18/01/2025 | 13:51 GMT+7, Hà Nội

“Chìa khóa” giúp doanh nghiệp phục hồi

Cập nhật lúc: 01/10/2020, 13:40

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã len lỏi vào mọi ngành nghề, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và cuộc sống. Nhiều DN đã tận dụng tốt thế mạnh từ AI để vượt qua khó khăn, sớm phục hồi các hoạt động trong và sau dịch bệnh.

Nâng cao hiệu quả công việc nhờ AI

AI được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc ứng dụng AI sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số, thay đổi mô hình kinh doanh và không bị tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghệ 4.0. Quan trọng hơn, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp như hiện nay, thì ứng dụng trí tuệ nhân tạo còn giúp doanh nghiệp sớm phục hồi các hoạt động trong thời gian dịch bệnh và sau dịch.

Ngành ngân hàng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Bởi khi dịch bệnh bùng phát, cũng giống như đa số các ngành nghề phải gặp trực tiếp khách hàng, thì lượng khách hàng đến giao dịch gần như giảm “chạm đáy”. Nhưng cũng chính trong bối cảnh này các ngân hàng lại triển khai nhiều ứng dụng công nghệ mới có sử dụng AI để thay đổi phương thức hoạt động. 

Không chỉ giúp doanh nghiệp sớm phục hồi trong thời gian đại dịch, phát triển và ứng dụng AI còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí mua công nghệ từ nước ngoài. Ông Nguyễn Thành Lâm - Giám đốc Khối Sản phẩm ứng dụng, Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research (Tập đoàn Vingroup) nêu dẫn chứng thực tế từ đơn vị. Bằng việc ngay từ rất sớm đã triển khai nghiên cứu và ứng dụng AI, nên ngay khi ra mắt mẫu điện thoại Vsmart, VinAI Research đã chủ động sản xuất được công nghệ FaceID, thay vì phải bỏ ra số tiền rất lớn để mua công nghệ này từ Mỹ hoặc Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Xuân Phong - Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Mila (Canada), AI hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ứng dụng trong định danh khách hàng điện tử, AI còn ứng dụng trong lĩnh vực dịch vụ dịch thuật, thành phố thông minh, quản lý đô thị, giao thông… Trên thế giới, AI đã được phát triển từ lâu, dẫn đầu là Bắc Mỹ với các công ty công nghệ lớn, làn sóng tiếp theo sẽ từ Đức, Nhật Bản. Còn với Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống cho AI, điều quan trọng là cần có chiến lược mũi nhọn của quốc gia, chọn ra thế mạnh trong nông nghiệp, y tế, nông lâm thủy sản... để phát huy được tiềm năng của AI.

Đưa AI để giải quyết những vấn đề của cuộc sống

AI đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và cuộc sống, len lỏi vào mọi ngành nghề khác nhau, từ nông nghiệp, công nghiệp, đến y tế, tài chính - ngân hàng… Tuy nhiên, như các chuyên gia cũng nhận định thì ở Việt Nam, vẫn còn nhiều khoảng trống cho AI. Do đó, để thúc đẩy công nghệ này, điều quan trọng là cần có chiến lược mũi nhọn của quốc gia, chọn ra thế mạnh trong từng lĩnh vực để phát huy.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Tùng - Tổng Giám đốc Công ty VVN-AI cho rằng, để đẩy mạnh ứng dụng AI, cần bắt đầu từ chính nhu cầu và khó khăn của doanh nghiệp để tìm ra lời giải - ứng dụng từ đâu và ứng dụng như thế nào cho hiệu quả. Còn ở quy mô rộng hơn, TS. Trần Việt Hùng - người sáng lập Got It (doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang hoạt động ở Mỹ) cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Đơn cử như trong lĩnh vực giao thông vận tải, ứng dụng AI để giúp cho các tài xế biết khu vực nào đang bị tắc đường và đưa ra lộ trình khác thích hợp, hay ứng dụng AI trong việc kết nối, chia sẻ xe như Uber, Grab… đang làm.

Ngoài ra AI còn có thể ứng dụng trong lĩnh vực thương mại điện tử, dựa vào thói quen tiêu dùng để đưa ra các sản phẩm phù hợp; trong lĩnh vực giáo dục, các ứng dụng của AI có thể hiểu được học sinh, sinh viên một cách chi tiết, từ đó đưa ra các chiến lược đào tạo phù hợp với từng người…

Tuy nhiên, theo TS. Trần Việt Hùng, để phát triển và ứng dụng AI, Việt Nam phải đáp ứng được 3 yếu tố chính là cơ sở dữ liệu, khả năng tính toán và nhân lực. Cụ thể, thứ nhất là dữ liệu, rất quan trọng, máy móc học được là từ dữ liệu. Do đó dữ liệu càng nhiều, càng tốt thì giải thuật của máy móc càng tốt. Thứ hai là khả năng tính toán dữ liệu đó, nếu có nhiều dữ liệu nhưng nếu không tính toán được thì cũng không tận dụng được. Cái thứ ba là yếu tố con người, bởi máy móc, các giải thuật được thiết kế bởi con người. Hệ thống trí tuệ nhân tạo cũng là do con người làm ra…

Mặc dù đồng thuận với quan điểm - cần đặc biệt quan tâm đến hệ thống dữ liệu khi phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cũng như cần kết nối và tập hợp đội ngũ nhân lực làm về AI, GS. Nguyễn Thanh Thủy - Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội lại nêu ra một thực tế là tại Việt Nam, nguồn dữ liệu vẫn bị phân tán ở các ngành, lĩnh vực mà chưa có sự kết nối, chia sẻ. Do đó phải có hệ thống dữ liệu dùng chung để có thể phát triển những sản phẩm về AI.

Về vấn đề này, ông Trần Thế Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT cho rằng, dữ liệu Việt Nam vẫn là bức tranh màu xám vì hệ thống luật pháp còn chưa rõ ràng, gây trở ngại cho các doanh nghiệp khi tiếp cận dữ liệu, trong khi đó ứng dụng AI đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn. Do đó, để giúp doanh nghiệp không phải đầu tư từ đầu gây tốn kém, các doanh nghiệp có thể nghĩ đến việc ứng dụng các mô hình sẵn có. Ví dụ như giải pháp trợ lý ảo tổng đài thực hiện các cuộc hội thoại tự động hai chiều với khách hàng. Giải pháp này giúp tự động hóa các tác vụ thực hiện cuộc gọi đi và tiếp nhận cuộc gọi đến, hoặc chuyển tiếp cuộc gọi. Từ đó, tối ưu năng suất của tổng đài viên, tập trung xử lý những tác vụ đòi hỏi sự phức tạp cao (như tư vấn, bán hàng), tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, việc tận dụng AI, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển chung cho nền kinh tế.