22/11/2024 | 13:57 GMT+7, Hà Nội

Vì sao thung lũng hoa Hồ Tây có thể tồn tại nhiều năm không có phép?

Cập nhật lúc: 22/09/2020, 08:44

Mảnh đất thuộc dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Tây Hồ bỗng "mọc" lên một thung lũng hoa nổi tiếng, điều đáng nói địa điểm du lịch này không hề được cấp phép nảy sinh nhiều dư luận trái chiều tại địa phương.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Theo thông tin ghi nhận tại khu vực, thung lũng hoa Hồ Tây có diện tích khoảng 3 hecta đất, thời gian qua, mảnh đất này đã được một cá nhân tên Bùi Mạnh Hiếu đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng quần thể công trình kiến trúc, kinh doanh dịch vụ bán vé rồi thu lợi.

Khu đất Thung lũng hoa Hồ Tây nhìn từ trên cao. 

Theo người dân phản ánh từ năm 2014, thung lũng hoa Hồ Tây (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) nổi lên như một nơi chụp ảnh check in "sống ảo" giữa lòng thành phố Hà Nội. 

“Chủ sở hữu” mảnh đất này đã đầu tư một số tiền lớn, biến đầm sen rộng lớn hoang sơ, vắng vẻ thành “thiên đường” của các loài hoa, thu hút người dân từ khắp mọi nơi kéo đến thưởng ngoạn cảnh sắc lãng mạn, chụp ảnh và sử dụng dịch vụ.

Ngoài việc cung cấp các dịch vụ chụp ảnh, check in, “chủ sở hữu” còn xây dựng nhiều nhà hàng lớn như Chợ hải sản, nhà hàng Sen Đầm... nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống của khách du lịch với khả năng đáp ứng hơn 400 người. Ngoài ra, không gian ngoài trời tại đây có thể chứa được khoảng 1.000 người, phục vụ cho các buổi tiệc, hội họp…

Thung lũng hoa Hồ Tây xây dựng sai phép từ lâu, chính quyền địa phương quận Tây Hồ có biết?

Trên một website du lịch đăng tải nhiều thông tin về Thung lũng hoa Hồ Tây, theo đó, giá vé để vào cổng thung lũng hoa Hồ Tây là 100.000 đồng/1 người lớn, nếu ăn uống và sử dụng dịch vụ khác tại đây có giá khoảng 250.000 đồng/người/lượt. Điều đáng nói, bởi mảnh đất này được 1 cá nhân đầu tư, xây dựng nên giá vé vào cổng cũng là do “chủ đầu tư” này tự quyết, tự thu chứ không phải một cơ quan có thẩm quyền nào quy định.

Một website quảng cáo về Thung lũng hoa Hồ Tây.

Được biết, khu vực đất của Thung lũng hoa Hồ Tây trước đây là đất ao hồ thuộc quản lý của phường. Năm 2011, sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND TP Hà Nội, khu vực này được giao cho công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền (Công ty Phú Điền) xây dựng triển khai dự án nhà máy xử lý nước thải Tây Hồ.

Tuy nhiên, công ty Phú Điền không sử dụng hết diện tích đất nên đã ban giao lại cho UBND quận Tây Hồ. 

Đến năm 2014, ông Bùi Mạnh Hiếu (một người dân địa phương) đã tự ý quây phần diện tích đất này lại, đầu tư xây dựng Thung lũng hoa Hồ Tây và kinh doanh thu lời cho đến ngày nay. Tuy nhiên, toàn bộ các công trình và quần thể kiến trúc ở Thung lũng hoa Hồ Tây có diện tích rộng nhiều hecta này đều không được cơ quan chức năng cấp phép đầu tư, xây dựng theo quy định. Hay nói cách khác, Thung lũng hoa Hồ Tây - một địa điểm du lịch tự phát nổi tiếng nhiều năm qua trên địa bàn TP Hà Nội đang hoạt động kinh doanh trái quy định pháp luật. 

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thế Vinh - Chủ tịch UBND phường Nhật Tân đã xác nhận có thực trạng nêu trên đối với quần thể công trình mang tên "Thung lũng hoa Hồ Tây". Tuy nhiên ông Vinh cho rằng, sai phạm này do “lịch sử để lại”. 

Một góc Thung lũng hoa Hồ Tây 

Theo ông Vinh: “Do không sử dụng hết diện tích đất được giao, công ty Phú Điền mới bàn giao lại khu vực này (hiện đang là khu vực có Thung lũng hoa Hồ Tây) cho UBND quận Tây Hồ, rồi nơi đây được bàn giao cho phường quản lý. Khi phường tiếp nhận quản lý, nơi đây đã được ông Hiếu đầu tư, xây dựng thành một quần thể kiến trúc để kinh doanh dịch vụ”.

Điều đáng nói, trong suốt những năm qua, việc kinh doanh của Thung lũng hoa Hồ Tây rất phát triển khi địa điểm này thu hút hàng nghìn lượt khách tới tham quan và quảng cáo vô cùng rầm rộ như một địa chỉ kinh doanh hợp pháp. Thế nhưng, ông Vinh cho rằng, dù đã khai thác, sử dụng khu đất từ nhiều năm nay để phục vụ mục đích kinh doanh nhưng ông Hiếu (chủ đầu tư) chưa hề nộp bất kỳ một khoản tiền thuế, phí nào về đất đai cho ngân sách địa phương.

