19/01/2025 | 07:03 GMT+7, Hà Nội

Câu chuyện bảo tồn và phát triển trong BĐS du lịch nghỉ dưỡng: Chọn mặt gửi vàng!

Cập nhật lúc: 03/06/2017, 01:40

Trong cuộc tọa đàm “nảy lửa” về “Phát triển du lịch bền vững Khu du lịch quốc gia Sơn Trà” mới đây, có một ý kiến rất đáng lưu tâm, đó là của Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn.

Bán đảo Sơn Trà nhìn từ trên cao. Ảnh: BQL Bán đảo Sơn Trà.

Bán đảo Sơn Trà nhìn từ trên cao. Ảnh: BQL Bán đảo Sơn Trà.

Sau khi lên án thực trạng hàng loạt các địa danh du lịch trên toàn quốc bị tàn phá cảnh quan, môi trường mà nguyên nhân chính là do các cơ quan quản lý nhà nước quản lý theo kiểu lệ thuộc và “chạy theo” nhà đầu tư thì ông Vạn cũng cho rằng, chúng ta không nên bảo thủ. Sẽ là không ổn nếu cứ đòi giữ nguyên hiện trạng và cấm không cho khai thác mà vấn đề là phải làm thế nào để vừa bảo vệ, vừa phát triển. Nhưng muốn làm được vậy, chúng ta cần “những người quản lý tốt và nhà đầu tư thông minh”.

Từ góc nhìn Sơn Trà, ông Vạn chia sẻ: Nhà đầu tư thì nhìn thấy đẹp chỗ nào là muốn xây dựng ở chỗ đó. Ở Sơn Trà đẹp nhất là hướng Đông, vì thế không thể bảo người ta đầu tư xây dựng hướng Tây mà được. Vấn đề chính là mật độ, kiểu kiến trúc, quy mô ra làm sao. San ủi quá nhiều, làm nghìn biệt thự khổng lồ là hỏng. Tại sao chúng ta lại không áp dụng hình thức đầu tư mà như nhiều nước trên thế giới vẫn làm “không chặt một cây, không san một chỗ”. Thực tế tại Việt Nam, có nhiều dự án nghỉ dưỡng tuyệt vời mà không cần chặt cây.

Cái hình thức đầu tư hạ tầng du lịch “không chặt một cây, không san một chỗ” mà ông Vạn nói nên được hiểu rộng là phải hạn chế tối đa việc tác động đến cảnh quan, môi trường. Còn ví dụ thực tế về những “dự án nghỉ dưỡng tuyệt vời mà không cần chặt cây” thì chẳng phải nhìn đâu xa, có thể thấy ở chính Sơn Trà! Đó là tổ hợp InterContinental Đà Nẵng.

Có thể khẳng định rằng, InterContinental Đà Nẵng chính là minh chứng sinh động nhất cho nguyên lý kết hợp phát triển với bảo tồn cảnh quan thiên thiên. Điều khiến khu resort này được cả thế giới ngả mũ thán phục với kỷ lục 3 năm liên tiếp được vinh danh là “Resort đẹp nhất thế giới” chính là sự kết hợp hài hòa giữa đẳng cấp thiết kế kiến trúc với cảnh quan tuyệt đẹp của Sơn Trà.

Trong một lần gặp gỡ, tôi có hỏi ông chủ của dự án này rằng, điều gì là khó nhất với anh khi triển khai đầu tư InterContinental Đà Nẵng? Anh trả lời gắn gọn rằng: “Không can thiệp một chút nào vào bản vẽ thiết kế của Bill Bensley”.

Còn Bill Bensley, vị KTS lừng danh, tác giả thiết kế dự án thì chia sẻ rằng: “Tôi đã tự đặt ra nguyên tắc cho mình, là phải luôn coi trọng trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên khi thiết kế bất cứ khu nghỉ dưỡng nào. Với tôi, một khu nghỉ dưỡng hoàn hảo, là khu nghỉ dưỡng tôn vinh được vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên và bảo tồn được nguyên trạng cảnh quan xung quanh… Có những nguyên tắc thiết kế và xây dựng để bảo vệ thiên nhiên mà tôi sùng kính như một tôn giáo. Một cái cây ngã xuống, đối với tôi, là một sự mất mát”.

Một góc khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort.

Một góc khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort.

Giờ đây, ai muốn đến nghỉ dưỡng tại InterContinental Đà Nẵng thì cũng phải đợi dài dài vì khu nghỉ thường xuyên kín chỗ, đồng thời cũng phải trả chi một lượng tiền không nhỏ. Kể lại sự thành công ấy, không chỉ để ngợi khen những “con mắt xanh” trong phát triển BĐS du lịch mà còn muốn nói nói rằng, các nhà đầu tư nói chung và chính chủ đầu tư của dự án này nói riêng, hãy nhìn vào thành công của InterContinental Đà Nẵng để rút ra bài học trong phát triển các dự án khác của mình?!

Trở lại với câu chuyện phát triển du lịch của Việt Nam hiện nay. Nếu hỏi lợi thế lớn nhất của du lịch Việt Nam là gì? Đó chắc chắn là điều kiện địa lý, khí hậu và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp trải dài trên cả nước. Còn hỏi, điểm yếu lớn nhất của du lịch Việt Nam là gì, thì đó có lẽ là hạ tầng du lịch.

Năm 2016, Việt Nam mới chỉ đón 10 triệu lượt khách quốc tế, và khoảng 60 triệu lượt khách nội địa mà hạ tầng đã phải gồng hết sức mình thì để đạt mục tiêu như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch là đến năm 2020 sẽ “thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp”, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… thì việc huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng du lịch là điều không thể bàn cãi.

Tuy nhiên, điều cốt tử là phải làm thế nào để phát triển bền vững; một mặt phải đẩy mạnh phát triển được “phần cứng” là hạ tầng du lịch nhưng mặt khác vẫn phải bảo vệ, phát huy được “phần mềm”, “phần hồn” của du lịch Việt Nam là không gian cảnh quan. Du khách không chỉ có nhu cầu thụ hưởng một dịch vụ hoàn hảo trong những khách sạn, resort hạng sang mà còn có mong muốn trải nghiệm cảnh quan, khám phá thiên nhiên kỳ thú…

Muốn làm được vậy, đúng là chúng ta cần có những “người quản lý tốt và nhà đầu tư thông minh”. Trong làn sóng cạnh tranh phát triển hiện nay, đúng là đang có hiện tượng chính quyền các địa phương chạy theo mong muốn của nhà đầu tư, cấp phép dự án tràn lan; “vơ bèo vạt tép” cả những nhà đầu tư chộp giật, thiếu năng lực và không kiên quyết trong việc xử lý sai phạm. Đó thực sự là cách làm lợi trước mắt nhưng hại lâu dài mà các ngành, địa phương cần chấn chỉnh. Lâu nay, mỗi khi xuất hiện những dự án phá hoại (hoặc có nguy cơ phá hoại) cảnh quan, môi trường, dư luận thường giáng hết “búa rìu” vào đầu các nhà đầu tư trong khi thực tế là chẳng nhà đầu tư nào có thể vi phạm nếu như các cơ quan quản lý nhà nước không “bật đèn xanh” thậm chí là tiếp tay cho sai phạm.

Một “người quản lý tốt” trong phát triển hạ tầng du lịch là người phải biết “chọn mặt gửi vàng” mời gọi được những nhà đầu tư có có tâm, có tầm. Đó phải là những “nhà đầu tư thông minh”, khôn ngoan chứ không khôn lỏi. Họ phải biết thu hút các nhà đầu tư bằng việc tạo ra cơ chế chính sách thông thoáng, hấp dẫn, minh bạch chứ không phải bằng việc tạo cơ hội cho nhà đầu tư làm ăn chộp giật, phá hoại môi trường…

Nếu như coi ngành du lịch như một chiếc xe thì việc phát triển hạ tầng du lịch sẽ là cái chân ga còn công tác bảo tồn cảnh quan, bảo vệ môi trường là cái chân phanh. Để “chiếc xe” ấy chạy nhanh và vẫn vẫn an toàn thì phải hài hòa điều tiết giữa ga và phanh. Trọng trách ấy trước hết được đặt lên vai các cơ quan quản lý nhà nước.