, hiện các công trình phụ trợ ở Thung lũng hoa Hồ Tây trong thời gian vừa qua đã bị cưỡng chế, tháo dỡ 1 số hạng mục, còn phần quản lý hoạt động của Thung lũng hoa Hồ Tây là do chính quyền quận Tây Hồ xem xét, xử lý.
Bên cạnh đó, với mong muốn “tháo gỡ” bất cập đang tồn tại đối với khu đất mà ông Hiếu sử dụng trái phép, lãnh đạo UBND phường Nhật Tân cho biết, đã đề xuất đề án gửi UBND quận Tây Hồ để sớm đưa hoạt động tại Thung lũng hoa Hồ Tây vào hành lang pháp lý để quản lý.
Vậy tại sao phường Nhật Tân đang đưa ra phương án đề xuất xử lý đối với Thung lũng hoa Hồ Tây gửi UBND quận Tây Hồ nhưng Thung lũng hoa Hồ Tây vẫn hoạt động bình thường như chưa có gì xảy ra? Liệu việc buông lỏng quản lý, để mặc cho sai phạm diễn ra tại Thung lũng hoa Hồ Tây có phải do lỗi của chính quyền địa phương tiền nhiệm hay do lợi ích nhóm của những người đương nhiệm? Tại sao sai phạm đã rõ ràng nhưng chính quyền Tây Hồ vẫn "nhắm mắt làm ngơ"?
Theo luật sư Diệp Năng Bình, văn phòng Tinh Thông Luật (đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng để xảy ra nhiều sai phạm TTXD và đất đai tại Hà Nội sẽ có rất nhiều nguyên nhân, trước hết do thái độ chấp hành pháp luật không được tốt của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc giám sát của các cơ quan chức năng, cán bộ, công chức cũng chưa hết trách nhiệm, chưa đến nơi đến chốn, nương tay hay bao che cho các sai phạm.
"Vấn nạn lấn chiếm đất đai, xây dựng các công trình trái phép, không phép ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua ở các địa phương chủ yếu do sự buông lỏng của chính quyền một số quận, huyện và cơ sở trong thời gian dài. Chỉ khi báo chí lên tiếng thì các cơ quan mới vào cuộc. Những sai phạm trong xây dựng không thể nào chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không hề hay biết. Ở đây, rõ ràng có sự buông lỏng trách nhiệm và dấu hiệu bao che, tiếp tay của cán bộ và lãnh đạo, do đó cần phải xử lý hình sự đối với những người bao che, tiếp tay" - luật sư Bình bày tỏ quan điểm.
Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình thì không chỉ xử lý hình sự đối với cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước, mà với những trường hợp lấn chiếm đất công thu lợi trái phép hoàn toàn đủ căn cứ xử lý hình sự đối với cả những cá nhân, DN, tổ chức vi phạm. Điều 343, Bộ Luật hình sự 2015 về Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở quy định: Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.
08:44, 22/09/2020
08:55, 31/07/2020
19:00, 08/04/2020