Trao đổi với báo chí về những biện pháp xử lý đối với vi phạm tại Thung lũng hoa Hồ Tây, ông Phạm Thế Vinh cho rằng, với mong muốn “tháo gỡ” bất cập đang tồn tại đối với khu đất đang được ông Hiếu sử dụng trái phép, UBND phường Nhật Tân đã đề xuất đề án gửi UBND quận Tây Hồ để sớm đưa hoạt động tại Thung lũng hoa Hồ Tây vào hành lang pháp lý để quản lý. Bên cạnh đó, trong đề án trình UBND Quận Tây Hồ, sẽ đề xuất để đấu giá công khai để ký hợp đồng sử dụng khu đất này. 

Như vậy, trong nhiều năm qua, sau khi được tiếp nhận quản lý, phường Nhật Tân không hề có động thái thanh, kiểm tra, xử lý đối với quần thể Thung lũng hoa Hồ Tây mặc dù biết rõ quần thể này đang tồn tại trái quy định pháp luật?!

Theo tìm hiểu của PV, Thung lũng hoa Hồ Tây thực tế thuộc quyền quản lý của công Ty TNHH Thung Lũng Hoa Hồ Tây (địa chỉ: Số 18 ngách 264/7 phố Âu Cơ, Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ) đang hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, với vốn điều lệ 4.000.000.000 VNĐ. Tổng giám đốc là ông Bùi Mạnh Hiếu. Công ty này bắt đầu hoạt động vào ngày 13/7/2018. 

Trao đổi với PV, một vị đại diện tổ Quản lý TTXD-ĐT phường Nhật Tân cho rằng, thung lũng hoa Hồ Tây thực tế tồn tại từ rất lâu, phường Nhật Tân đã báo cáo lãnh đạo quận Tây Hồ để có phương án hợp lý nhằm xử lý, giải quyết sự việc. Bên cạnh đó, sẽ đề xuất thành lập đội kiểm tra liên ngành đối với Thung lũng hoa Hồ Tây. Đối với các công trình phụ trợ đang tồn tại nhưng không phù hợp cảnh quan và mục đích sử dụng, UBND Phường Nhật Tân sẽ cho giải tỏa, cưỡng chế tháo dỡ.

Tại sao một công trình sai phạm nghiêm trọng và lộ liễu, tồn tại ngang nhiên trong suốt nhiều năm qua nhưng lại không được chính quyền địa phương rà soát, xử lý vi phạm dứt điểm, để đến khi báo chí vào cuộc phản ánh về sai phạm TTXD và lấn chiếm đất đai sử dụng sai mục đích, chính quyền phường Nhật Tân mới nắm được thông tin và hứa hẹn sẽ xử lý bằng hình thức đấu giá? Vậy nhiều năm qua, những nguồn thu từ khu đất công này sẽ được xử lý như thế nào, ngân sách nhà nước đã thất thu bao nhiêu tiền thì liệu chính quyền địa phương có nắm được?

Việc không phải đóng bất cứ một khoản thuế nào từ khu đất rộng nhiều hecta trong suốt những năm nay gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước như lời của Chủ tịch phường Nhật Tân khi trao đổi với báo chí,  “chủ đầu tư” Thung lũng hoa Hồ Tây sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật?

Theo luật sư Diệp Năng Bình, văn phòng Tinh Thông Luật (đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng để xảy ra nhiều sai phạm TTXD và đất đai tại Hà Nội sẽ có rất nhiều nguyên nhân, trước hết do thái độ chấp hành pháp luật không được tốt của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc giám sát của các cơ quan chức năng, cán bộ, công chức cũng chưa hết trách nhiệm, chưa đến nơi đến chốn, nương tay hay bao che cho các sai phạm.

"Vấn nạn lấn chiếm đất đai, xây dựng các công trình trái phép, không phép ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua ở các địa phương chủ yếu do sự buông lỏng của chính quyền một số quận, huyện và cơ sở trong thời gian dài. Chỉ khi báo chí lên tiếng thì các cơ quan mới vào cuộc. Những sai phạm trong xây dựng không thể nào chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không hề hay biết. Ở đây, rõ ràng có sự buông lỏng trách nhiệm và dấu hiệu bao che, tiếp tay của cán bộ và lãnh đạo, do đó cần phải xử lý hình sự đối với những người bao che, tiếp tay", luật sư Bình bày tỏ quan điểm.

Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình thì không chỉ xử lý hình sự đối với cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước, mà với những trường hợp lấn chiếm đất công thu lợi trái phép hoàn toàn đủ căn cứ xử lý hình sự đối với cả những cá nhân, DN, tổ chức vi phạm. Điều 343, Bộ Luật hình sự 2015 về Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở quy định: Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.

Liệu Thung lũng hoa Hồ Tây sẽ được chính quyền địa phương quận Tây Hồ xử lý như thế nào để răn đe những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức lấn chiếm đất đai nhằm phục vụ mục đích tư lợi cá nhân trên địa bàn quận này?!

Trên thực tế, sự tồn tại của Thung lũng hoa Hồ Tây đã được chính quyền phường Nhật Tân, quận Tây Hồ nắm được từ lâu. Hồi năm 2018, khi báo chí phản ánh tình hình vệ sinh môi trường tại khu vực thung lũng hoa Hồ Tây, UBND Quận Tây Hồ đã gửi công văn phản hồi. Nội dung công văn có đoạn: "Trên đường 341 Âu Cơ vào thung lũng hoa Hồ Tây với chiều dài khoảng 560 m (điểm đầu từ đường Âu Cơ – điểm cuối là công viên nước Hồ Tây) dọc hai bên đường là vườn hoa và hồ sen, tuyến đường này đang được UBND quận Tây Hồ lên phương án “Tổ chức chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ".